Sở dĩ phải nghiên cứu thêm bởi mô hình “đa cực” tuy cơ bản đã được xác định trong đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, nhưng trước những biến đổi phức tạp của biến đổi khí hậu với mực nước biển dâng, mô hình này cần được đánh giá đầy đủ, đặc biệt là hướng phát triển về phía Nam, trong đó có đô thị cảng Hiệp Phước vốn là vùng trũng, nền địa chất yếu, gần biển và quan trọng hơn cả đây là hướng thoát nước chính của thành phố.
Quản lý nghiêm công tác thực hiện quy hoạch
Đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) được quy hoạch xây dựng trên vùng đất yếu, thấp, đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Việc xây dựng này (nếu triển khai thực hiện trong thời gian tới) được đặt trong bối cảnh hầu hết diện tích đất và nhiều tuyến sông, kênh rạch ở khu Nam đã được lấp hoặc bị thu hẹp dòng chảy để “nhường chỗ” cho các công trình xây dựng. Và sự phát triển dày đặc này đang tác động xấu đến việc thoát nước của thành phố.
Do đó, theo nhiều kiến trúc sư, công tác quản lý thực hiện quy hoạch phải đặc biệt được coi trọng. Ông Trần Chí Dũng, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo SGGP khi đồ án quy hoạch chung xây dựng khu đô thị cảng Hiệp Phước được UBND TPHCM phê duyệt cũng đã nhắc tới yêu cầu này. Theo ông Trần Chí Dũng: “Cần có cơ chế quản lý thực hiện quy hoạch đặc biệt cho khu đô thị cảng Hiệp Phước. Công tác quản lý thực hiện quy hoạch phải được tính toán ngay trong thời gian lập quy hoạch chi tiết và triển khai xuyên suốt trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng đô thị. Nguyên tắc thực hiện quy hoạch phải được phổ biến rộng rãi, công khai để từ người dân cho đến các nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước hiểu rõ và chủ động thực hiện”.
Còn theo ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cần lập danh mục các dự án, chương trình đầu tư theo thứ tự ưu tiên nhằm hiện thực hóa đồ án quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ, nếu có, cần được thực thi đầy đủ các bước theo quy định, không “đi tắt” giữa chủ đầu tư và cơ quan chức năng như nhiều trường hợp trước đây.
Phải ràng buộc trách nhiệm, thậm chí đưa ra chế tài mạnh về việc phải thực hiện nghiêm quy hoạch đã được duyệt, tránh tình trạng quy hoạch bị phá vỡ mà không ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm. Ở đây đã có một tiền lệ rất xấu về vấn đề này, đó là đồ án phát triển đô thị về hướng Nam do tư vấn SOM của Mỹ thực hiện và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, song không được thực hiện. Khu Nam phát triển tràn lan và để lại nhiều hậu quả về thoát nước như hiện nay, có nguyên nhân lớn từ việc không thực hiện nghiêm quy hoạch này.
Chỉ phát triển khi hạ tầng đảm bảo
Một trong những nội dung làm “nóng” cuộc họp HĐND TPHCM vừa qua là tình trạng quá tải giao thông mà khu Nam là một trong những điểm được nhắc tới nhiều nhất. Cũng không ngạc nhiên bởi “ăn theo” Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng là hàng trăm dự án phát triển bất động sản với hàng chục ngàn căn hộ và đất nền biệt thự, trong khi hệ thống giao thông kết nối đã lạc hậu.
Chính vì vậy, cũng theo ông Hoàng Minh Trí, chỉ phát triển đô thị cảng Hiệp Phước khi tình trạng quá tải giao thông ở khu vực này được giải quyết, đặc biệt tuyến giao thông huyết mạch cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây, đoạn đi qua TPHCM hoàn thành. Việc phát triển đô thị cảng chỉ nên hướng tới phục vụ cho nhu cầu hoạt động của cụm cảng Hiệp Phước và một số khu công nghiệp xung quanh. Hiện nay, khu cảng Hiệp Phước cũng như nhiều khu công nghiệp ở đây chưa được lấp đầy nên lộ trình xây dựng đô thị cảng cần được tính toán kỹ hơn. Bởi nếu không sẽ “kéo” người dân, dù không làm việc tại khu vực Hiệp Phước, cũng tới ở và như vậy sẽ tạo thêm áp lực giao thông cho cả khu Nam hoặc tình huống khác, đô thị sẽ “bỏ không” vì không có người tới ở.
Kiến trúc sư Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhấn mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo là cơ sở quan trọng cho quyết định đầu tư xây dựng đô thị cảng Hiệp Phước. Một kiến trúc sư khác (xin được giấu tên) thì cho rằng, đô thị cảng Hiệp Phước, đô thị Tây Bắc và đô thị thông minh, sáng tạo ở phía Đông đều được xác định là đô thị vệ tinh của thành phố.
Với nguồn lực hiện tại cũng như định hướng xây dựng thành phố thông minh, sáng tạo của TPHCM nên có sự nghiên cứu, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các đô thị vệ tinh. “Đô thị cảng Hiệp Phước nằm ở khu vực đất yếu, có chi phí xây dựng cao, sẽ chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nơi quá tải về giao thông, nơi thoát nước chính của thành phố… nên được đầu tư sau cùng. Khu đô thị thông minh, sáng tạo phía Đông nên được ưu tiên đầu tư trước bởi phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Phải dồn lực đầu tư “cho ra tấm, ra miếng”, lần lượt từng đô thị thì mới có thể từng bước giãn dân ra đây nhằm giảm tải cho khu vực nội thành. Nếu cứ làm dở dang, đô thị vệ tinh nào cũng xây dựng “một ít”, không hoàn thiện được thì khó mà thực hiện được mục tiêu ấy”, vị kiến trúc sư này nói.
Đô thị cảng Hiệp Phước Đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu đô thị Hiệp Phước được UBND TPHCM phê duyệt năm 2013, được nghiên cứu bởi tư vấn Nhật Bản (là đơn vị trúng giải thông qua cuộc thi quốc tế về đề xuất ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị cảng Hiệp Phước). Một trong những nguyên tắc quan trọng để phát triển khu đô thị Hiệp Phước là phải thích ứng với dự báo biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng. Nguyên tắc này được xác định rõ trong định hướng quy hoạch thông qua các giải pháp cụ thể như hạn chế tối đa việc san lấp kênh rạch, tạo hồ chứa nước, xây dựng đê bao, xây dựng đô thị tập trung, đảm bảo diện tích cây xanh, mặt nước chiếm đến 34% diện tích đất đô thị nhằm phát triển đô thị mang tính bền vững về môi trường - xã hội - kinh tế. Đây là khu đô thị gắn với cảng biển - tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị TPHCM ra biển - tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố. Khu đô thị Hiệp Phước có diện tích 1.354ha và nằm trong tổng thể khu đô thị cảng Hiệp Phước: phía Đông giáp Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 1, 2, 3 và khu cảng; phía Tây giáp huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; phía Nam giáp sông Soài Rạp; phía Bắc giáp sông Đồng Điền và xã Long Thới. Do nằm ở vùng đất thấp (cao độ trung bình 0,4 - 1m so với mực nước biển) nên khu đô thị Hiệp Phước được quy hoạch với mật độ xây dựng thấp, tôn tạo cảnh quan mặt nước và cây xanh. Khu đô thị cảng Hiệp Phước được xây dựng thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư vào các khu công nghiệp (đã đầu tư hơn 10 năm qua), giai đoạn 2 đầu tư hệ thống cảng và dịch vụ cảng (đang được đầu tư), giai đoạn 3 phát triển một khu đô thị với quy mô gần 200.000 dân. Theo dự kiến, khu vực Hiệp Phước sẽ tập trung 4 cảng lớn của Việt Nam nằm dọc theo sông Soài Rạp, gồm: Cảng container quốc tế SPTC, cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, cảng quốc tế Long An. Kèm theo đó là các ngành công nghiệp, dịch vụ cảng biển, kinh doanh kho bãi… Khu đô thị Hiệp Phước là khu đô thị mới đa chức năng và có tính đặc thù của đô thị ven cảng. Do đó, khi quy hoạch khu đô thị này có sự xem xem xét, đánh giá về tính chất, chức năng, định hướng phát triển không gian, bố cục quy hoạch kiến trúc và kết cấu hạ tầng đô thị… Nghĩa là phải được quy hoạch theo hướng bền vững về các mặt: môi trường, xã hội và thương mại. Khu đô thị này có các phân khu chức năng chính, như khu ở (các loại hình nhà ở đáp ứng được mọi nhu cầu của người dân sống trong khu vực); công trình công cộng (các công trình thương mại, dịch vụ, thương nghiệp, tài chính, hành chính sự nghiệp, văn hóa…); hệ thống các công viên và cây xanh đô thị; công trình điểm nhấn (công viên thể dục thể thao, công viên chủ đề, bến tàu khách quốc tế, bến ca nô, tàu du lịch); hệ thống đường sắt đô thị với các quảng trường giao thông; hệ thống đường giao thông và công trình hạ tầng kỹ thuật. Tại đây sẽ phát triển bến tàu khách tiêu biểu của thành phố nhằm phát triển du lịch đường biển, đường sông. |