Ngày 20-3, Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND – UBND TP Đà Nẵng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân làm trung tâm
Theo quan điểm phát triển, chiến lược và các chính sách phát triển TP Đà Nẵng được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung – Tây Nguyên.
Đà Nẵng cần có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng lớn trong cả nước và các TP lớn trong cả nước và khu vực.
Việc phát triển dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế nhất là tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế biển, vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng của TP trong vùng và cả nước.
Quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt quan điểm phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh mang tầm quốc tế, có bản sắc riêng. Nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới, nhất là việc xây dựng chính quyền đô thị và phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả kết nối, liên kết vùng, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Đến năm 2020, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt 8-9%/năm. Cơ cấu kinh tế: khu vực dịch vụ chiếm 64-65%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm từ 33-34%; khu vực nông nghiệp chiếm từ 1-2%. Tỷ lệ việc làm tăng thêm từ 4-5%/năm, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50% vào năm 2020.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phấn đấu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 67-68%, công nghiệp và xây dựng 31-32%, nông nghiệp 1% và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%.
Chính phủ định hướng Đà Nẵng tập trung phát triển hệ thống giáo dục vào đào tạo hiện đại và toàn diện hướng tới xây dựng một thế hệ công dân toàn cầu mới cho TP. Điều này để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng kịp thời với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững cả TP trong thời kỳ đến năm 2030.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong các ngành khoa học, công nghệ, du lịch, dịch vụ…Xây dựng và phát triển ngành y tế Đà Nẵng thành trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao của khu vực, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cao cấp, phục vụ cho khách quốc tế trong lĩnh vực du lịch chữa bệnh.
Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị
Cũng theo quyết định, một số dự án ưu tiên đầu tư gồm: đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu thành loại cảng IA theo quy hoạch hệ thống cảng quốc gia (bao gồm đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ Cảng Liên Chiểu đến đường Hồ Chí Minh, đường vành đai phía Bắc). Mở rộng và chuyển đổi Cảng Tiên Sa thành Cảng du lịch quốc tế.
Di dời Ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm TP, tuyến đường sắt mới gắn với dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và tái phát triển đô thị. Phối hợp đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao qua vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, xây dựng hầm đường sắt qua đèo Hải Vân…
Xây dựng một số nút giao thông ở trung tâm theo hình thức khác mức, triển khai trung tâm điều khiển tịch hợp hệ thống giao thông thông minh cùng các bãi đỗ xe thông minh. Nghiên cứu vị trí xây dựng công trình vượt sông trên toàn tuyến sông Hàn và cải tạo hệ thống giao thông đường sông…
Về mặt viễn thông, phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông điện tử, phục vụ tốt xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông tin (Smart City) Đà Nẵng. Đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu dịch vụ của người dân. Phát triển mạng truyền dẫn tốc độ cao kết nối giữa khu công viên phần mềm, các khu công nghệ thông tin…trên cơ sở, sử dụng chung hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp.
Chính phủ định hướng Đà Nẵng phát triển đô thị bằng mở rộng liên kết vùng, kết nối thành phố với các vùng phụ cận để tạo không gian phát triển đô thị. Xây dựng hình ảnh đô thị hài hòa, sinh động, phát huy tối đa các giá trị tự nhiên, có bản sắc đặc trưng biển của đô thị biển – sông – núi.
Thực hiện tái thiết khu trung tâm đô thị cũ theo hướng đô thị nén, quy hoạch Vịnh Đà Nẵng thành “đô thị biển” với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc. Quy hoạch sử dụng đất phù hợp với định hướng phát triển không gian TP về lâu dài, phù hợp với các tiêu sử dụng đất của các ngành, địa phương cụ thể đến năm 2030. Đặc biệt, chú trọng quỹ đất tại các khu vực nhạy cảm như bờ biển, vùng đệm các dòng sông, triền núi.
Quyết định số 393/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để thay thế cho Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 8-10-2010 dựa trên đề nghị của UBND TP Đà Nẵng vào ngày 6-9-2019.