Phát triển hạ tầng đô thị làm động lực phát triển kinh tế

Tại Hà Nội, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế tham gia Hội thảo Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023 do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 14-12 đã đưa ra những đánh giá về thực trạng, cơ hội, tiềm năng đầu tư và thách thức đối với ngành xây dựng và các lĩnh vực kinh tế, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp tạo động lực phát triển kinh tế.
Hội thảo Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023 do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 14-12 tại Hà Nội
Hội thảo Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023 do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 14-12 tại Hà Nội

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật với nền kinh tế. 

Trong thời gian qua, giá trị sản xuất ngành xây dựng luôn có mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước. Ngành xây dựng cũng đã tham gia đóng góp các chương trình vào tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công, tham gia vào 3 đột phá của nền kinh tế như đột phá về cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng còn một số vấn đề bất cập, như: một số quy hoạch xây dựng còn thiếu tầm nhìn, triển khai chưa đồng bộ giữa các loại và cấp độ quy hoạch dẫn tới việc triển khai chương trình. Hiện, tiến độ các dự án còn chậm; nguồn cung vật liệu phục vụ dự án, công trình trọng điểm quốc gia có những thời điểm còn thiếu và chưa ổn định; thị trường bất động sản đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh... Riêng đối với lĩnh vực hạ tầng đô thị, thực tế tại các địa phương cũng cho thấy, công tác quản lý phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế đô thị, đặc biệt đối với hạ tầng giao thông, thu gom và xử lý chất thải rắn, thoát nước và xử lý nước thải. 

Để giải quyết những vấn đề bất cập này, đại diện Bộ Xây dựng đề xuất, cần tập trung ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị; lấy ngân sách là hạt nhân, tạo sức hút các nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư đối với các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật, cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt là cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn). Đồng thời, các địa phương cần sử dụng nguồn lực tạo ra từ quá trình phát triển đô thị để quay lại đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng cho quá trình phát triển bền vững của đô thị.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đồng thuận quan điểm, để tăng động lực phát triển kinh tế trong giai đoạn sắp tới, cần đặc biệt ưu tiên đầu tư khép kín các đường vành đai, đường xuyên tâm, hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bãi đỗ xe tại các đô thị; tăng cường khai thác sử dụng hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm đô thị, không gian đa chức năng của đô thị. Đồng thời, các địa phương cần áp dụng công nghệ số và mô hình quản lý thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc tăng cường các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao và áp dụng các công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện của Việt Nam cũng cần được chú trọng.

Tin cùng chuyên mục