Cần Giờ là một “điểm” như vậy. Là khu vực duy nhất của TPHCM tiếp giáp với biển, sở hữu khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn; Cần Giờ cũng đang có 2 siêu dự án là mở rộng Khu đô thị du lịch lấn biển và xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế. Cơ hội lẫn thách thức đều rất lớn.
Để hiện thực hóa Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 26-9-2022 của Thành ủy TPHCM đến năm 2030 sẽ “Xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường”, trong đó có Chương trình hành động Vì một Cần Giờ Xanh (định hướng phát triển “Cảng Xanh”), bước lựa chọn thí điểm huyện Cần Giờ chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch là một giải pháp căn cơ, lâu dài.
Cần Giờ có mật độ đường bộ thưa thớt do diện tích toàn huyện lớn cùng đặc thù nhiều kênh, rạch. Ở đây, xe máy được sở hữu nhiều nhất so với các phương tiện giao thông cá nhân còn lại và đa số phương tiện cá nhân dùng xăng/dầu. Do ít hoạt động kinh tế, người dân có nhu cầu đi lại, hệ số chuyến đi hàng ngày thấp hơn so với các khu vực quận/huyện còn lại; trong khi tỷ lệ sử dụng và dịch vụ giao thông công cộng khá thấp.
Ước tính khoảng 75,4% số chuyến đi hàng ngày của người dân sử dụng xe máy xăng, 14,3% là sử dụng các loại phương tiện khác như ô tô cá nhân, xe đạp, taxi/ xe ôm… Huyện đảo này hiện có 5 tuyến xe buýt, tần suất trung bình 11-22 phút/chuyến giờ cao điểm, ngoài giờ cao điểm đạt 30-60 phút/chuyến.
Với mặt bằng đó, chương trình thí điểm giao thông Xanh cho Cần Giờ hướng đến việc áp dụng cho cả phương tiện công cộng (xe buýt) và phương tiện xe máy (xăng chuyển sang xe máy điện), trong đó đối tượng lớn là người dân và hình thức giao vận bằng xe máy điện (hiện cả thành phố có gần 1 triệu xe máy giao vận hàng hóa, người).
Bởi nếu chỉ dừng ở thí điểm xe buýt, với tỷ lệ sử dụng phương tiện này còn khá thấp, mức thụ hưởng không cao, xác suất phục vụ hạn chế nên độ sàng lọc, tính đo lường sẽ không nhạy. Đồng thời đẩy mạnh thí điểm đối với phương tiện xe máy - đối tượng lưu thông chủ yếu, lại là xe máy xăng đang rất cần chuyển đổi sang xe máy điện.
Có 2 yếu tố thúc đẩy thí điểm sử dụng xe máy điện trong dân và dịch vụ giao vận là nhiều gia đình đã có thói quen và kinh nghiệm sử dụng xe điện để đi lại hàng ngày với tỷ lệ 19,1% xe đạp điện, 2,8% xe máy điện và 18,2% ô tô điện. Hơn nữa, khách đến Cần Giờ chủ yếu du lịch (chiếm tới 89,6% so với đi công tác, học tập chỉ 8,2%).
Trong đó, khoảng 97% lượng khách đến từ TPHCM; hai loại phương tiện chính mà du khách sử dụng là xe máy xăng (56,1%) và ô tô xăng/dầu (30,6%). Do vậy, khi thực hiện chương trình giao thông Xanh, du khách vừa có điều kiện trải nghiệm vừa có cơ hội được phục vụ.
Một khảo sát mới đây cho thấy, có 68,0% du khách đi taxi muốn chuyển sang sử dụng xe buýt/ xe điện; du khách dùng xe máy xăng và ô tô dùng xăng/dầu có tỷ lệ muốn chuyển sang xe buýt/xe điện sử dụng cho các chuyến đi của mình lần lượt là từ 22,4% và 25,8%.
Do đó, các giải pháp kèm theo nên được xem xét toàn diện như cung cấp bãi đậu xe trung chuyển tại cửa ngõ của Cần Giờ (phà Bình Khánh) để du khách chuyển sang phương tiện xanh khi di chuyển ở Cần Giờ. Hoặc cung cấp dịch vụ xe buýt tần suất cao kết nối trực tiếp đi và đến trung tâm TPHCM để thay thế tuyến xe buýt không trợ giá, hoạt động tần suất thấp như hiện nay.
Khi chúng ta thực hiện thành công những “điểm” ban đầu như ở Cần Giờ, đó sẽ là cơ sở mở ra “diện” ở những khu vực và lĩnh vực giao thông vận tải khác khắp địa bàn TPHCM.