Phát triển du lịch ở khu vực cửa ngõ

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi cũng có chuyến công tác về Xuân Lộc, huyện cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh Đồng Nai và vùng Đông Nam bộ. Là địa phương có nhiều hồ nước tự nhiên, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn OCOP, huyện Xuân Lộc đang đề ra nhiều quyết sách nhằm đưa du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế quan trọng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Chiêm ngưỡng cây đa 3 gốc, thưởng thức ca cao

Theo chân anh Tống Trần Hòa, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Xuân Lộc, chúng tôi đi cáp treo lên núi Chứa Chan. Đang là mùa hè, thời tiết khá nóng bức nhưng chỉ sau ít phút ngồi cáp treo lên núi, thời tiết bỗng mát mẻ và cảm giác thư thái xâm chiếm. Xung quanh núi là những quần thể cây rừng tự nhiên và rừng trồng xanh um. Ở lưng chừng núi có một cây đa cổ thụ 3 gốc được xem là một hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên nơi đây, luôn thu hút sự tò mò của du khách. Trên núi, du khách đã quen với địa chỉ tâm linh là miếu thờ công chúa Ngọc Vạn (con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên), thỉnh thoảng người làm công quả cho chùa trên núi còn bắt gặp rắn lớn bò ngang bậc thang qua miếu và đôi khi gặp cả loài thú hoang dã quý hiếm là vọoc chà vá chân đen.

Cáp treo lên núi Chứa Chan.jpg
Cáp treo lên núi Chứa Chan

Anh Lê Mai Huy Khanh, Phó Trưởng ban Điều hành Khu du lịch Cáp treo núi Chứa Chan, cho biết, hệ thống cáp treo được xây dựng năm 2015, đưa vào sử dụng từ tháng 1-2016 và trước đại dịch Covid-19, lượng khách tham quan du lịch mỗi năm mỗi tăng. Hệ thống cáp treo được nhập từ châu Âu với 28 cabin, mỗi cabin chứa 8 người, bình thường chỉ sử dụng 14 cabin nhưng vào dịp lễ, tết thì hoạt động hết công suất, có khi nhân viên không có thời gian để nghỉ. Từ thứ hai đến thứ năm, cáp treo hoạt động từ 6 giờ đến 17 giờ, nhưng từ thứ sáu đến chủ nhật thì hoạt động 24/24 giờ. Do ban ngày, người dân bận đi làm và ngại ra đường giữa trời nắng nên nhiều người, nhất là giới trẻ chọn lên núi vào ban đêm để tận hưởng không khí mát lành. Có nhiều đoàn khách hành hương từ các tỉnh lân cận và TPHCM ra đây, chọn lên núi Chứa Chan vào giờ khuya để sáng sớm họ xuống núi di chuyển ra Phan Thiết, Đà Lạt.

Các bạn trẻ nô nức tìm đến chụp hình lưu niệm tại làng hoa của đồng bào Chơ ro dưới chân núi Chứa Chan.jpg
Các bạn trẻ nô nức tìm đến chụp hình lưu niệm tại làng hoa của đồng bào Chơ ro dưới chân núi Chứa Chan

Rời núi Chứa Chan, chúng tôi đến HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ca cao Suối Cát để tìm hiểu mô hình du lịch canh nông do ông Trương Văn Mỹ làm Giám đốc. HTX có 22 xã viên với tổng diện tích ca cao lên đến hơn 100ha tập trung ở các xã Suối Cát, Xuân Thọ, Xuân Bắc và Xuân Hiệp. Ca cao ở đây được chế biến sâu thành nhiều sản phẩm như bột, sô cô la, son môi, rượu vang… Trong đó, sản phẩm chủ lực là bột ca cao làm ra không đủ bán cho khách, ngoài bán tại chỗ thì HTX đang ký kết với đối tác Nhật Bản để xuất khẩu. Từ năm 2022, HTX bắt đầu phát triển du lịch canh nông, hình thành vườn mẫu để du khách được trải nghiệm hoạt động trồng, chăm sóc, chế biến ca cao theo mô hình nông nghiệp hữu cơ.

Cùng với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch canh nông đang là một trong những sản phẩm chủ lực của du lịch Xuân Lộc, được kỳ vọng sẽ giúp huyện này trở thành một trong những địa phương trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai thời gian tới.

XHH 10A.jpg
Giới thiệu cây ca cao ở điểm du lịch canh nông của HTX Ca cao Suối Cát, Xuân Lộc

Thu hút đầu tư vào du lịch

Trong những năm qua, du lịch Xuân Lộc đã có những bước chuyển biến khá tích cực, nhận thức của các cấp, ngành về vị trí, vai trò của du lịch được nâng lên rõ rệt, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển du lịch của các cấp ủy Đảng, chính quyền được quan tâm, kết cấu hạ tầng du lịch bắt đầu được đầu tư; hoạt động du lịch góp phần giải quyết việc làm, tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông nghiệp và kích thích các ngành nghề khác cùng phát triển và tình hình an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường du lịch nhìn chung được đảm bảo. Trong giai đoạn 2016-2019, bình quân mỗi năm Xuân Lộc đón 225.515 lượt khách. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách giảm và hiện vẫn chưa hồi phục như trước dịch.

Đảng bộ huyện Xuân Lộc đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2022-2030. Theo đó, Xuân Lộc sẽ phát triển du lịch bền vững gắn với xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu; bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; huy động nhiều nguồn lực đầu tư vào du lịch để tạo bước phát triển du lịch; phát triển du lịch chất lượng cao, có trọng tâm, có trọng điểm; chú trọng phát triển 3 loại hình chính trên cơ sở lợi thế của huyện gồm: du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch nông nghiệp - nông thôn; tạo điều kiện để nhân dân, du khách tham quan, tìm hiểu, khám phá về con người và văn hóa Xuân Lộc.

Trao đổi với PV về các giải pháp đột phá phát triển du lịch trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, cho biết thêm: Huyện đang phối hợp với các sở ngành của tỉnh hoàn thiện hồ sơ pháp lý về quy hoạch để triển khai mời thầu dự án xây dựng khu phức hợp du lịch ở núi Chứa Chan, hồ núi Le. Trong đó, khu phức hợp núi Chứa Chan có diện tích quy hoạch trên núi hơn 100ha, dưới chân núi và khu vực lân cận 252ha. Ngoài việc phát huy, bảo tồn các di sản văn hóa, di tích đã được công nhận, huyện sẽ mời gọi đầu tư để phát huy giá trị danh lam thắng cảnh; phát triển các loại hình du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, qua đó tạo thêm sản phẩm du lịch thu hút du khách, góp phần phát triển du lịch không chỉ cho khu vực cửa ngõ của tỉnh Đồng Nai mà cho cả vùng Đông Nam bộ.

Theo mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 03-NQ/HU về phát triển du lịch, đến năm 2025, huyện Xuân Lộc phấn đấu đón 300.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt 50.000 lượt, thời gian lưu trú trung bình của khách đạt 1,6 ngày trở lên; đến năm 2030, phấn đấu đón 500.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt 100.000 lượt, thời gian lưu trú trung bình của khách đạt 1,85 ngày trở lên, 100% người lao động làm việc tại các cơ sở du lịch và cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức.

Tin cùng chuyên mục