Chưa thể giải các bài toán lớn
“Những năm qua, nhóm ứng dụng liên quan đến khoa học và kỹ thuật tính toán được phát triển mạnh với việc hình thành các trung tâm, phòng thí nghiệm về khoa học và kỹ thuật tính toán hay trí tuệ nhân tạo (AI)… Tuy nhiên, các nhóm này thường giải bài toán ở quy mô nhỏ, đôi khi chạy bài toán với kích thước lớn ở các hệ thống máy tính mạnh ở nước ngoài vì trong nước chưa có hệ thống máy tính đủ lớn”, PGS-TS Thoại Nam, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết. Theo PGS-TS Thoại Nam, không chỉ riêng khoa học, nhiều ứng dụng trong công nghiệp đang phát triển ngày càng nhanh, phức tạp hơn mà việc thực thi các bài toán trên máy tính thông thường không khả thi nên phải dùng hệ thống máy tính hiệu năng cao (HPC) với khả năng tính toán số học mạnh và mạnh về xử lý dữ liệu lớn (Big Data).
Với đề tài “Nghiên cứu và đề xuất thiết kế hạ tầng tính toán hiệu năng cao phục vụ cho TPHCM”, PGS-TS Thoại Nam, chủ nhiệm đề tài, và nhóm các nhà khoa học của Trường ĐH Bách khoa TPHCM nhận định, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Vingroup, VNPT, Viettel…, tuy có hạ tầng tính toán riêng nhưng không đặt tại TPHCM và không thể chia sẻ cho doanh nghiệp khác. Hiện toàn thành phố có chưa đến 10 hệ thống với sức mạnh tính toán dưới 100 TFlops cho HPC (64bit) và dưới 1 PFlops cho AI (16bit). Riêng khối viện - trường, mặc dù đã được đầu tư một số hệ thống tính toán hiệu năng cao nhưng hiện tại đều yếu, thậm chí nhiều hệ thống máy tính mạnh nhưng rời rạc, tính hiệu quả chưa cao và không thể giải các bài toán lớn. “Việc đầu tư hạ tầng tính toán hiệu năng cao phục vụ hệ sinh thái AI bao gồm nghiên cứu và ứng dụng AI phục vụ các cơ quan, đơn vị, các cơ sở đào tạo; thực hiện chương trình AI của TPHCM nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sản xuất công nghiệp, phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ… là nhu cầu cần thiết hiện nay”, PGS-TS Thoại Nam chia sẻ.
Tìm giải pháp tối ưu
“Ở Đông Nam Á, Việt Nam đi sau Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia trong lĩnh vực tính toán hiệu năng cao. TPHCM là đầu tàu, đi đầu cả nước về ứng dụng khoa học - công nghệ, cho nên việc thành phố xây dựng hệ thống máy tính hiệu năng cao là hết sức cần thiết”, đại diện nhóm nghiên cứu hạ tầng tính toán hiệu năng cao phục vụ cho TPHCM nhìn nhận. Dựa trên kinh nghiệm phát triển hạ tầng tính toán của một số quốc gia cũng như xu thế phát triển và hợp tác trên thế giới, nhóm các nhà khoa học gợi ý việc phát triển hạ tầng tính toán hiệu năng cao của thành phố nên chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng và phát triển hạ tầng tính toán hiệu năng cao liên kết và chia sẻ của thành phố. Hạ tầng này không thể thành công nếu không có một trung tâm tính toán hiệu năng cao chủ lực đóng vai trò trung tâm kết nối và đáp ứng nhu cầu khai thác tài nguyên của người sử dụng. Giai đoạn 2, xây dựng và phát triển hạ tầng tính toán hiệu năng cao quốc gia. Giai đoạn 3, tham gia hạ tầng tính toán hiệu năng cao khu vực và quốc tế.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TPHCM, với thực tế tại TPHCM và đặc biệt là với Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TPHCM giai đoạn 2020-2030” (nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; đưa AI trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số; góp phần xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, đô thị sáng tạo…), thì việc đầu tư hệ thống máy tính hiệu năng cao sẽ giúp chương trình AI đạt kết quả tốt hơn. Cùng quan điểm, PGS-TS Thoại Nam khẳng định: “Từ bài học của các nước phát triển, chúng ta cần phát triển hạ tầng tính toán hiệu năng cao kết nối và chia sẻ cho người sử dụng đầu cuối. Việc này giúp thành phố huy động được nguồn lực của nhiều đơn vị, kể cả doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư để giải quyết bài toán của chính họ, đồng thời chia sẻ và sử dụng nguồn lực của đơn vị khác khi có bài toán lớn”.