Khách du lịch tăng 64% so với cùng kỳ
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 chiều 21-10, bà Lê Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Long An, cho biết, nhờ thực hiện tốt các giải pháp kích cầu du lịch gắn với xây dựng, quảng bá hình ảnh địa phương nên số lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến Long An tăng 64% so với cùng kỳ (ước khoảng 1.175.068 lượt khách, đạt 90% kế hoạch, trong đó khách quốc tế là 25.000 lượt, vượt 25% kế hoạch). Doanh thu từ ngành du lịch và dịch vụ ước đạt 660 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ, đạt 94% kế hoạch... Du khách đến Long An thường chọn tham quan tại các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia như khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa, khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, nhà Trăm Cột, chùa Phước Lâm, công viên tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, khu di tích Võ Văn Tần, căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ; các khu du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh…
Bên cạnh một số kết quả đạt được, hoạt động du lịch của Long An vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, như chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh các giá trị di sản văn hóa, du lịch; chất lượng dịch vụ tại một số điểm du dịch chưa cao, hệ thống cơ sở lưu trú chưa đồng bộ. Các doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực tại các khu, điểm du lịch còn thiếu và yếu về chuyên môn, ngoại ngữ, thiếu tính chuyên nghiệp. Kết cấu hạ tầng các điểm du lịch còn chưa tốt, một số dự án phát triển du lịch triển khai còn chậm, chưa thu hút được khách lưu trú dài ngày...
Đẩy mạnh kết nối
Tại buổi họp báo, có nhiều ý kiến đặt câu hỏi: ngành du lịch Long An kết nối như thế nào với các tỉnh, thành khác và với các địa phương trong tỉnh để hình thành các tour, tuyến hấp dẫn, dễ tiếp cận để giữ chân du khách? Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Long An Lê Thị Cẩm Tú cho biết, thời gian qua, công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch được lãnh đạo tỉnh Long An đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Theo đó, lãnh đạo các huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh đã triển khai nhiều chương trình phối hợp, ký kết hợp tác với các địa phương ngoài tỉnh, nhất là với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Điển hình, như liên kết phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL; liên kết phát triển du lịch vùng Đồng Tháp Mười giữa 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp; liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL (giai đoạn 2020-2025).
Theo bà Lê Thị Cẩm Tú, Long An là địa phương duy nhất của khu vực ĐBSCL trở thành thành viên của Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố toàn cầu (gọi tắt là TPO - có trụ sở tại thành phố Busan, Hàn Quốc). Thời gian gần đây, Long An chú trọng chuyển biến ngành du lịch theo hướng đặc trưng ngành kinh tế tổng hợp, phát triển du lịch dựa trên những lợi thế của các ngành nghề khác và nhờ du lịch mà tăng thu nhập, hiệu quả kinh tế cho các ngành nghề liên quan.
Trong điều kiện các tỉnh ĐBSCL cùng phát triển ngành du lịch dựa trên đặc trưng sông nước, địa hình đồng bằng châu thổ với các loại hình tiếp đón du khách trùng lắp, thiếu sáng tạo, sức cạnh tranh kém, Long An đang được biết đến như địa phương đi đầu trong đổi mới phương thức phát triển ngành du lịch thông qua đầu tư, ủng hộ phát triển các sự kiện mang tầm quốc gia, khu vực theo định kỳ để thu hút du khách tham gia các tour du lịch có lịch trình từ trước. Ngoài ra, với thế mạnh hệ thống các sân golf hiện đại, Long An sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của loại hình du lịch cao cấp này, hướng tới đối tượng khách quốc tế có thu nhập cao.
Cùng với đó, với ưu thế vị trí bản lề giữa 2 vùng kinh tế, Long An hội tụ đầy đủ thế mạnh của cả hai, ngay trong nội tỉnh cũng có thể phát triển các mini tour để du khách trải nghiệm sự thay đổi của văn hóa, phong tục, khí hậu, thổ nhưỡng của các vùng đất trải dài từ Đông sang Tây. “Nếu thực hiện tốt việc này sẽ kết nối mạnh mẽ giao thông, giao lưu kinh tế, văn hóa vùng, đa dạng hóa sự lựa chọn của du khách, thúc đẩy các ngành kinh tế trong tỉnh cùng phát triển, tạo công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Vấn đề xuất khẩu tại chỗ các mặt hàng thủ công, đặc sản, vật phẩm lưu niệm, sản phẩm dược liệu từ thiên nhiên, sản phẩm văn hóa truyền thống của Long An… cũng có cơ hội cất cánh”, bà Lê Thị Cẩm Tú cho biết thêm.
Theo Sở VH-TT-DL Long An, để sớm hiện thực hóa mục tiêu, sở đang phối hợp với các địa phương huy động các nguồn lực xã hội hóa tham gia công tác trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị di tích... Bên cạnh đó, với sản phẩm đặc trưng là sông Vàm Cỏ trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười gắn với nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản bản sắc văn hóa trên địa bàn tỉnh và dịch vụ vui chơi giải trí là bàn đạp cho sự phát triển của các ngành du lịch và các lĩnh vực khác, là điểm đến du lịch vệ tinh hàng đầu của TPHCM...