Phát biểu tại buổi giới thiệu Bản đồ cơ hội đầu tư năm 2022 mới đây, Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia khẳng định, kể từ năm 2023, Indonesia sẽ ngừng xuất khẩu một số mặt hàng như thiếc và mangan, phát triển công nghiệp hạ nguồn khai khoáng và thực phẩm.
Thiếc là “công cụ” tạo doanh thu tốt đứng thứ hai trên thế giới. Hơn nữa, quá trình hạ nguồn này của ngành thiếc sẽ cải thiện khả năng phục hồi kinh tế của Indonesia trong bối cảnh biến động toàn cầu về mặt hàng này. Trong 2 năm tới, Indonesia còn đặt mục tiêu chấm dứt xuất khẩu nhựa đường.
Hạ nguồn công nghiệp là một hình thức chuyển đổi kinh tế ở Indonesia, nhằm mục đích mang lại lợi ích và giá trị gia tăng cho các tầng lớp xã hội khác nhau. Bộ trưởng Bahlil cho biết: “Hiện thu nhập bình quân đầu người của Indonesia vào khoảng 4.500 USD. Chúng tôi muốn nâng lên 9.000-10.000 USD và điều đó đòi hỏi những công việc có chất lượng, một trong số đó là ở hạ nguồn”.
Theo ông Bahlil, nỗ lực phát triển công nghiệp chế biến hạ nguồn nickel đã có thể tạo ra giá trị gia tăng đáng kể. Trong giai đoạn 2017-2018, xuất khẩu các sản phẩm phái sinh từ nickel chỉ đạt 3,3 tỷ USD. Chính sách phát triển hạ nguồn của chính phủ đã giúp thúc đẩy xuất khẩu, qua đó nâng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm phái sinh từ nickel lên 20,9 tỷ USD vào năm 2021.
Ông Bahlil nhấn mạnh thêm rằng, mục tiêu của Indonesia trong năm 2023 là nâng kim ngạch xuất khẩu nickel lên 27-30 tỷ USD thông qua việc xây dựng hệ sinh thái pin xe điện trong nước từ khai thác, lò luyện, chế biến tiền chất, cực âm, tế bào pin, sản xuất xe điện… Theo dữ liệu của idnfinancials.com, xuất khẩu thiếc từ Indonesia đã tạo ra cho Indonesia 2,44 tỷ USD trong năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu nikel mang về 1,28 tỷ USD cho nước này.
Bộ Đầu tư Indonesia cũng đã khởi động 22 dự án đầu tư ưu tiên có tổng trị giá 37,32 ngàn tỷ rupiah nhằm nâng giá trị gia tăng của lĩnh vực khai khoáng và chế tạo. Song song với phát triển công nghiệp hạ nguồn khai khoáng, chính phủ cũng đã bắt đầu thiết kế một chương trình phát triển hạ nguồn thực phẩm và chương trình này sẽ trở thành trọng tâm trong tương lai.
Trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, các dự án được chào bán là công nghiệp chế biến ngô làm thức ăn chăn nuôi tại Gorontalo, ngành công nghiệp cồn sinh học ở Đông Java, công nghiệp kim loại đồng ở Đông Java, công nghiệp máy móc thiết bị nông nghiệp ở Đông Java, công nghiệp động cơ điện cho xe điện ở Tây Java, công nghiệp muối dược phẩm ở Đông Java, cũng như ngành sản xuất lốp máy bay từ cao su tự nhiên ở Tây Java. Bên cạnh đó có ngành công nghiệp thiết bị y tế từ cao su tự nhiên ở Bắc Sumatra, công nghiệp nguyên liệu linh kiện điện tử ở Tây Kalimantan và ngành công nghiệp pin mặt trời ở Banten