Phát triển công nghiệp 4.0: Đòi hỏi công nghệ và lao động chất lượng cao

Để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển kinh tế, có 2 vấn đề để doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đó là đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại và nâng cao chất lượng lao động thì mới đáp ứng được yêu cầu thời đại. 
Các ngành công nghệ cao đang “khát” lao động chất lượng cao
Các ngành công nghệ cao đang “khát” lao động chất lượng cao
Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam thấp xa so với các nước trong khu vực, công nghệ vẫn lạc hậu mà chưa được các doanh nghiệp quan tâm nhiều thì việc nâng chất, đổi mới sẽ là một bước dài…

Lao động thiếu và yếu gắn kết

Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2018 của Ngân hàng Phát triển Châu Á đã chỉ rõ, sự thiếu hụt kỹ năng lao động sẽ là rào cản đối với việc thu hút FDI nói riêng và với hoạt động kinh doanh nói chung ở Việt Nam. Đồng thời, theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, việc tìm lao động cho vị trí việc làm đòi hỏi tay nghề cao đang là thách thức đối với các doanh nghiệp. Có đến 70% - 80% ứng viên cho các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng được yêu cầu.
Việc đào tạo, cụ thể là chất lượng giáo dục, kỹ năng làm việc của các kỹ sư, kỹ thuật viên hiện nay cũng chưa đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Do vậy, dù nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng được những yêu cầu đặt ra vẫn chưa đáp ứng được. Điển hình, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo là ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng chỉ 9% tổng số lao động có trình độ cao; trong khi với các nước phát triển, tỷ lệ này lên đến 40% - 60%. 

Theo nhìn nhận từ thực tế, lao động của Việt Nam đã qua đào tạo nhưng vẫn thiếu và yếu các kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ… Đặc biệt, các kỹ năng về kỹ thuật, công nghệ và nghiên cứu đang cần cho tư duy thời đại thì các cơ sở giáo dục vẫn chưa đưa vào chương trình đào tạo để khi ra trường có thể áp dụng ngay. Với thực trạng như vậy, lợi thế về chi phí nhân công thấp tại Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu không chỉnh sửa kịp thời thì Việt Nam khó đón bắt được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển kinh tế. Do vậy, ngay từ bây giờ Nhà nước phải có những chính sách đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng lao động để đáp ứng nhu cầu của thời đại. 

Công nghệ lạc hậu

Trong khi các nước trên thế giới đã dần bước vào nền công nghiệp 4.0 nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn áp dụng công nghệ lạc hậu. Chẳng hạn, việc sử dụng internet chỉ dừng lại ở việc gửi nhận thư điện tử chứ chưa được doanh nghiệp ứng dụng vào các hoạt động quản lý, điều hành. Việc đầu tư công nghệ phải gắn với trình độ lao động; tuy nhiên, cả 2 vấn đề này chưa được đầu tư tương xứng. Do vậy, con người phải “đi trước một bước” bằng các chính sách như Chính phủ cần có chính sách định hướng về thị trường lao động, doanh nghiệp đầu tư máy móc để tự động hóa trong sản xuất, áp dụng các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất.

Về giải quyết vấn đề công nghệ, Th.S Phạm Trung Hải (Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) cho rằng, nguyên nhân công nghệ ở các nhà máy lạc hậu là do doanh nghiệp chưa quan tâm đến hoạt động đổi mới công nghệ bởi nguồn lực tài chính còn hạn chế (96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong số đó, các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp chiếm tỷ lệ thấp). Doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đến hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) khoa học - công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy phát triển (doanh nghiệp Việt Nam chỉ chi khoảng 1,6% doanh thu hàng năm cho R&D; trong khi Campuchia là 1,9%, Lào 14,5%...). Thêm nữa, các chính sách về hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ của nhà nước hiện chưa thực sự hấp dẫn, điều kiện còn khắt khe, chưa đủ cơ sở pháp lý để thúc đẩy và thu hút doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ.

Do vậy, Th.S Phạm Trung Hải kiến nghị các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ phải đồng bộ, dễ thực hiện; tổ chức đào tạo về quản lý, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới cho doanh nghiệp… Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến; đào tạo, thuê chuyên gia thiết kế, sản xuất sản phẩm mới và thay đổi quy trình công nghệ. Hỗ trợ doanh nghiệp kinh phí sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia để nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các sản phẩm mới. Đồng thời, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các tổ chức nước ngoài trao đổi về khoa học - công nghệ, ứng dụng để nâng cao khả năng quản trị công nghệ ở mỗi doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục