Tình hình trên đòi hỏi các tỉnh Đông Nam bộ cần sớm tăng cường kết nối các tuyến, điểm DL, nhất là DL đường sông, biển, để có thể phát huy thế mạnh của cả vùng lẫn của từng địa phương, nhằm biến DL thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/2017 của Bộ Chính trị.
Đoàn tàu thiếu kết nối
TPHCM là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như trung tâm của vùng Đông Nam bộ về DL. Điều này thể hiện rõ qua những con số ấn tượng: Năm 2017, TPHCM đã đón hơn 6,4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 6 triệu lượt, tăng 22% so với năm 2016; tổng doanh thu từ DL đạt 115.978 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ.
Nếu ví TPHCM như một đầu tàu trong phát triển DL thì thời gian qua, các tỉnh còn lại của khu vực lại như những toa tàu khá ì ạch chạy theo. Là tỉnh có dân số hơn 3 triệu dân, có tài nguyên DL đa dạng cả về thiên nhiên, văn hóa với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Văn miếu Trấn Biên, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên… nhưng doanh thu từ DL của cả tỉnh Đồng Nai năm 2017 mới đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng; chủ yếu phục vụ khách trong tỉnh là chính (gần 3 triệu lượt), lượng khách quốc tế rất ít, hầu như chỉ tập trung ở Vườn Quốc gia Cát Tiên.
KDL Bửu Long được mệnh danh là Hạ Long của phía Nam
Ngay cả Bà Rịa-Vũng Tàu, những năm gần đây, nhờ con đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây rút ngắn thời gian đi lại từ TPHCM và các địa phương đến Vũng Tàu, lượng khách du lịch đều tăng hàng năm nhưng chủ yếu là khách nội địa. Lượng khách quốc tế năm 2017 dù được báo cáo tăng 14,7% nhưng con số đạt được rất khiêm tốn với 363.000 lượt khách. Mức tăng này chỉ bằng một nửa so với mức tăng trưởng khách quốc tế của cả nước năm 2017.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định: “Mặc dù hàng năm tỉnh đón trung bình khoảng 15 triệu lượt khách, nhưng số lượt du khách lưu trú chỉ chiếm khoảng 20% (khách quốc tế chiếm khoảng 13%). Đây là con số quá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh đã phân tích và xác định được 2 nguyên nhân cơ bản chính là thiếu các cơ sở DL cao cấp mang thương hiệu quốc tế và sản phẩm DL chưa đa dạng, phong phú”.
Một nguyên nhân nữa được lãnh đạo các tỉnh trong khu vực chỉ ra là còn thiếu tính liên kết. Việc hợp tác DL dù có đặt ra nhưng còn hình thức nên các tỉnh hầu như vẫn “mạnh ai nấy làm”, chưa khai thác được nguồn khách quốc tế khổng lồ qua cửa ngõ TPHCM.
Hình thành các tour tuyến liên vùng
Để DL phát triển bền vững, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng như Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị đặt ra, các tỉnh trong khu vực đã ban hành các nghị quyết chuyên đề. Với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, theo đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, tỉnh sẽ tập trung phát triển 4 loại sản phẩm DL chủ yếu: Nghỉ dưỡng biển; Hội nghị, hội thảo (MICE); Sinh thái chất lượng cao và DL văn hóa, lịch sử, tâm linh.
Tỉnh đặt ra một số mục tiêu cụ thể: Tổng lượt khách tới tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu giai đoạn 2017-2020 tăng trung bình 15%/năm, riêng khách có lưu trú là 12,32 triệu lượt khách (trong đó, có 3,1 triệu lượt khách quốc tế); tốc độ tăng trung bình đạt 14%/ năm; Trên 90% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ DL được đào tạo, bồi dưỡng nghề, trình độ ngoại ngữ và kiến thức về DL, 100% cán bộ quản lý DL có năng lực quản lý đáp ứng nhu cầu phát triển; hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án lớn để tạo ra sản phẩm DL; thu hút được ít nhất 10 nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu quốc tế đầu tư các dự án DL chất lượng cao tại các khu vực trọng điểm với tổng vốn đầu tư ước khoảng 36.500 tỷ đồng và 600 triệu USD gồm: khu Paradise, khu Núi Dinh, KDL vườn thú hoang dã Safari, các dự án DL tại huyện Côn Đảo, các dự án trên tuyến DL ven biển Vũng Tàu - Long Hải - Phước Hải - Xuyên Mộc và Khu đô thị sinh thái Long Hương, Bà Rịa.
KDL Núi Bà Đen Tây Ninh thu hút đông khách tham quan vào dịp tết
Với tỉnh Đồng Nai, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, tỉnh sẽ thực hiện một số giải pháp gồm: Tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ và là một trong những giải pháp đột phá được Đại hội Đảng tỉnh Đồng Nai lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đã thông qua, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, bến bãi kết nối các điểm đến DL, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực đầu tư phát triển các cơ sở vật chất kỹ thuật như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí tại các địa bàn có tiềm năng phát triển DL và lợi thế riêng của Đồng Nai (DL sinh thái và DL đường sông); chủ động triển khai và mở rộng liên kết với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ trong xây dựng sản phẩm đặc trưng của tỉnh hoặc vùng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết, hợp tác phát triển DL với các địa phương để phát triển.
Đáng chú ý, trong số các giải pháp trên thì việc quy hoạch, kêu gọi đầu tư tạo thêm sản phẩm mới trên tuyến DL đường sông từ TPHCM đến TP Biên Hòa thăm thú các di tích văn hóa như cù lao Phố, KDL Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên rồi ngược dòng sông Đồng Nai lên hồ Trị An, Vườn Quốc gia Cát Tiên; hay từ sông Sài Gòn ra sông Soài Rạp, ra biển đi dọc biển Vũng Tàu để nối kết với một loạt khu nghỉ dưỡng, vui chơi cao cấp như Hồ Tràm, Bình Châu là một giải pháp có vai trò tác động rất lớn không chỉ với ngành DL của từng tỉnh mà còn với toàn ngành DL của khu vực Đông Nam bộ.
Còn với tỉnh Bình Phước, việc liên kết hình thành các tuyến DL đường sông theo sông Sài Gòn ngược sông Bé lên với Phước Long, kết hợp với khám phá Vườn quốc gia Bù Gia Mập, rồi băng qua Lộc Ninh trong hành trình khám phá các di tích lịch sử cách mạng cũng là một tuyến DL hấp dẫn cho các hành trình về nguồn. Tuyến này có thể nối thêm với Khu di tích quốc gia đặc biệt Trung ương cục miền Nam (Tây Ninh) rồi xuôi về địa đạo Củ Chi để có một tour về thăm chiến trường xưa hấp dẫn cho các cựu binh Mỹ và khách quốc tế nói chung.
Hình thành được các tuyến DL đường sông sẽ góp phần giảm được áp lực giao thông đường bộ, giảm thời gian đi lại của du khách. Việc lựa chọn, liên kết để phát huy lợi thế sông nước (kết hợp đường sông với đường biển), đường sông với đường bộ với lực hút từ TPHCM chính là một giải pháp phát triển bền vững, kéo DL khu vực phát triển trong thời gian tới.