Thị trường đầy tiềm năng
Theo TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, với gần 100 triệu dân, có số người dùng internet băng thông rộng lớn, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80% và đang tăng nhanh, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.
Đặc biệt, nhóm dân số có độ tuổi từ 15-64 hiện chiếm gần 70% tổng số dân, là nhóm dân cư có nhu cầu lớn về hưởng thụ các dịch vụ, sản phẩm văn hóa, đồng thời là nguồn nhân lực dồi dào để phát triển thị trường văn hóa. Đây là động lực lớn để kích thích ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
Ứng dụng công nghệ số tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã góp phần thu hút đông đảo khách tham quan |
TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), đánh giá, công nghệ số đã đem tới những thay đổi mạnh mẽ trong việc thu hút du khách đến với bảo tàng. Đặc biệt, nhờ ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA với 8 ngôn ngữ đã tháo gỡ những lo ngại của các công ty du lịch khi đưa khách đến với bảo tàng, góp phần lan tỏa các giá trị về di sản, mỹ thuật, văn hóa của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Trong năm đầu tiên áp dụng, bảo tàng đã thu được gần 600 triệu đồng từ khách tham quan bằng công nghệ cả trực tuyến và trực tiếp tại bảo tàng. Con số không lớn nhưng mở ra nhiều cách tiếp cận mới, đưa di sản đến gần hơn với công chúng.
Dưới góc nhìn kinh tế, luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law, bày tỏ lo lắng vấn nạn xâm phạm bản quyền trên nền tảng số đã khiến cho ngành công nghiệp văn hóa thất thu hàng ngàn tỷ đồng.
“Một trận bóng đá diễn ra trong 90 phút, với khoảng 90 triệu lượt xem, nếu tính trung bình mỗi lượt xem trên hệ thống có bản quyền với giá 1 USD, thì chúng ta thất thu 200 tỷ đồng cho một trận bóng đá do các vi phạm bản quyền”, ông Phan Vũ Tuấn dẫn chứng. Tương tự với phim ảnh, các website phim lậu có thể khiến lĩnh vực này thất thoát lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Cần sự thấu hiểu, đồng hành
Một hạn chế được nhận diện là năng lực số và thích ứng với chuyển đổi số của các cá nhân, tập thể và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Nhạc sĩ Quốc Trung, trong vai trò nhà sản xuất của nhiều festival văn hóa lớn, cho rằng, dường như các quy trình quản lý đã không theo kịp tốc độ phát triển của công nghiệp văn hóa. Cụ thể là nhiều bài hát, bản nhạc đã phổ biến trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhưng khi biểu diễn vẫn phải làm thủ tục xin phép hội đồng thẩm định.
Ứng dụng công nghệ số tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã góp phần thu hút đông khách tham quan |
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, cần xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp giữa doanh nghiệp và nhà quản lý, cần thêm những chính sách linh hoạt, có sự thấu hiểu để thay vì phải chạy theo đáp ứng quá nhiều thủ tục, quy trình thì người làm nghệ thuật có thể dành sức đó cho sáng tạo.
Chia sẻ từ câu chuyện của doanh nghiệp mình gặp phải, chị Ngô Bích Hạnh, đại diện Công ty BHD, cho biết, phim điện ảnh Cô Ba Sài Gòn được đầu tư nhiều tỷ đồng, ngày đầu ra rạp đã bị quay lén và tung lên mạng. Tuy nhiên, người thực hiện hành vi vi phạm này chỉ chịu mức phạt hành chính… 3 triệu đồng.
“Coi sản phẩm công nghiệp văn hóa là tài sản trí tuệ, vậy tài sản trí tuệ của chúng ta hiện đang ở vị trí nào? Sở hữu tài sản trí tuệ đáng giá nhiều tỷ đồng nhưng chủ thể lại không thể thế chấp để vay ngân hàng?”, đại diện BHD trăn trở.
* TS NGUYỄN THỊ THU HÀ, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam:
Tạo dựng hệ thống dữ liệu số, lưu trữ số về văn hóa nghệ thuật
Cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý để hình thành và vận hành thị trường mỹ thuật và nhiếp ảnh trong nước; có chính sách ưu đãi về thuế đối với cá nhân, tổ chức đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động, dự án mỹ thuật phục vụ cộng đồng, các nghệ sĩ tài năng và đặc biệt là kịp thời nghiên cứu, bổ sung những quy định tạo hành lang pháp lý đối với thị trường nghệ thuật NFT (một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain. Công nghệ này sử dụng chữ ký số để xác nhận tác phẩm gốc và người sở hữu tác phẩm) và tài sản số.
Việc thiếu vắng một hệ thống dữ liệu số (digital data) và lưu trữ số (digital archive) về văn hóa và nghệ thuật đã đặt ra những hạn chế cho nhiều ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bởi dữ liệu đã trở thành “mạch máu” nuôi dưỡng nền kinh tế số.
* Ông CHOI SEUNG JIN, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam:
Xuất khẩu văn hóa sẽ kéo theo xuất khẩu tiêu dùng
Chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa trong công nghệ số của Hàn Quốc có 3 nội dung chính. Trước hết là bồi dưỡng nguồn nhân lực với khả năng sáng tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên môn tốt cho các doanh nghiệp.
Tiếp theo là hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp theo từng giai đoạn với những chính sách hỗ trợ phù hợp để họ có thể phát triển liên tục. Cuối cùng là hỗ trợ về tài chính thông qua các quỹ - đây chính là hỗ trợ quan trọng nhất.
Cùng đó, Chính phủ cũng đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng các lĩnh vực văn hóa và cho doanh nghiệp thuê với giá ưu đãi… Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, sản phẩm văn hóa cũng được áp dụng, bởi thống kê cho thấy khi xuất khẩu sản phẩm công nghiệp văn hóa tăng 100 triệu USD sẽ kéo theo xuất khẩu hàng tiêu dùng tăng 180 triệu USD…