Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Sau gần 1 năm thảo luận về các chương trình liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười giữa 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, cùng đơn vị tư vấn là Trường Đại học Cần Thơ, đến nay các tỉnh thống nhất 5 chương trình liên kết, gồm: Phát triển nông nghiệp; du lịch sinh thái; bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển cơ sở hạ tầng; chính sách liên kết và kêu gọi đầu tư.
Để việc liên kết mang lại hiệu quả cao trên nhiều mặt, các tỉnh luôn mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế… về những định hướng trong liên kết, quy hoạch vùng sản xuất, quản lý và khai thác tài nguyên, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị nông sản. Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong liên kết vùng và những đề xuất chính sách khai thác tiềm năng trong tương lai.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho rằng, vùng Đồng Tháp Mười rất giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, nhưng có hạn chế là các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa, trái cây, thuỷ sản… còn sản xuất dạng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế, vì vậy giá trị mang lại chưa cao.
Cũng từ những hạn chế trên nên 3 năm qua tỉnh Đồng Tháp mạnh dạn thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng một số mô hình thí điểm trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… nhờ đó, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản trên 1ha đất canh tác tăng lên từ 3 - 4 triệu đồng so với năm 2014, thời điểm trước khi thực hiện đề án tái cơ cấu.
“Trên cơ sở nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng Tháp Mười… việc liên kết tiểu vùng giữa 3 tỉnh cần được thực hiện theo nguyên tắc “tất cả cùng thắng” nhằm tối ưu hóa hiệu quả sản xuất…”, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đề xuất.
Theo Trường Đại học Cần Thơ, các tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp cần xem xét cải tiến chuỗi giá trị về lúa gạo, xoài, cá tra; nâng cao chất lượng trái thanh long và khóm để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; kết nối các khu bảo tồn sinh thái đa dạng sinh học ở vùng Đồng Tháp Mười. Có kế hoạch nạo vét các tuyến kênh trục quan trọng; xây dựng công trình cống ngăn mặn, trữ ngọt; có cơ chế phân bổ nguồn nước hợp lý; nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm...
Nhiều ý kiến cho rằng, khoảng 30 năm trước, 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang đã làm nên kỳ tích về tiến công khai phá vùng Đồng Tháp Mười, biến vùng đất chua phèn, hoang hóa thành vùng sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi thủy sản lớn của ĐBSCL, cũng như cả nước.
Vì vậy, việc liên kết giữa 3 tỉnh lần này sẽ giống như cuộc tiến công lần thứ hai vào vùng Đồng Tháp Mười, nhằm xây dựng và phát triển Đồng Tháp Mười thành vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông thủy sản...