Quả ngọt từ chủ trương “trải chiếu hoa”
Ngày 1-1-1997, tỉnh Bình Dương chính thức được tái lập với 4 đơn vị hành chính, gồm thị xã Thủ Dầu Một và 3 huyện Tân Uyên, Bến Cát, Thuận An với 77 xã, phường, thị trấn, với dân số 679.044 người. Tỉnh tiếp tục chủ trương ưu tiên phát triển các KCN tập trung, tạo môi trường thông thoáng, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để tạo đà cho sự ổn định, bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Giai đoạn 1997-2000, Bình Dương có 7 KCN tổng diện tích 1.603ha gồm: Sóng Thần 1-2, Bình Đường, Việt Hương, Đồng An, Tân Đông Hiệp và Việt Nam - Singapore (VSIP).
Từ con số khiêm tốn ấy, đến nay Bình Dương đã có 29 KCN, trong đó 27 KCN đang hoạt động với diện tích 12.670 ha (diện tích cho thuê đạt 87,4%) và 12 cụm công nghiệp diện tích 789 ha (diện tích cho thuê đạt 67,4%). Hết tháng 10-2021, tỉnh đã thu hút được 4.001 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn 36,95 tỷ USD (tăng gấp 30 lần về số dự án và số vốn so với năm 1997) và 48.456 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh, tổng vốn 434.708 tỷ đồng (tăng hơn 40 lần về doanh nghiệp và hơn 90 lần về vốn so với năm 1997). Đó là kết quả của hàng chục năm kiên trì thực hiện chủ trương “trải chiếu hoa” mời gọi nhà đầu tư bằng cơ chế thông thoáng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự phối hợp nhịp nhàng giữa lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh cùng đồng hành, kịp thời giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư.
Một trong những điểm nhấn về phát triển công nghiệp ở Bình Dương là xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương với mục tiêu hình thành các KCN, khu dân cư và dịch vụ cao cấp trên diện tích 4.196ha, tổng vốn ban đầu 3.000 tỷ đồng, khởi công ngày 12-10-2004; đến nay đã có 6 KCN tập trung đi vào hoạt động, khu dịch vụ 678ha đã triển khai một số dự án. Tâm điểm của Khu liên hợp là TP mới Bình Dương, năm 2014 tỉnh khánh thành, đưa vào sử dụng Trung tâm Hành chính tập trung tại trung tâm TP mới - được xem là biểu trưng cho quá trình bứt phá đi lên của Bình Dương.
Và không thể không kể đến sự thành công của KCN Việt Nam - Singapore (VSIP 1) được xem là hình mẫu trong phát triển các KCN - đô thị ở Việt Nam. VSIP 1 là một liên doanh đầu tư giữa các đối tác trong và ngoài nước do những tập đoàn có kinh nghiệm xây dựng hạ tầng cơ sở và bất động sản như Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và các công ty do Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) dẫn đầu, được thành lập để thực hiện dự án ở huyện Thuận An (nay là TP Thuận An) ra đời giữa năm 1996. Đến nay, VSIP1 có diện tích phủ kín 100%, thu hút 231 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD, tạo 95.000 việc làm và góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh Bình Dương.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, đánh giá: “25 năm qua, việc phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư là một thành công giúp Bình Dương từ một tỉnh nghèo trở thành thủ phủ công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Nhận diện thách thức
Sự tăng tốc mạnh mẽ về công nghiệp cũng khiến Bình Dương đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông xảy ra trên nhiều tuyến đường, kể cả cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn. Những năm qua, đã có hàng loạt tuyến đường nội tỉnh, kết nối khu vực được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh cần sớm thi công cải tạo hàng loạt nút giao giữa các đường đô thị ở TP Thuận An với cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn, đường 747 đi qua TX Tân Uyên, đường nội thị TP Thủ Dầu Một với đại lộ Bình Dương theo hướng làm nút giao nhiều tầng.
Ngoài đường bộ, tỉnh cần đầu tư phát triển đường thủy và hệ thống đường sắt. Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, để duy trì tốc độ phát triển, Bình Dương cần có tuyến đường sắt kết nối với tuyến đường sắt xuyên Việt hiện hữu và nối tuyến đến cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Nếu có tuyến đường sắt xuyên Đông Nam bộ đi qua địa bàn thì Bình Dương là tỉnh được hưởng lợi nhiều nhất; giúp giảm chi phí logistics, thời gian vận chuyển và tăng sức cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa.
Một vấn đề khá cấp bách là nhà ở cho NLĐ. Bình Dương hiện có 1,48 triệu lao động, đa số là NLĐ ngoài tỉnh có nhu cầu an cư. Những năm qua, Bình Dương đã làm khá tốt công tác phát triển nhà ở xã hội cho NLĐ nhưng chỉ mới đáp ứng 20-30% nhu cầu, phần lớn NLĐ phải ở các khu nhà trọ chật hẹp. Do đó, tỉnh cần khuyến khích phát triển nhà ở xã hội tại khu đô thị mới, đáp ứng nhu cầu cho người thu nhập thấp, NLĐ các KCN trên địa bàn. Với loại hình nhà cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư (nhà trọ), nên khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê (mô hình nhà trọ áp dụng tiêu chuẩn nhà ở xã hội) nhằm nâng chất nhà cho thuê, cải thiện chất lượng sống cho NLĐ.
Từ VSIP 1 ở Bình Dương, đến nay đã có thêm loạt dự án KCN VSIP ở Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định đáp ứng nhu cầu sản xuất cho 840 khách hàng đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đầu tư 14 tỷ USD; tạo việc làm cho hơn 250.000 lao động trong, ngoài nước. Hiện VSIP cũng dần có sự chuyển dịch theo hướng phát triển các khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ nhằm kiến tạo môi trường sống, làm việc bền vững, là biểu tượng thành công của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam và Singapore. |