Vẫn còn những khu phố, ấp có đông đồng bào có đạo chưa có đảng viên, hoặc đối diện nguy cơ tái trắng đảng viên, đòi hỏi các cấp ủy Đảng phải quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ.
Nguy cơ tái trắng đảng viên
Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP Biên Hòa (Đồng Nai) Lâm Tấn Khải, trước năm 2004, việc phát triển đảng viên là người có đạo ở TP Biên Hòa gặp rất nhiều khó khăn, có nhiều khu phố trắng đảng viên. Nhưng nay, tất cả 200 khu phố đều có đảng viên. Tuy nhiên, nguy cơ tái trắng đảng viên ở khu phố là khá cao.
Hiện có một số đảng viên tại các khu phố xin ra khỏi Đảng; một số quần chúng ưu tú sau khi học lớp cảm tình Đảng về, không viết đơn xin vô Đảng vì bị gia đình ngăn cản… Ngoài ra, TP Biên Hòa vẫn còn 10 khu phố chưa có chi ủy. Mục tiêu của Đảng bộ TP Biên Hòa là trong năm 2020, phấn đấu đạt 100% khu phố có chi ủy Đảng.
Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó đạt được, bởi vì dự kiến hết năm 2019 chỉ mới có thêm 2 khu phố thành lập được chi ủy, còn lại 8 khu phố thì tới năm 2020 không thể thành lập chi ủy vì thiếu đảng viên. Đó cũng là năm đại hội cuối nhiệm kỳ nên khó thực hiện được mục tiêu đề ra.
Khó khăn nói trên cũng thấy rõ tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai), nơi có đông đồng bào Công giáo. Theo Phó Bí thư Huyện ủy Huỳnh Tấn Phát, một số quần chúng ưu tú, giác ngộ lý tưởng mong muốn được đứng trong hàng ngũ Đảng nhưng còn bị gia đình ngăn cản, không cung cấp nguồn gốc quê quán, quá trình sinh sống, hoạt động các thành viên trong gia đình để kê khai lý lịch; một số cấp ủy chưa làm tốt công tác vận động quần chúng, còn giao khoán trách nhiệm cho các chi bộ ấp, không có kế hoạch cụ thể để tìm giải pháp khắc phục tình trạng phát triển đảng viên trong đồng bào có đạo.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tăng cường hình thức chống phá Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền; chúng thường xuyên xuyên tạc chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, gây hoang mang, hoài nghi trong đồng bào và các chức sắc tôn giáo.
Linh mục Ngô Xuân Hiến (Giáo xứ Búng, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Có một số khó khăn do cách thức truyền đạt, trình độ hiểu biết của người làm công tác Đảng. Khi tiếp xúc, cán bộ đảng viên không chỉ phải thật sự tế nhị, hiểu biết tâm lý của đối tượng cảm tình Đảng mà còn phải có hiểu biết sâu sắc về giáo lý mỗi tôn giáo; hiểu biết sâu rộng, cụ thể về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về lợi ích của dân tộc, của nhân dân chứ không thể trình bày chung chung, mơ hồ. Thậm chí, phải có đủ lập luận để sẵn sàng đối thoại trước đông đảo tín đồ, giải đáp các thắc mắc, hoài nghi... Đối với những tín đồ Công giáo, họ luôn được giáo dục tinh thần kính Chúa yêu nước, mọi người trên khắp dân tộc Việt Nam phải yêu thương đùm bọc, đoàn kết với nhau để phát triển đất nước. Đây cũng chính là tinh thần cơ bản, cũng là các nội dung nổi bật được Đảng và Nhà nước đẩy mạnh tuyên truyền thời gian qua, là điểm chung giữa đạo và đời, để có thể phát triển Đảng trong đồng bào có đạo”. |
Trái ngược với điểm sáng ở Phước Tỉnh (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), phường 5 (TP Vũng Tàu) có dân số 14.000 người và có 90% số dân là người có đạo. Việc phát triển Đảng là người có đạo còn khó khăn. Toàn phường có 174 đảng viên (thấp nhất trong các phường xã của TP Vũng Tàu), trong đó, chỉ 13 đảng viên là người có đạo, chiếm 7,4%.
Nếu suy rộng ra toàn TP Vũng Tàu (trên 88.000 người có đạo, chiếm khoảng 21% dân số) thì mới chỉ có 85/11.306 đảng viên là người có đạo (chiếm 0,75%). Từ năm 2004 đến nay, địa phương chỉ mới kết nạp được 46 đảng viên.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác phát triển Đảng, đồng chí Lê Văn Sang (Bí thư Đảng ủy phường 5) nói: Ngoài nguyên nhân có thời điểm công tác phát triển Đảng chưa được quan tâm sâu sắc thì do đặc thù là địa phương có nền kinh tế gắn liền với đánh bắt thủy hải sản, cuộc sống của người dân gắn với những chuyến đi biển ròng rã cả tháng nên rất khó để phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp Đảng.
Hơn nữa, thanh niên làm nghề đi biển từ rất sớm, trình độ văn hóa thấp, có trường hợp chưa học xong THCS đã đi biển, nên không đáp ứng được yêu cầu của đối tượng kết nạp. Số khác có trình độ thì lại đi làm ăn xa, nên công tác theo dõi, bồi dưỡng gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm, cả 5 phường chỉ kết nạp được 2 đảng viên.
Để khắc phục những tồn tại, từ giữa năm 2015, những thanh thiếu niên chưa đủ trình độ được chính quyền tạo mọi điều kiện, liên hệ với nhà trường để cho học bổ túc văn hóa và bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng.
Trách nhiệm trước hết ở cấp ủy
Có thể nói, từ sau năm 2004, đã có quy định rõ ràng cụ thể về điều kiện kết nạp Đảng cho người có đạo và số lượng đảng viên có tăng lên, nhưng vẫn còn nhiều đồng bào có đạo ưu tú chưa được kết nạp vào Đảng.
Nguyên nhân là vì quy định chưa được triển khai sâu rộng nên nhiều chi bộ chưa nhận thức đầy đủ, còn e ngại và sợ kết nạp người có đạo vào Đảng thì lãnh đạo sẽ phức tạp, khó khăn. Hệ lụy này đã làm phát sinh tư tưởng “người có đạo sẽ không được kết nạp” dẫn đến ý thức phấn đấu vào Đảng của người có đạo chưa cao.
Các thông tin không chính thống, các vụ việc đảng viên vi phạm tham ô, nhũng nhiễu dẫn đến suy nghĩ lệch lạc trong giới trẻ, khiến công tác phát hiện, bồi dưỡng khó càng thêm khó.
Cá biệt, như ở tỉnh Bình Phước, theo một cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, Quy định 123 ra đời đã 15 năm nhưng cho đến nay Tỉnh ủy vẫn chưa sơ kết, tổng kết, chưa có báo cáo chuyên đề để đánh giá mặt được, chưa được để rút kinh nghiệm.
Qua tìm hiểu thấy rằng, khó khăn chung hiện nay của công tác phát triển Đảng trong đồng bào có đạo là nguồn quần chúng để xem xét kết nạp, nhất là ở thôn ấp khu phố, đồng bào dân tộc. Đồng bào có đạo không có nguyện vọng vào Đảng, hạn chế về độ tuổi, trình độ hoặc có vấn đề về lịch sử chính trị, không tham gia công tác tại địa phương, chỉ tập trung lo kinh tế cuộc sống.
Quy định 06-QĐ/TW ngày 28-8-2018 của BCH Trung ương về kết nạp đảng viên theo tôn giáo và tham gia sinh hoạt tôn giáo chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó khăn trong việc áp dụng thực hiện.
Đối với địa phương có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương thì việc phát triển Đảng trong lực lượng công nhân có đạo cũng là vấn đề nan giải. Người lao động dành phần lớn thời gian làm việc tại doanh nghiệp nên các cấp ủy khó tiếp cận.
Cùng với đó, một số cấp ủy Đảng chưa chủ động xây dựng kế hoạch và biện pháp thực hiện, việc tuyên truyền, vận động còn nhiều hạn chế. Một nguyên nhân khác là nhiều người có đạo còn tư tưởng hoài nghi, lo ngại khi vào Đảng sẽ bị hạn chế sinh hoạt tôn giáo.
Đến hết năm 2018, toàn Đảng bộ có 363 đảng viên là người có đạo, chỉ chiếm 0,77% tổng số đảng viên; đông nhất là Công giáo có 239 người, Phật giáo 106 người và các tôn giáo khác như Hòa Hảo, Cao Đài, Hồi giáo.
PGS-TS Nguyễn Phú Lợi (giảng viên cao cấp Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: “Khu vực Đông Nam bộ là nơi có đồng bào theo tôn giáo đông nhất trong cả nước, nhất là đạo Công giáo ở Đồng Nai, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và đạo Cao Đài ở Tây Ninh. Nhưng đây lại là địa bàn có số lượng đảng viên là người có đạo chiếm tỷ lệ khá thấp trong cả nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song trước hết là trách nhiệm của cấp ủy Đảng. Nơi nào các cấp ủy Đảng quan tâm, chú trọng thì nơi ấy công tác phát triển Đảng đạt kết quả tốt và ngược lại. Cũng có một số nơi, giáo hội cấm giáo sĩ, tu sĩ tham gia, gây khó khăn đối với tín đồ là đảng viên”.
Ngày 28-8-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 06-QĐ/TW Một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo, thay thế Quy định 123 với nhiều điểm mới, cụ thể hơn. Theo PGS-TS Nguyễn Phú Lợi: “Việc kết nạp và sinh hoạt đảng viên là các nhà tu hành, chức việc (là chức sắc), chức sắc nên thực hiện theo chế độ đơn tuyến để bảo vệ đảng viên và phát huy được vai trò của họ đối với quần chúng tín đồ tôn giáo”. |