Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương những thành tựu đạt được của ngành GTVT, trong đó có việc chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, rà soát các dự án BOT, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt, nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực quốc gia về logistics đã giúp Việt Nam tăng được 25 bậc so với năm 2016, lên thứ hạng 39/160 nước có tham gia thống kê. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng vẫn lưu ý Bộ GTVT về một số vấn đề còn tồn tại, đáng chú ý là chất lượng quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng còn thấp, có tình trạng vừa quy hoạch xong đã phải điều chỉnh, dẫn đến chắp vá.
Trong năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT đặc biệt tập trung vào các dự án giao thông lớn như: đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, dự án sân bay Long Thành, chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, kết nối giao thông khu vực Tây Bắc, phát triển vận tải thủy khu vực ĐBSCL, tháo gỡ nút thắt kênh Chợ Gạo, Cầu Đuống, xử lý các vướng mắc về thu phí BOT và đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động...
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT đặc biệt chú trọng đến quy hoạch kết nối giữa các phương thức vận tải, hạ tầng, các trục đường để phát triển địa phương, phát triển vùng; đồng thời chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong 10 năm tới. Ngành GTVT cần tiếp tục tạo đột phá về kết nối hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, tiếp tục tái cấu trúc ngành GTVT, nhất là chất lượng dịch vụ vận tải để góp phần giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm.
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tai nạn giao thông năm 2018 tuy giảm cả 3 tiêu chí so với năm trước nhưng không đạt chỉ tiêu giảm 5%-10% số người tử vong. Gần đây, những vụ tai nạn nghiêm trọng hay một số vụ việc mất an toàn hàng không rất đáng lo ngại. Bộ GTVT, Bộ Công an và các địa phương cần chú trọng đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp gây rối, vi phạm trật tự an toàn giao thông, chở quá khổ, quá tải.
Xác định năm 2019 là năm tăng tốc phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Bộ GTVT đặt chỉ tiêu tăng trưởng bình quân từ 8% - 9% về tấn hàng hóa và lượt hành khách so với năm 2018. Đồng thời, hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2019 với số vốn dự kiến giải ngân gần 29.000 tỷ đồng.
* Cùng ngày, Bộ GTVT cho biết, vừa trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 - TPHCM đoạn Bình Chuẩn (Bình Dương) - quốc lộ (QL) 22 (TPHCM) - Bến Lức (Long An) thành đường cao tốc.
Theo đó, tuyến đường có chiều dài 48km, tổng mức đầu tư hơn 19.870 tỷ đồng, được tách thành 2 dự án thành phần. Trong đó, đoạn Bình Chuẩn - QL22 dài 19,1km, có tổng mức đầu tư 9.955 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ 5.294 tỷ đồng, nguồn vốn từ các nhà đầu tư 4.661 tỷ đồng. Đoạn QL22 - Bến Lức dài 28,9km có tổng mức đầu tư 9.915,6 tỷ đồng, từ nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 5.480,6 tỷ đồng và nguồn vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 4.435 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, tuyến đường được đầu tư mặt đường rộng 24,5m gồm 4 làn xe lưu thông với tốc độ 100km/giờ. Trong giai đoạn 2, tuyến đường được đầu tư mở rộng thành cao tốc rộng 67 - 74,5m, 6 - 8 làn xe lưu thông với tốc độ 100km/giờ. Theo tư vấn, thời gian thu phí hoàn vốn có thể kéo dài 23 - 30 năm, tùy thuộc vào tỷ lệ phần vốn nhà nước hỗ trợ cho dự án.
Dự kiến, trong năm 2019, Bộ GTVT sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Sau đó, các đơn vị liên quan sẽ thực hiện thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng, sơ tuyển nhà thầu và đấu thầu để có thể khởi công dự án vào năm 2022 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2024.