Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả

Ngày 15-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch lần thứ 2 được tổ chức trong năm 2023.

Chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong 10 tháng năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt, tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách.

Tổng thu từ khách du lịch đạt 582.600 tỷ đồng. Nhằm tranh thủ tốt các thời cơ, khắc phục các khó khăn, thách thức, tạo ra đột phá trong phục hồi và phát triển du lịch, Bộ VH-TT-DL đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp như: nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm; mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu; thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chỉ ra thực tế việc liên kết, kết nối giữa các vùng miền, ngành, doanh nghiệp đều không tốt. Theo ông, các tỉnh, thành chỉ tập trung quá nhiều cho việc tổ chức các hoạt động bề nổi ở trong nước như: lễ hội, các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế gắn với du lịch. Trong khi thực tế, khách du lịch chỉ quan tâm bản sắc văn hóa truyền thống…

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel), đề nghị, nên tính toán định hướng ở mục tiêu cao cho năm 2024, nên chớp thời cơ đón 18-20 triệu khách. Bởi lẽ, đặt mục tiêu cao mới có giải pháp đột phá, có chính sách, có động lực để phát triển. Cần củng cố lại Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển du lịch; đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm; cần có các sự kiện tiếp cận chuẩn quốc tế, mang tầm quốc tế để thu hút khách du lịch…

Nêu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam có nhiều di sản, có những di sản đã được UNESCO vinh danh. “Một dòng sông, một ngọn núi, một bản sắc, một thổ cẩm, một điệu khèn… tất cả đều là di sản. Nếu chúng ta coi di sản là sản phẩm du lịch mới thì sẽ kéo dài bản đồ du lịch của Việt Nam, sẽ có khác biệt, mang lại giá trị rất lớn”, Bộ trưởng phát biểu.

Ông dẫn chứng, 4 quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đều rất coi trọng du lịch nông nghiệp. Đây là hình ảnh quốc gia, hình ảnh thiên nhiên, di sản ông cha để lại, những câu chuyện huyền thoại từ ngọn núi, con sông. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Bộ VH-TT-DL phối hợp Bộ NN-PTNT chủ trì hội nghị để cụ thể hóa quyết định của Thủ tướng về phát triển du lịch nông nghiệp.

Tổ chức nhiều hơn các sự kiện tầm quốc tế

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để tiếp tục phát triển thời gian tới. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, yếu kém. Thể chế, chính sách, pháp luật cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Liên kết phát triển du lịch giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là về quản lý, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực chưa thực chất, hiệu quả.

Hiện nay, vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”; liên kết ngành, nhất là giữa giao thông vận tải, công thương, y tế... với du lịch chưa chặt chẽ; chưa tạo được chuỗi dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, chưa có các chiến dịch kích cầu du lịch tầm cỡ quốc gia; các sản phẩm du lịch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, không có nhiều sản phẩm đặc sắc…

Khách quốc tế trải nghiệm đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM). Ảnh: GIA HÂN

Khách quốc tế trải nghiệm đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM). Ảnh: GIA HÂN

Để phát triển du lịch thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, trước hết phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững, hiệu quả cao; xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử; xây dựng chuỗi giá trị liên kết quốc gia và toàn cầu; chú trọng vừa phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn; vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao…

Thủ tướng giao Bộ VH-TT-DL khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng gợi ý nghiên cứu, tổ chức nhiều hơn các festival phim, âm nhạc… quốc tế; giới thiệu, tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ quốc tế sáng tác về Việt Nam, đề cập tới Việt Nam trong các tác phẩm nghệ thuật…

* PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Tương lai của Việt Nam là mở về mặt tài chính, thương mại, đầu tư thì du lịch phải mở ra ở tầm cao, lớn như vậy. Nếu không, chúng ta xây nhiều sân bay nhưng ít kết nối với nước ngoài, các hãng hàng không không phát triển tốt và đánh mất cơ hội rất lớn. Do đó, nên định hình lại toàn bộ cấu trúc phát triển thì ngành du lịch mới có cơ hội trỗi dậy.


* Phó Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN VĂN DŨNG:

10 tháng đầu năm, TPHCM đã đón khoảng 4,1 triệu lượt khách quốc tế, đạt 82% so với kế hoạch năm 2023 và chiếm 41% lượng khách cả nước; khách du lịch nội địa đạt hơn 30 triệu lượt khách, tương đương 87% kế hoạch năm 2023 và chiếm 31% cả nước.

Doanh thu du lịch đạt trên 140.000 tỷ đồng, vượt 16,7% so kế hoạch năm 2023, chiếm 24% doanh thu du lịch cả nước và tương đương tổng mức doanh thu du lịch của TPHCM thời điểm trước khi có dịch Covid-19 là năm 2019.

Để du lịch phát triển nhanh, sớm đạt tỷ lệ tăng trưởng như trước dịch và phát triển một cách bền vững, TPHCM đề xuất Chính phủ chấp thuận gia hạn thời gian thi hành Nghị định 94 của Chính phủ về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết ngày 31-12-2024; tiếp tục mở rộng danh sách các quốc gia miễn thị thực, rút gọn quy trình cấp thị thực để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam; xây dựng các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại các nước để mở rộng thị phần ở thị trường trọng điểm, xúc tiến các thị trường tiềm năng; có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá; kế hoạch quảng bá xúc tiến cần được công bố sớm trước 1 năm để các địa phương và doanh nghiệp có điều kiện tham gia tốt nhất.

Bên cạnh đó, triển khai hoạt động của Quỹ xúc tiến du lịch quốc gia để hỗ trợ việc thúc đẩy phát triển ngành du lịch; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch, hệ thống dữ liệu dùng chung về du lịch; triển khai nhanh quy hoạch du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 để các địa phương và doanh nghiệp chủ động triển khai…

* Ông LÂM MINH THÀNH, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang:

Ngành du lịch đang tồn tại việc cạnh tranh giữa các điểm đến, khu, điểm du lịch trong khu vực. Giá vé máy bay từ các thị trường du lịch lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, cả đường bay quốc tế đến Phú Quốc luôn cao hơn các địa phương khác, kể cả ngày thường chứ không riêng dịp lễ, tết. Có những thời điểm, vé khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc có giá trên 10 triệu đồng. Những điều này cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến.

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, trước mắt sớm kết nối nhiều hơn đường bay quốc tế, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài; thực hiện chính sách thị thực linh hoạt; xem xét điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất.

* Bà NGUYỄN THÁI HOÀI ANH, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group:

Các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan…, loại hình du lịch nghỉ dưỡng đang phát triển khá mạnh mẽ, thu hút nguồn đầu tư khá ổn định. Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản sẽ góp phần thu hút lượng khách lớn tới Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá, giải trí. Từ đó, du khách quốc tế sẽ có thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay trở lại nhiều lần và mở ra những cơ hội đầu tư lớn.

THI HỒNG - PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục