Phát triển công nghiệp xanh, bền vững

Để bắt kịp xu hướng phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Đồng Nai không chấp nhận một ngành công nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, kém tính cạnh tranh nên yêu cầu các doanh nghiệp và toàn ngành tích cực chuyển đổi công nghệ.

Đồng Nai có 32 khu công nghiệp (KCN), thu hút 1.652 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 34,61 tỷ USD. Tuy nhiên, trong đó vẫn còn không ít doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, làm ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh. Do đó, tỉnh Đồng Nai xác định chuyển đổi công nghệ là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tạo nền tảng hướng tới phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Để bắt kịp xu hướng phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Đồng Nai không chấp nhận một ngành công nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, kém tính cạnh tranh nên yêu cầu các doanh nghiệp và toàn ngành tích cực chuyển đổi công nghệ. Trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp thì giai đoạn 2022-2025, tỉnh tập trung đẩy mạnh việc triển khai và thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành nghề, lĩnh vực vào các KCN hiện hữu và KCN mới thành lập. Giai đoạn 2025-2030, Đồng Nai phấn đấu trở thành tỉnh dẫn đầu trong phát triển công nghiệp, là trung tâm công nghiệp hỗ trợ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với đó là hình thành sơ bộ hệ sinh thái công nghiệp 4.0. Đến năm 2050, Đồng Nai sẽ là trung tâm công nghiệp hỗ trợ của cả nước và khu vực, trong đó có Trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp, phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đạt mục tiêu phát thải Netzero.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam (TP Biên Hòa), từ đầu năm 2023 đến nay, công ty từng bước tiến hành chuyển đổi công nghệ sản xuất, áp dụng tự động hóa công nghiệp và bước đầu đầu tư khoảng 20 triệu USD cho việc thay đổi công nghệ, đẩy mạnh đầu tư nguồn lực đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực. Lãnh đạo một số doanh nghiệp khác cũng cho rằng, phát triển mới hoặc chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN sinh thái đang là xu hướng phát triển bền vững, giúp hạn chế phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên, nhiên liệu hữu hạn, giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những khó khăn liên quan đến nhận thức của các nhà máy trong KCN và hành lang pháp lý hoặc một số tiêu chí chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp mong muốn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước về thủ tục pháp lý cũng như tháo gỡ vướng mắc liên quan nhằm đẩy nhanh việc chuyển đổi sang KCN sinh thái.

Để chuyển đổi công nghệ trong công nghiệp, Đồng Nai đang chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, đội ngũ công nhân kỹ thuật cao, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi công nghệ trong các ngành, lĩnh vực trọng tâm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, tỉnh hướng tới thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh và thúc đẩy phát triển các loại hình KCN có tính chuyên môn, chuyên biệt, đặc thù cao, sinh thái… theo hướng phát triển xanh, bền vững.

Tin cùng chuyên mục