Phát triển giao thông thủy nội địa

Qua số liệu thống kê từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay số vụ vi phạm liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn TP đã giảm.

 

Tàu siêu trọng từ biển theo đường thủy vào TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Tàu siêu trọng từ biển theo đường thủy vào TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Nhiều vi phạm 

Cũng như trên đường bộ, hành vi vi phạm của các phương tiện tham gia giao thông đường thủy trên địa bàn TP cũng rất đa dạng. Vào ngày 23-8 vừa qua, Thanh tra Sở GTVT (TTGTVT) đã phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm đối với Công ty cổ phần Nam Tân do đơn vị này sử dụng sà lan (loại tải trọng 680 tấn mang số hiệu SG-7307) không đúng công dụng của phương tiện. Sà lan SG-7307 chỉ có công năng chở hàng nhưng thực tế lại dùng để đặt cẩu thi công công trình tại vị trí bờ phải sông Sài Gòn, đoạn thuộc phường 13, quận Bình Thạnh. Hành vi này vi phạm vào khoản 5 Điều 13 quy định tại Nghị định số 132/2015/NĐ-CP. Ngay lập tức, sà lan này bị buộc phải đình chỉ hoạt động. Ngày 7-8, tại bến thủy nội địa của doanh nghiệp tư nhân Tuấn Nhiều tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TTGTVT đã lập biên bản xử lý đơn vị này do hành vi chất cát lên ô tô biển số 57L-2617 vượt quá trọng tải cho phép. Cụ thể, trọng tải cho phép của ô tô khi tham gia giao thông chỉ có 990kg nhưng thực tế trọng tải tới 1.200kg, vi phạm điểm a khoản 1 Điều 28 nghị định số 46/2016/NĐ-CP và ô tô này buộc phải hạ phần hàng hóa chở vượt tải trọng, bị tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký xe chờ xử lý.

Trưa 21-8, tại bờ phải sông Sài Gòn, đoạn thuộc xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, tổ công tác của Đội 2 TTGTVT phát hiện Công ty TNHH MTV Thương mại - xây dựng - vận tải Anh Duy với chức năng khai thác bến thủy nội địa đã để cát trôi xuống vùng nước trong phạm vi bến. Hành vi này được xác định vi phạm khoản 4 Điều 5 Nghị định 132/2015/NĐ-CP. Doanh nghiệp này buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu cũng như bị tạm giữ giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Lúc 10 giờ 30 sáng 19-8, tại bờ phải kênh Xáng thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thuyền trưởng Phan Văn Nhật bị lực lượng TTGTVT phát hiện đang điều khiển sà lan mang số hiệu LA-058.54 chở đất quá vạch dấu mớn nước an toàn phương tiện từ trên 1/5 - 1/2 chiều cao mạn khô của tàu, tức vi phạm điểm e khoản 2 Điều 28 Nghị định 132/2015/NĐ-CP. Trưa 11-8, tại bờ trái Rạch Tra thuộc xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, người điều khiển sà lan mang số hiệu LA-056.70 bị lập biên bản xử lý vì hành vi bốc dỡ hàng hóa từ sà lan lên bờ tại bến thủy nội địa chưa được cấp phép hoạt động…

An toàn để phát triển

Trong nửa đầu năm 2017, tính chung, lực lượng TTGTVT đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 534 trường hợp, gồm 411 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và 123 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Các vụ vi phạm được phát hiện như trên đã giảm gần 300 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016, tương đương mức giảm 35,8%. Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM Trần Quốc Khánh nhận xét, để có được kết quả bước đầu này, lực lượng TTGVT đã thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, triển khai thực hiện đúng các kế hoạch đề ra.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động giao thông vận tải bằng đường thủy nội địa cũng đã thầm lặng đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Một cách khách quan, về mặt địa lý tự nhiên, điều kiện sông nước trên địa bàn thành phố có thể xem như món quà tặng của tạo hóa bởi có luồng lạch tự nhiên, tạo thuận lợi để từ trung tâm TPHCM tỏa đi 4 hướng bằng đường thủy.

Phía Đông có sông Sài Gòn trải dài theo chiều dọc thành phố và liên kết với sông Đồng Nai để đến TP Biên Hòa, Trị An; phía Tây có trục kênh Tẻ - kênh Đôi nối dài với sông chợ Đệm - Bến Lức thông ra sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây băng qua Đồng Tháp Mười rồi tỏa đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; phía Bắc có sông Sài Gòn, kênh Thầy Cai, rạch Tra, kênh Xáng - An Hạ qua địa bàn huyện Củ Chi rồi thông với sông Vàm Cỏ Đông ở phía Bắc; phía Nam có kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - kênh Cây Khô - rạch Bà Lào - sông Cần Giuộc - kênh Nước Mặn qua kênh Chợ Gạo, nối sông Tiền về miền Tây hoặc theo sông Nhà Bè nối kết với sông Lòng Tàu hoặc sông Soài Rạp để trổ ra biển Đông thông thương quốc tế.

Về mặt bằng không gian vận tải, hệ thống đường sông khu vực TPHCM được chia theo 3 nhóm: nhóm các sông kênh nội thị, nhóm các sông kênh thuộc quận huyện và nhóm các sông kênh đi liên tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ. Chính quyền TPHCM cũng đã lập quy hoạch phát triển các tuyến đường sông nội đô trong tương lai. Đó là tuyến vành đai 1 đạt tiêu chuẩn cấp 4, dài khoảng 60km với lộ trình đi theo sông Sài Gòn - rạch Bến Cát - rạch Chợ Mới - rạch Nước Lên - kênh Đôi - kênh Tẻ - sông Sài Gòn. Trong khi đó tuyến vành đai 2 sẽ đi theo cung đường sông Sài Gòn - rạch Tra - kênh Xáng - kênh An Hạ - sông Chợ Đệm - kênh Đôi - kênh Tẻ - sông Sài Gòn dài gần 100km và cũng đạt tiêu chuẩn cấp 4.

Một trong những ưu thế của đường thủy nội địa là khả năng vận chuyển của một sà lan hoặc tàu trọng tải 300 tấn, tương đương với sức vận chuyển của một đoàn gồm 15 xe tải hạng nặng trên đường bộ...
 Nạo vét thông luồng tuyến đường thủy nội địa
UBND TPHCM vừa giao Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn các đơn vị trực thuộc hoặc chủ đầu tư dự án duy tu nạo vét bùn đất tại các tuyến đường thủy nội địa của TP, nhằm khai thông luồng tuyến đường thủy nội địa, đảm bảo các phương tiện lưu thông thủy an toàn. UBND TP cũng chấp thuận vị trí đổ bùn, đất với điều kiện vị trí bãi đổ bùn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, được UBND các quận, huyện nơi có vị trí đổ bùn đất chấp thuận và sự đồng thuận của người dân (nếu thực hiện trên khu đất thuộc sở hữu tư nhân). TP cũng giao UBND huyện Bình Chánh và huyện Cần Giờ xem xét, giải quyết các vị trí đổ bùn, đất nạo vét phù hợp, đảm bảo môi trường; giám sát quá trình nạo vét bùn, đất của các dự án cũng như vị trí đổ bùn, đất san lấp để ngăn chặn kịp thời các vấn đề có thể phát sinh gây ảnh hưởng môi trường.
Bình Khôi

Tin cùng chuyên mục