Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương xung quanh ý nghĩa của Nghị quyết 43.
Đồng chí NGUYỄN VĂN BÌNH: Bộ Chính trị có giao cho Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng và các bộ, ban, ngành có liên quan, các địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế tổ chức đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên cơ sở kết quả của đề án, Bộ Chính trị đã họp và ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một nghị quyết hết sức quan trọng, vạch ra chủ trương, đường lối cho phát triển TP Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo. Nghị quyết ra đời được nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước hết sức đồng tình, ủng hộ, tạo ra khí thế mới cho phát triển thành phố trong thời gian tới đây.
Đồng chí có thể nói rõ hơn về ý nghĩa của Nghị quyết 43 với Đà Nẵng và khu vực?
Trong nghị quyết đã nêu rõ các quan điểm, mục tiêu, giải pháp mới, tôi xin được khái quát một số điểm. Để phát triển TP Đà Nẵng phải xuất phát trên cơ sở phân tích, nhận định, đánh giá đầy đủ các lợi thế so sánh của Đà Nẵng. Chúng ta đều biết, Đà Nẵng là thành phố trung tâm của miền Trung và Tây Nguyên, của duyên hải miền Trung và của Bắc miền Trung. Đà Nẵng là một thành phố cảng, biển, có điều kiện tự nhiên hết sức ưu đãi.
Có thể khẳng định, Đà Nẵng có vị trí địa chính trị, kinh tế hết sức quan trọng, là một lợi thế lớn. Đà Nẵng nằm ở trên trục Bắc - Nam, cũng như là hành lang Đông - Tây. Chúng ta có thể thấy Đà Nẵng sẽ là trung tâm phát triển của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vì thế, xây dựng và phát triển Đà Nẵng không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn tạo ra động lực và sự lan tỏa cho cả vùng. Với việc xác định như vậy, chúng ta cũng đặt ra 3 trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới, đó là: phát triển về du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển thành phố cảng biển.
Về du lịch, ngoài du lịch thông thường mà chúng ta cũng đã từng thấy thì một trong những trọng tâm là phát triển Đà Nẵng thành một trong những trung tâm du lịch của quốc tế. Về công nghiệp, vì TP Đà Nẵng rất có lợi thế về du lịch nên để bảo đảm môi trường sinh thái thì phải tập trung phát triển Đà Nẵng theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh. Đà Nẵng có lợi thế rất lớn về địa kinh tế và là một cảng biển hết sức quan trọng, do vậy, phải phát triển kinh tế dịch vụ cảng theo hướng tăng cường hoạt động về logistics.
Từ 3 trụ cột lớn nêu trên, chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2030 làm sao xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, trung tâm về khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao và là trung tâm về logistics. Đồng thời, phát triển Đà Nẵng theo hướng trở thành một thành phố thông minh, thành phố sinh thái và là thành phố đáng sống để đến năm 2030 tầm cỡ của Đà Nẵng không chỉ là thành phố hàng đầu của cả nước mà còn là thành phố hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Từ đó, mục tiêu tiếp theo là đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung.
Xin cảm ơn đồng chí!
PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm trong chuỗi phát triển vùng Tôi cho rằng, Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về TP Đà Nẵng là định hướng rất kịp thời cho Đà Nẵng trong giai đoạn mới. Bởi đây được coi là thành phố trung tâm của cả vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên nên mang tính đặc thù rất cao; có vị trí địa chính trị quan trọng để có thể cạnh tranh quốc tế tốt… Nghị quyết 43 đã đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể nên giải pháp rõ ràng hơn. Nếu những lợi thế phát triển của Đà Nẵng được phát huy thì tôi cho rằng, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm trong chuỗi phát triển có tính chất vùng, chuỗi đô thị vùng. TS TRẦN DU LỊCH, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Tạo điều kiện để Đà Nẵng phát triển mạnh Nghị quyết là cơ sở để xây dựng quy hoạch Đà Nẵng phát triển trong dài hạn đến năm 2045. Từ đó, tạo điều kiện để thành phố xây dựng một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới về cơ chế xây dựng mô hình quản trị có hiệu quả của môi trường đô thị… Với định hướng rõ ràng như vậy, Nghị quyết 43 tạo một cơ sở, quan điểm, chỉ đạo để Đà Nẵng mạnh dạn triển khai các giải pháp lớn. Cuối cùng, Nghị quyết 43 cho thấy, trách nhiệm đối với người dân, chính quyền Đà Nẵng là rất lớn để đáp ứng các kỳ vọng đặt ra. Ông HUỲNH ĐỨC THƠ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: Triển khai những dự án động lực, trọng điểm để kết nối vùng, liên vùng Theo yêu cầu của Nghị quyết 43, từ nay đến 2030 và về sau, Đà Nẵng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 12%/năm so với dưới 10% trước đây; thu nhập bình quân đầu người đạt 8.700 USD/người; cơ cấu kinh tế có chuyển dịch mạnh, tốc độ tăng trưởng của dịch vụ, du lịch đạt 12,5% - 13,5%/năm… Để triển khai, TP Đà Nẵng sẽ cùng các bộ, ban, ngành Trung ương dự thảo 1 nghị quyết theo tinh thần Nghị quyết 43. Nội dung của nghị quyết này sẽ bao gồm các cơ chế tương đối đặc thù và hy vọng sẽ được Chính phủ, Quốc hội sớm thông qua. Trước mắt, TP Đà Nẵng sẽ tập trung vào những việc lớn như điều chỉnh theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, không gian đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai những dự án động lực, trọng điểm để kết nối vùng, liên vùng; triển khai nhanh các dự án động lực, trọng điểm, giải quyết những điểm nghẽn lớn về mặt phát triển đô thị, hạ tầng, không gian… |