Diễn đàn có sự tham dự của trên 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia trực tiếp và trực tuyến (trong đó có trên 50 đại biểu quốc tế là đại diện cấp cao các nước ASEAN và 26 đô thị thông minh).
Diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 có chủ đề “Đô thị thông minh - hướng tới Cộng đồng, Bản sắc và Phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.
Triển lãm các mô hình, công nghệ tiêu biểu cho đô thị thông minh cũng được tổ chức bên lề diễn đàn với sự tham gia của các địa phương và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh, cách đây hơn 1 năm, chủ trương phát triển đô thị thông minh đã được Việt Nam chính thức đưa vào Nghị quyết số 52 ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950).
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050. Các đô thị tạo ra khoảng 80% GDP toàn cầu nhưng đồng thời cũng là tác nhân của 70% lượng CO2 trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các đô thị.
Tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào để quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số giúp các quốc gia tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và giảm tải các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội?
Để giúp trả lời cho câu hỏi này, năm 2018, Mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN (ASCN) đã được lập ra với vai trò một diễn đàn hợp tác giữa những thành phố của 10 quốc gia thành viên ASEAN nhằm hướng tới những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và bền vững với 26 đô thị thành viên. Việt Nam có 3 thành phố tham gia ASCN là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.
Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm sáng tỏ nhiều chân trời tri thức mới, trong đó mở rộng thêm không gian mới cho phát triển đô thị thông minh, không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, mà còn có thể định hướng, dự báo được các vấn đề rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn, từ đó tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi của xã hội và đô thị.
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực phát triển đô thị thông minh, coi xây dựng đô thị thông minh là một trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển đô thị thông minh bền vững đến 2025 và tầm nhìn 2030 trên cơ sở quy hoạch thông minh gắn với quản lý thông minh, cung cấp tiện ích thông minh, tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa chính quyền/nhà quản lý-người dân-nhà đầu tư.
Theo Thủ tướng, phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn”, trong đó cần có những “người cùng chơi” có “tầm nhìn” và “tiềm lực”, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững. Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam. Đồng thời, phát triển đô thị thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình.
Thủ tướng cũng cho rằng, phát triển đô thị thông minh phải thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân, doanh nghiệp tạo nên, là đô thị có quan hệ xã hội tốt đẹp, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, quan hệ con người với con người nhân văn.
Thủ tướng cũng khẳng định, phát triển đô thị là một kênh tăng trưởng quan trọng của quốc gia. Trong một thế giới đầy biến động khó lường với những thách thức, cơ hội đan xen, các thành viên ASEAN cần nâng cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, cùng chung tay thực hiện tốt 5 ưu tiên của năm ASEAN 2020, bao gồm củng cố môi trường hòa bình, kết nối thịnh vượng, phát triển cộng đồng và bản sắc ASEAN, thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế và đẩy mạnh năng lực thể chế ASEAN.