Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại TPHCM: Con người công nghiệp cho công nghiệp văn hóa

Công nghiệp văn hóa đang tạo ra sức mạnh mềm văn hóa thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước. Tuy nhiên, để công nghiệp văn hóa phát triển bền vững và đóng góp thiết thực vào nền kinh tế, cần có những bước xác định trụ cột, đầu tư tập trung làm nền tảng cho đường dài hội nhập.

Tháo gỡ tồn tại

Nhiều chuyên gia văn hóa cùng các nghệ sĩ, người hoạt động trong lĩnh vực này đều nhìn nhận, TPHCM là một trong những địa phương thuận lợi nhất trong cả nước để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bởi nơi đây có đời sống văn hóa nghệ thuật nhộn nhịp, đội ngũ thực hành văn hóa nghệ thuật năng động, sáng tạo...

Tuy nhiên, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại thành phố hiện nay vẫn chưa xứng tầm với những lợi thế sẵn có và dư địa để khai thác, phát triển còn rất nhiều.

F6a.jpg
iểu diễn âm nhạc truyền thống tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế TPHCM (Ho Chi Minh City International Music Festival - HOZO) góp phần quảng bá nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến du khách quốc tế. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Phát biểu tại tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa: Đâu là những trụ cột?” do Báo Người Lao Động tổ chức, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phân tích: “Công nghiệp văn hóa giúp đột phá trong phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chúng ta chưa tập trung phát triển công nghiệp văn hóa. Mặc dù các ngành văn hóa đã tổ chức nhiều hoạt động và mang lại hiệu quả, lợi nhuận nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu về nó theo khái niệm công nghiệp, phần lớn chỉ xem là cờ đèn kèn trống, chủ yếu liên quan đến đời sống tinh thần, đạo đức, không trực tiếp tạo ra vật chất cho xã hội”.

Từ việc hiểu về khái niệm công nghiệp văn hóa đến thực hành cũng không ít tồn tại. Tại tọa đàm, ông Phạm Đình Tâm, Giám đốc điều hành Công ty IME Việt Nam, cho biết: “Khi chúng tôi làm việc với các đối tác nước ngoài, họ ngần ngại, chưa yên tâm khi được mời biểu diễn tại Việt Nam vì có quá nhiều thủ tục cần được cơ quan chức năng thông qua. Ngoài ra, địa điểm đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện lớn còn quá ít. Như tại TPHCM hiện vẫn chưa có sân khấu trong nhà đủ chuẩn để đưa các chương trình, nghệ sĩ lớn quốc tế đến biểu diễn, trong khi các sân khấu ngoài trời lại gặp khó khăn về thời tiết”.

Đạo diễn Lê Quý Dương, Chủ tịch Ủy ban Festival và hợp tác quốc tế của Hiệp hội Sân khấu thế giới (IFCPC/ITI), chia sẻ: “Để thúc đẩy sự phát triển, cần có sự cạnh tranh công bằng để mở rộng biên độ sáng tạo. Những dự án về văn hóa nghệ thuật được mở rộng cho tất cả các đơn vị công, tư để có cơ hội tham gia như nhau. Một vấn đề nữa, là cần mở ra nhiều cơ hội hơn cho các nghệ sĩ trẻ, chia đều quỹ đầu tư cho các nghệ sĩ đã thành danh, nghệ sĩ đang phát triển hay gương mặt triển vọng trong tương lai. Đây cũng là động lực thiết thực để thúc đẩy người thực hành sáng tạo, sẵn sàng tâm thế, tác phong công nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn của công nghiệp văn hóa”.

Giá trị văn hóa bản địa và yếu tố con người

Công nghiệp văn hóa vừa góp phần chuyển hóa các di sản văn hóa thành nguồn sức mạnh cố kết xã hội vừa mở rộng mạng lưới, trao đổi thông tin và nguồn lực trong các cộng đồng.

Bên cạnh đó, di sản văn hóa còn là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào phong phú và đa dạng cho nhiều ngành công nghiệp văn hóa như du lịch văn hóa, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, điện ảnh, trò chơi điện tử... từ đó, giúp chúng ta thiết lập lợi thế cạnh tranh, sự độc đáo và thương hiệu nhận diện cho những ngành này trong thị trường khu vực và thế giới.

Chia sẻ về việc mang bản sắc Việt, hình ảnh con người Việt Nam quảng bá cùng bạn bè thế giới thông qua sản phẩm văn hóa nghệ thuật, ông Nguyễn Hữu Anh, Giám đốc điều hành Công ty The First Management, chia sẻ: “Công ty của chúng tôi chuyên về quản lý nghệ sĩ, nên luôn coi trọng và chú trọng yếu tố con người trong phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng ta cần có những con người thực sự am hiểu công nghiệp văn hóa thì tiến trình phát triển sẽ nhanh và thuận lợi. Bên cạnh đó, với môi trường hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, chúng ta cần những con người hiểu và biết cách khai thác văn hóa bản địa vào sản phẩm văn hóa, từ đó lan tỏa ra thị trường giải trí quốc tế. Văn hóa bản địa, bản sắc Việt là một phần rất quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa, vì vậy với mỗi dự án, chương trình hợp tác với nước ngoài chúng tôi luôn bám chặt vào 2 chữ Việt Nam để làm nền tảng cho từng kế hoạch biểu diễn”.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và xu hướng phát triển bền vững trên toàn cầu, công nghiệp văn hóa đã, đang và chắc chắn sẽ có được vị trí xứng đáng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để hoàn thành những mục tiêu phát triển đường dài, trước mắt cần những bước đi vững chắc ban đầu làm nền tảng. Và nền tảng của một hay nhiều ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp văn hóa, luôn cần những con người với tác phong công nghiệp, tâm thế sẵn sàng tiên phong để tạo ra xu hướng mới.

Tin cùng chuyên mục