Điểm sáng thu hút đầu tư
Đã lâu chúng tôi mới có dịp trở lại Bình Dương và không khỏi choáng ngợp trước tốc độ đô thị hóa đang diễn ra ở địa phương này. Những rẫy khoai mì, trảng cỏ, vườn điều, rừng cao su… nay đã dần biến mất để nhường chỗ cho những khu công nghiệp (KCN) sầm uất mọc lên. Từ KCN - đô thị VSIP đầu tiên giờ đã có thêm VSIP 2, VSIP 3 và được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành cả nước. Và càng phấn khởi hơn khi Bình Dương vẫn tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư.
Theo số liệu của Sở KH-ĐT, trong 9 tháng năm 2024, tỉnh Bình Dương thu hút được hơn 2,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI); trong đó, số dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới là 136 dự án, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2023, với tổng số vốn đăng ký là hơn 2,2 tỷ USD, tăng 22,1% và 79 dự án điều chỉnh vốn, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ với tổng vốn điều chỉnh là 313,3 triệu USD. Các dự án có vốn đầu tư lớn như: nhà máy 2 - Công ty TNHH Paihong Việt Nam, tổng vốn đầu tư 400 triệu USD; dự án khu đô thị Đông An Tây, tổng vốn đầu tư 550 triệu USD; dự án Sembcorp Infra Services Binh Duong PTE.LTD, tổng vốn đầu tư 51,5 triệu USD…
Làm việc với chúng tôi, ông Trương Văn Phong, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, cho biết thêm, theo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 790/QD-TTg (ngày 3-8-2024), trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 48-50 KCN với tổng diện tích 25.000ha; đến nay đã thành lập 29 KCN với tổng diện tích quy hoạch 12.745,62ha và có 28 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 12.045,62ha. Trong 9 tháng đầu năm 2024, các KCN trong tỉnh đã thu hút được 1,045 tỷ USD vốn FDI, tăng 74% so với cùng kỳ, đạt 87% kế hoạch năm 2024; trong đó, cấp mới 103 dự án với tổng vốn đăng ký 500 triệu USD, tăng 63% về số dự án và 39% về vốn so với cùng kỳ.
Giữ hồn phố gốm Lái Thiêu
Sau khi dạo TP Tân Uyên, vòng quanh thành phố mới Bình Dương, chúng tôi trở lại thăm làng gốm Lái Thiêu. Đi sâu vào trong làng, qua khỏi nhà thờ Lái Thiêu, chúng tôi gặp ông Ba Tý (65 tuổi) quần đùi, áo thun từ trong lò nung gốm bỏ hoang đi ra chào khách. Ông Ba Tý nói: “Tôi làm việc ở đây từ năm mười sáu tuổi, nay theo quy hoạch của nhà nước, nhà xưởng và lò nung gốm đốt bằng củi ô nhiễm môi trường phải chuyển đi nơi khác (vùng ngoại ô) để lấy chỗ xây cất nhà cửa; không còn cảnh đất đai trống trải, thưa thớt như trước”. Trong khuôn viên vườn nhà là nhà trưng bày sản phẩm gốm để khách đến xem, chọn mẫu mã. Đồ gốm ở đây được lấy từ các lò gốm trong và ngoài tỉnh rất đa dạng, cung ứng cho nhiều tỉnh, thành trong nước, chủ yếu là các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ông Ba Tý còn chỉ cho chúng tôi xưởng duy nhất còn sót lại, người ta đốt lò bằng khí gas và nung gạch ngói, chứ không đốt để nung gốm sứ nữa.
Dạo một vòng phố gốm sứ dọc theo rạch Lái Thiêu thông ra sông Sài Gòn, nơi các ghe thuyền neo đậu chuyên chở hàng gốm sứ đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, một dãy phố dài tầm nửa cây số có mặt tiền quay ra phía rạch Lái Thiêu. 4,5 chiếc xe tải nhỏ đang đậu trước các cửa hiệu giao, nhận hàng. Các xe này mỗi ngày chuyên chở hàng gốm sứ từ các lò nung mới ở khu ngoại ô về đô thị. Khung cảnh vẫn không khác xưa là mấy. Nhiều cửa hàng bày bán gốm sứ khách ra vào liên tục nhưng nhà cửa thì khang trang hơn, đẹp đẽ hơn.
Chúng tôi ghé vào một cửa hiệu ở giữa con phố. Một bà cụ tầm 70 tuổi vừa ghi chép sổ sách vừa sắp xếp hàng hóa, bình lọ vào cửa hàng. Một cụ bà khác đang phụ các trai trẻ bốc vác hàng từ xe xuống. Cụ lau mồ hôi ngồi xuống ghế đá vỉa hè, hỏi chuyện cụ cho biết tên là Trần Thị Nga, 72 tuổi và người em gái trong cửa hàng là Trần Ngọc Kiều. Cả hai theo truyền thống gia đình, bán hàng gốm sứ từ thuở bé.
Cách đó khoảng vài chục bước chân, chúng tôi bắt gặp hai người phụ nữ đang chăm chỉ vẽ những chi tiết lên con chó, con heo đất mập ú. Chị tên là Trần Hữu Hoa khoảng 55, 56 tuổi và cô con gái độ đôi mươi. Hai mẹ con đang hoàn thiện khâu cuối cùng để đóng gói, giao hàng nơi các chợ đầu mối Đồng Nai, TPHCM và xuống các tỉnh miền Tây, ra miền Trung. Gia đình chị Hoa và bà con ở đây sản xuất, bán hàng mọi nơi, bán sỉ bán lẻ đủ các loại sản phẩm to nhỏ, tinh thô với nhiều loại kích cỡ khác nhau. Chị Hoa bộc bạch, khu phố này phần lớn là người Hoa, các gia đình có nguồn gốc từ Triều Châu, Phúc Kiến qua Việt Nam định cư từ thế kỷ thứ XVIII, XIX. Tổ tiên gia đình chị ở Triều Châu, sang đây từ đầu thập niên 1910 và làm nghề gốm từ thuở ấy đến giờ.
Sản xuất và tiêu thụ đồ gốm là 2 phân khúc chính, nhưng khâu vận chuyển lưu thông còn quan trọng hơn. Vì vậy, ngay từ đầu, người dân sản xuất đồ gốm chọn đặt các lò nung gần và ven sông Sài Gòn, để thuận tiện vận chuyển sản phẩm bằng đường thủy đi khắp mọi miền đất nước, nhất là miệt lục tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Các tàu lớn còn chở hàng sang Campuchia, Thái Lan, Malaysia…bán cho thương lái và người dân bản xứ.
Làm quen chủ một ghe thuyền đang neo đậu chất hàng, chúng tôi được anh Chín Thái lái tàu vừa là chủ tàu LA-14108 kể: “Con tàu này công suất 60 tấn, nhưng mỗi chuyến tôi chở độ 1/4 đến 1/3 trọng tải. Vì mặt hàng gốm sứ cồng kềnh dễ vỡ nên chất ngần ấy là vừa. Mỗi tháng đi một chuyến, trên thuyền có 3 người, từ Lái Thiêu ra sông Sài Gòn rồi theo sông Hậu, sông Tiền xuôi dòng đến tận Bạc Liêu, Cà Mau. Đi đến đâu, chúng tôi giao bán hàng đến đó. Bán xong hàng mới quay về nhà ở TP Cần Thơ, nghỉ vài ngày rồi lại quay ngược lên Lái Thiêu”. Cứ thế, quanh năm 3 người trên con thuyền lênh đênh theo sông nước.
Bên cạnh nghề gốm sứ truyền thống, tỉnh Bình Dương còn nổi tiếng với các sản phẩm gốm sứ cao cấp gia dụng Minh Long 1 mà sản phẩm đã được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng. Tất cả cho thấy một phần diện mạo của Bình Dương trên đường phát triển bền vững: phát triển một nền công nghiệp hiện đại có hàm lượng công nghệ cao đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.