Trên đường Lê Văn Lương (tuyến đường huyết mạch nối liền TPHCM với tỉnh Long An) có đến 4 cầu sắt (Rạch Đĩa, Rạch Tôm, Rạch Dơi và Long Kiển) được xây dựng cách nay hơn nửa thế kỷ, đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào, tải trọng mỗi cây cầu chỉ còn từ 1 tấn đến 3,5 tấn. Người dân và chính quyền địa phương đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng việc cải tạo, xây mới các cầu này vẫn chưa được triển khai.
Các cơ quan chức năng liên quan trách nhiệm đã viện dẫn ra rất nhiều lý do khiến chưa thể sửa chữa xây dựng cầu để đảm bảo an toàn giao thông và đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hiện trường vụ sập nhịp cầu Long Kiển. Ảnh: QUỐC HÙNG
Cụ thể như: dự kiến sẽ khởi công nhưng còn đang triển khai phần đấu thầu; còn chờ bồi thường giải phóng mặt bằng; còn chờ sửa chữa thiết kế kỹ thuật; còn chờ quy định mới của Chính phủ về các dự án BT; phải tạm giãn tiến độ triển khai dự án do chờ bố trí vốn để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tổng mức đầu tư dự án tăng lên do trượt giá; phải thay đổi quy mô, mở rộng diện tích giải phóng mặt bằng, nên không cân đối được nguồn vốn... Đúng là có rất nhiều chuyện phát sinh, vướng mắc, bị động, khiến phải chờ, nhưng không thể vì bất cứ lý do gì để người dân tham gia lưu thông phải liều mạng qua cầu không an toàn.
Họp báo sau khi sập cầu Long Kiển, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TPHCM thừa nhận TPHCM đang có gần 30 cây cầu yếu như cầu Long Kiển, và hứa theo kế hoạch từ nay đến hết năm 2020 những công trình này sẽ được xây dựng mới.
Nhưng nếu tính luôn các cầu nhỏ tại các khu dân cư, thuộc phân cấp cho các quận - huyện, thì TPHCM có đến 200 cầu yếu, 55 cầu không đồng bộ tải trọng. Không chỉ lo ngại vì cầu yếu, từ chuyện sập cầu Long Kiển, dư luận tiếp tục bức xúc lên tiếng bày tỏ nỗi lo ngại về thực trạng thiếu an toàn giao thông khi ngay trên địa bàn TPHCM vẫn còn nhiều nơi tại quận 8, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Nhà Bè, Cần Giờ không có cầu qua sông, người dân vẫn còn phải dắt xe máy xuống đò, phà để qua sông như ở các xã vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh nghèo.
Thí dụ như sông Vàm Thuật chia cắt phường An Phú Đông (quận 12) và phường 5 (quận Gò Vấp) có chiều rộng chỉ khoảng 100m, vậy mà từ bao đời nay người dân hai bên bờ sông Vàm Thuật vẫn phải qua sông bằng đò ngang. Vì chưa có cầu, nên bến đò An Phú Đông thành tuyến huyết mạch đưa người dân từ quận 12 đến trung tâm TPHCM.
Trong quy hoạch về mạng lưới đường thủy và cảng TPHCM giai đoạn đến năm 2020 không đặt ra lộ trình làm cầu để thay thế 30 bến đò, phà. Như vậy, kế hoạch xây dựng cầu ở TPHCM đang rất bất cập so với nhu cầu xây dựng cầu trên địa bàn TPHCM.
Dư luận thắc mắc: Trong việc giải quyết các điểm ùn tắc giao thông tại TPHCM, đã có nhiều cầu vượt quy mô lớn được xây dựng rất nhanh; vậy mà sao việc xây dựng cầu thay thế các bến đò ngang và thay thế các cầu sắt cũ kỹ lại trì trệ đến vậy?
Qua đó cho thấy việc thực hiện kế hoạch phát triển giao thông trên địa bàn TPHCM còn hạn chế về tầm nhìn. Chuyện hạn chế tầm nhìn đã bộc lộ rất rõ chẳng bao lâu sau khi xây dựng cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Chánh Hưng nối tiếp nhau với giao lộ cắt ngay ở dốc cầu và mặt cầu quá hẹp; nay TPHCM đang phải tốn thêm nhiều kinh phí để khắc phục tạm bợ.
Đại lộ Võ Văn Kiệt - một công trình sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đạt hiệu quả. Ảnh: CAO THĂNG
Mới cách nay 6 tháng, khi có thông tin về việc Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang chuẩn bị mở rộng 3 nhánh cầu Chữ Y (nối quận 5 và 8) từ 9m lên 12m để giảm ùn tắc trên cầu và các tuyến đường quanh khu vực, với tổng mức đầu tư mở rộng cầu hơn 186 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố, nhiều người dân đã phải sửng sốt, vì mở mặt cầu Chữ Y thêm 3m không thể giải quyết được tình trạng có giao lộ gây rối lưu thông ngay trên cầu và lưu lượng xe đang ngày càng tăng vọt do dân cư ở phía Nam TPHCM ngày một tăng cao.
Việc cần hơn, căn cơ hơn là xây dựng thêm cầu nối các tuyến đường chính hai bên bờ kênh, vì đoạn kênh Tàu Hủ - kênh Đôi qua các quận 5, 6, 8 dài hàng chục cây số mà hiện có rất ít cầu nối với khu Nam Sài Gòn.
Thực tế cho thấy, ngành giao thông TPHCM cần khẩn trương rà soát, khắc phục ngay các điểm đen tai nạn giao thông tại các cầu yếu và các bến đò ngang bằng cách sửa chữa, xây dựng cầu giao thông, trên tinh thần và ý thức trách nhiệm với tính mạng người dân, không để xảy ra một vụ sập cầu, chìm đò nào nữa.
Đồng thời rà soát kế hoạch phát triển giao thông, có tầm nhìn dài hạn, không để xảy ra tình trạng quy hoạch, thiết kế cầu bất cập ngay khi chưa thi công, gây tốn kém ngân sách và không đáp ứng được yêu cầu phát triển TPHCM.