Phát triển nhà phù hợp nhu cầu người mua
Hơn chục năm qua, TPHCM đã có nhiều nỗ lực để phát triển nhiều loại hình nhà ở (NƠXH, nhà tái định cư, nhà ở thương mại giá thấp) phục vụ nhu cầu ở của đại đa số người dân.
Nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 20km, hơn 10 năm nay, khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng) vẫn rất ít người đến ở. Một trong những lý do chính là hạ tầng xã hội, đặc biệt hạ tầng kỹ thuật kết nối chưa hoàn chỉnh, khiến người dân không mặn mà.
Nhiều người dân không tìm được việc làm trong khu vực cũng không muốn đến ở. Tương tự, khu tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức) rộng hơn 38ha, từ nhiều năm nay cũng rất ít người đến ở do giá cả sinh hoạt tại khu vực này khá đắt đỏ, không phù hợp với người thu nhập thấp.
Thế nhưng cũng là các khu tái định cư, khu nhà ở cho người thu nhập thấp, NƠXH nằm ở khu vực các quận 12, Tân Bình, Bình Tân, như chung cư Zen Tower, chung cư HOF - HQC Hồ Học Lãm… lại được rất nhiều người dân tìm mua. Lý do là xung quanh các khu nhà ở này có khá nhiều tiện ích, từ chợ, trường học cho tới bệnh viện…, đặc biệt có không ít cơ sở sản xuất kinh doanh mà người dân có thể tìm việc.
Giá nhà và những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng trong quyết định của người mua nhà thu nhập thấp, NƠXH… Chị Thu Hương (ngụ phường Thới An, quận 12) cho hay, năm 2014, nhờ Nhà nước có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho người mua nhà ở thương mại giá thấp với lãi suất 6%, thời gian trả góp 15 năm, mà chị đã mua được 1 căn hộ 54m² trị giá gần 1 tỷ đồng và an cư cho đến nay. Giống như chị Thu Hương, rất nhiều người dân mua được căn hộ tại các quận 12, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú… đều nhờ các nguồn vốn vay lãi suất thấp.
Khu Tây Bắc thành phố có nhiều lợi thế
Khu vực Tây Bắc TPHCM là cửa ngõ giao thông quan trọng nối liền các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ với nước bạn Campuchia bằng đường bộ. Đây còn là khu vực có địa hình cao, địa chất tốt, đặc biệt có quỹ đất rất lớn. Diện tích của 16 quận và TP Thủ Đức cộng lại mới bằng hơn 90% diện tích của 2 huyện thuộc khu vực này là Hóc Môn và Củ Chi.
3 huyện còn lại ở phía Nam và Tây thành phố là Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ hiện có tốc độ đô thị hóa nhanh hơn 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn, bởi thời gian qua TPHCM xác định phát triển đô thị về phía Nam là một trong 2 hướng chính của thành phố (hướng còn lại là phía Đông).
Tuy nhiên, trước tác động ngày một tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khu Nam ngày càng đối mặt với nguy cơ ngập úng cao nếu phát triển đô thị quá nhiều. Điều này cũng sẽ tác động tiêu cực tới tình trạng ngập của khu trung tâm, vì địa hình TPHCM thấp dần về phía Nam và hướng Nam là hướng thoát nước chính của thành phố.
Do đó, ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, đề xuất nên “đặt lên bàn cân” tất cả các yếu tố để có quyết định tốt nhất trong việc phát triển NƠXH, nhà cho người thu nhập thấp… Nên chăng, phát triển đô thị nén về phía Nam, hướng Tây Bắc tập trung phát triển các khu đô thị hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, xã hội… cho đại đa số người dân.
Theo ông Hoàng Minh Trí, lợi thế của khu vực Tây Bắc là đã được xác định là khu đô thị vệ tinh theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 (hiện đang được TPHCM điều chỉnh) với hệ thống hạ tầng xã hội, kỹ thuật hoàn chỉnh. Đặc biệt, giao thông kết nối khu vực này trong tương lai đã định hình rõ. Trong mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch của TPHCM, tuyến metro số 2 là tuyến xuyên tâm dài nhất với tổng chiều dài toàn tuyến 48km.
Hiện tại, dự án xây dựng tuyến metro số 2 đang được chia thành 3 giai đoạn. Sau khi hoàn thành trọn vẹn cả 3 giai đoạn, tuyến metro số 2 sẽ kéo dài từ chợ Bến Thành (quận 1) đến Khu đô thị Tây Bắc (huyện Hóc Môn và Củ Chi). Trên tuyến metro số 2 cũng đã xác định 10 khu vực để nghiên cứu, lập thiết kế đô thị riêng.
Ngoài ra, dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn đi qua huyện Hóc Môn, Củ Chi cũng sẽ góp phần quan trọng giải quyết tình trạng thiếu đường kết nối cho khu vực. Chưa kể, năm 2025, dự kiến TPHCM cùng tỉnh Tây Ninh sẽ khởi công dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, kết nối với cao tốc của nước bạn Campuchia.
Cùng quan điểm, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia đô thị, cho rằng, phát triển đô thị khu vực phía Nam thành phố (gồm quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ) thì chi phí xây dựng rất cao vì đây là vùng đất thấp lại thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Vì vậy, nên chọn phát triển đô thị chủ đạo về hướng Tây Bắc, bởi khu vực này có nền đất cao phù hợp cho việc xây dựng các khu nhà ở cao tầng, giá rẻ cho người lao động vì nền móng vững chắc, chi phí xây dựng thấp.
Tại TPHCM, dự kiến đến năm 2030 sẽ phát triển khoảng 6,58 triệu m² NƠXH, tương ứng khoảng 93.000 căn nhà. Trong đó giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ phát triển 2,5 triệu m² sàn (khoảng 35.000 căn nhà).
Sở Xây dựng TPHCM đã tổng hợp, phân loại 88 khu đất, dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng NƠXH, nhà lưu trú công nhân trên địa bàn để UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành thực hiện và tháo gỡ đối với từng nhóm, theo hướng chủ động làm việc với các chủ đầu tư, nhà đầu tư để hướng dẫn hoàn tất hồ sơ và thủ tục đầu tư theo quy định, hoặc chủ trì cùng với các sở, ngành liên quan để giải quyết vướng mắc về thủ tục đầu tư đang giải quyết.
Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM:
Rà soát, thu hồi quỹ đất không còn phù hợp quy hoạch
Dự kiến đến năm 2025, TPHCM sẽ hoàn thành khoảng 35.000 căn NƠXH. Để làm được điều này, thành phố sẽ chú trọng rà soát quỹ đất có quy mô lớn, quỹ đất nông nghiệp hoặc sản xuất kinh doanh không còn phù hợp với quy hoạch đã giao chủ đầu tư tại các khu vực huyện ngoại thành để xem xét điều chỉnh quy hoạch, tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư xây dựng NƠXH theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, khu vực Tây Bắc TPHCM là hướng được ưu tiên nhiều.
* TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở QH-KT TPHCM:
Tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng và phát triển đô thị
Thành phố cần rà soát quỹ đất gần các đầu mối giao thông của các trục giao thông chính để có giải pháp quy hoạch và đấu giá đất phát triển đô thị hợp lý. Bên cạnh đó, cần lồng ghép chiến lược quản lý thông qua tích hợp những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đang triển khai vào chiến lược phát triển chung có phân kỳ và đồng bộ.
Đơn cử, khi triển khai tuyến đường ven sông Sài Gòn từ huyện Củ Chi nối trung tâm thành phố, cần lồng ghép trong bức tranh đầu tư và khai thác vai trò của trung tâm dịch vụ Tây Bắc với nguồn lực đất đai và tài nguyên đất ven sông. Đây là cơ sở để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng và phát triển đô thị, bằng cơ chế hợp tác công - tư, trong điều kiện nguồn lực công hạn chế.
TRUNG ĐỨC ghi