Nhiều tiềm năng
Bến Tre được biết đến là một tỉnh nhiều tiềm năng trong lĩnh vực du lịch làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Ngoài việc đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội thông qua các hoạt động du lịch, các làng nghề truyền thống còn giữ vững và quảng bá những giá trị văn hóa đặc trưng của Bến Tre và vùng ĐBSCL. Ngoài ra, Bến Tre có diện tích tự nhiên vô cùng đặc biệt, được hình thành bởi 3 dãy cù lao là cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh. Hệ thống cù lao này được bao bọc bởi 4 con sông lớn gồm: sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, nhiều kênh, rạch và 65km bờ biển, địa hình bằng phẳng, hình thành nên 3 vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn.
Vì vậy, Bến Tre có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú các vùng là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Thời gian qua, hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bến Tre hình thành và phát triển khá nhiều. Trong đó tập trung chủ yếu tại các xã phía Nam TP Bến Tre, 8 xã ven sông Tiền (xã Tân Thạch, Quới Sơn, An Khánh... của huyện Châu Thành). Gần đây, loại hình du lịch cộng đồng được tiếp tục hình thành và phát triển đến các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh như xã: Long Thới, Vĩnh Thành, Phú Sơn, Vĩnh Hòa (huyện Chợ Lách); xã Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm); xã An Hiệp (huyện Ba Tri); xã Tam Hiệp (huyện Bình Đại). Mô hình du lịch cộng đồng phát triển đã và đang góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư, quảng bá hình ảnh địa phương, con người Bến Tre.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung thông tin, với tiềm năng của tỉnh, năm 2023, ngành du lịch Bến Tre đón gần 2,3 triệu lượt khách, trong đó khoảng 20-30% là khách quốc tế. Theo bà Ngọc Dung, trước đợt dịch Covid-19, khách quốc tế chiếm khoảng 50%, sau dịch Covid-19, Bến Tre đang thu hút dòng khách quốc tế, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch xanh. Đặc biệt, tốc độ phát triển du lịch Bến Tre hàng năm tăng từ 22-30%, chi tiêu trung bình của du khách từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/người. “Chúng tôi đang phấn đấu duy trì chi tiêu của du khách ở mức từ 1,5 triệu đồng/ người trở lên.
Hiện khách đến Bến Tre lưu trú dài ngày hơn. Một số du khách trước đây chỉ đặt tour 2 ngày 1 đêm, nay tăng lên 3 ngày 2 đêm. Đặc biệt, có du khách quốc tế khi được ăn, ở, được sinh hoạt trải nghiệm văn hóa bản địa Bến Tre, thấy hấp dẫn, họ hủy những tour trước đó để ở lại Bến Tre tham quan lâu hơn. Điều này chứng tỏ sản phẩm và dịch vụ của Bến Tre ngày càng hấp dẫn, bắt kịp nhu cầu du khách”, bà Ngọc Dung cho hay. TS Phan Thị Ngàn, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM) cho rằng, vận dụng, khai thác, phát huy tối đa và có hiệu quả về lợi thế nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa, nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương tạo thành sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm phục vụ và thu hút du khách trong và ngoài nước đến Bến Tre ngày càng nhiều hơn.
Gắn với bảo vệ môi trường
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo vệ môi trường nổi lên như một xu hướng tất yếu mang tầm chiến lược. Loại hình du lịch này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân địa phương mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng. Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tân Phú (xã Tân Phú, huyện Châu Thành) cho biết, sau khi được thành lập với 9 thành viên, đơn vị đã hợp tác với các hộ dân có vườn chôm chôm, sầu riêng… đang thu hoạch để du khách tham quan trải nghiệm.
Trong quá trình hoạt động, phát triển mô hình du lịch cộng đồng, đơn vị nhận thấy, ngoài những yếu tố về văn hóa, con người, ẩm thực... thì yếu tố cảnh quan, môi trường là rất quan trọng. Môi trường có xanh - sạch - đẹp thì mới tạo được ấn tượng tốt với du khách và tạo ra môi trường sống trong lành cho cộng đồng dân cư địa phương. Thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; tuyên truyền bằng nhiều hình thức thông điệp bảo vệ môi trường tại các khu vực cộng đồng dân cư và nhiều khách du lịch; bố trí thùng rác ở nơi thuận tiện cho du khách, có bảng hướng dẫn phân loại rác, bố trí lực lượng thu gom, phân loại, xử lý rác thải theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung nhấn mạnh, Bến Tre xác định phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phải gắn với bảo vệ môi trường. Ngành du lịch phải phối hợp với ngành TN-MT thật chặt chẽ, phải xây dựng môi trường xanh mới xây dựng được loại hình du lịch sinh thái. Tỉnh Bến Tre hiện có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, nhưng để bảo vệ môi trường, chính những chủ thể - người làm du lịch và cả khách du lịch - đều phải có trách nhiệm trong quá trình sử dụng sản phẩm du lịch. Từ đó mới làm nên câu chuyện bảo vệ môi trường, bởi chỉ có cơ quan Nhà nước mà không có sự vào cuộc, sự cộng hưởng từ du khách thì khó đạt được mục tiêu.