Tuy nhiên, để phát triển 12 ngành của công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đúng theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn không ít rào cản.
Đây cũng là một trong những rào cản rất lớn. Nói như bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH BHD, kinh doanh ở lĩnh vực văn hóa có nhiều khác biệt. Riêng với điện ảnh, hiện chưa có nhiều ưu đãi, đặc biệt về chính sách thuế. Bà Ngô Thị Bích Hạnh so sánh, hiện tại nhà đầu tư chỉ nộp thuế khoảng 1% tính trên doanh thu khi kinh doanh bất động sản hay đầu tư chứng khoán, trong khi ở lĩnh vực điện ảnh, một công ty hoặc cá nhân đầu tư điện ảnh phải trả thuế thu nhập cá nhân có khi lên đến 35%. Rào cản về mặt tư duy cũng dẫn đến điện ảnh đang thiếu hành lang pháp lý minh bạch, đồng bộ, phù hợp để kích thích thị trường phát triển, hướng đến một ngành công nghiệp thật sự.
Điện ảnh Việt rõ ràng đang thiếu sự đồng bộ ở tất cả các khâu - từ đào tạo nguồn nhân lực, đến quá trình sản xuất, phát hành và quảng bá. PGS-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho rằng, cơ chế đấu thầu hiện tại có nhiều bất cập, hạn chế, bó buộc nhà làm phim. Trong câu chuyện quản lý, rào cản được xem là lớn nhất và đã được nói đến rất nhiều: câu chuyện kiểm duyệt. Từng có không ít tranh cãi về việc nên bỏ điều cấm trong Luật Điện ảnh và thực hiện cơ chế tiền kiểm, áp dụng hậu kiểm giống như đang áp dụng với phim chiếu mạng. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng, có những cái nên cấm tuyệt đối và có cái không. Điều quan trọng nhất là phải tạo tâm lý tự tin, sáng tạo cho nhà làm phim.
Trong khi đó, ở lĩnh vực truyền hình, xu thế số hóa và cuộc cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng trực tuyến đã nảy sinh nhiều rào cản. Các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình nội địa phải nộp thuế, xét duyệt nội dung trước khi lên sóng, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài không phải chịu bất cứ rào cản nào khi hoạt động tại Việt Nam. Lỗ hổng về mặt pháp lý này tạo nên cuộc đua không cân sức, bất bình đẳng.
Vì thế, có không ít bộ phim nghệ thuật độc lập hay triển lãm nghệ thuật vẫn lèo tèo khán giả, dù được giới chuyên môn, dân trong nghề đánh giá cao. Tại đô thị có thị trường nghệ thuật nhộn nhịp nhất nhì trong nước như TPHCM nhưng phòng tranh, ảnh hay triển lãm gần như là nơi lui tới của người trong nghề, giới sưu tập, sinh viên các trường nghệ thuật, mỹ thuật… Hầu như rất ít khán giả quan tâm và đến xem.
Tâm lý e ngại, “kém sang” khi không hiểu nội dung, ý đồ nghệ thuật của các tác phẩm trưng bày là điều dễ thấy ở một bộ phận khán giả. Thái Hà, phụ trách giám tuyển tại Galerie Quynh (đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1) chia sẻ: “Phần lớn khách của chúng tôi là người nước ngoài hoặc giới sưu tập, rất ít khách vãng lai ghé để xem tác phẩm. Dù là phòng tranh thương mại, nhưng chúng tôi xây dựng gu thẩm mỹ riêng như một cách nhận diện thương hiệu, vì thế có vài người tới xem không hiểu, không cảm được tranh nên cũng đành thôi”. Nghệ thuật vị điều gì, vốn là câu chuyện giữa 2 chiều ý kiến, tuy nhiên tác phẩm văn hóa không chạm đến khán giả thì đó là một sự thất bại, và không có khán giả thì chuyện khai thác như một ngành công nghiệp hẳn là điều còn xa vời.
Sau thành công mùa 1, Linh Lê (Học viện Nghệ thuật Nanyang, Singapore) tiếp tục dự án “Lớp học Cá Rô” (có sự tài trợ của Viện Goethe, tổ chức văn hóa của Đức) dành cho các bạn trẻ từ 14-19 tuổi tại TPHCM. Linh Lê bày tỏ: “Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở TPHCM, nhưng từ nhỏ vẫn chưa có nhiều khái niệm về mỹ thuật, cũng không có những giờ học dạy mình cách cảm một bức tranh. Vì thế, tôi mong muốn duy trì dự án “Lớp học Cá Rô”, bởi muốn thành một họa sĩ, một giám tuyển hay một nhà thiết kế thì trước hết phải biết thưởng thức mỹ thuật”. Để phát triển văn hóa như một ngành công nghiệp cần nhiều nỗ lực để xây dựng và hoàn thiện các quy định, luật… Bên cạnh đó, trình độ thẩm mỹ cộng đồng và gu thưởng thức của khán giả cũng phải được nâng tầm, để những giá trị nghệ thuật được công nhận và khen chê đúng nghĩa, sản phẩm “rác” được dẹp thẳng tay thì mới dọn đường để khai thác và phát triển công nghiệp văn hóa thành một ngành kinh tế phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Công nghiệp văn hóa là các lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, vốn văn hóa kết hợp công nghệ, kỹ năng kinh doanh tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Tại Việt Nam, công nghiệp văn hóa cơ cấu gồm 12 ngành: Điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa, quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ. |