TPHCM vừa có một động thái tích cực trong việc phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG - một loại nhiên liệu sạch nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế sự nóng lên của Trái đất. Đó là chấp thuận cho Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn nhập khẩu 21 chiếc xe buýt mới, sử dụng khí CNG để vận tải hành khách công cộng.
Theo ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở Giao thông Vận tải TPHCM, Công ty Xe khách Sài Gòn sẽ vay vốn tại Quỹ Đầu tư Phát triển đô thị TPHCM (nay là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước thành phố) và thành phố sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn đầu tư. Việc tính trợ giá cho hoạt động của loại xe buýt mới sẽ được thí điểm triển khai trong 6 tháng. Sau thời gian này, TP sẽ cân nhắc, xem xét kế hoạch các bước phát triển xe buýt sạch tiếp theo.
Đây thực sự là tin vui không chỉ đối với giới vận tải hành khách công cộng TPHCM mà còn cho cả người dân. Bởi điều này sẽ góp phần bảo vệ môi trường, làm giảm mức độ ô nhiễm không khí do khí thải các phương tiện giao thông gây ra. Tuy nhiên, niềm vui này chưa trọn vẹn. Tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng tại TPHCM có đến hơn 3.000 xe buýt trong đó khoảng 50% số lượng xe đã gần hết hạn sử dụng. Chính vì vậy, nếu chỉ có 21 xe mới, hoàn toàn không đủ thay thế các xe cũ. Còn nếu tiếp tục mua mới loại xe buýt thông thường, sử dụng nhiên liệu dầu, xăng thì không giải quyết được bài toán bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, các đơn vị vận tải còn lại trong khối vận tải hành khách công cộng (ngoài Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn) lại rất mặn mà với việc sử dụng xe buýt sạch. Theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM - đơn vị chiếm đến hơn 1/3 thị trường vận tải hành khách công cộng TP, Liên hiệp HTX xe buýt chỉ mong được TP hỗ trợ 50% lãi suất vay đầu tư sẽ mua ngay loại xe buýt mới sử dụng khí CNG.
Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM là một tổ chức của các xã viên, chủ xe buýt. Mô hình này có sự khác biệt với Công ty Xe khách Sài Gòn ở chỗ phương tiện vận tải dù đứng tên HTX nhưng vẫn thuộc quyền sở hữu của xã viên. Do vậy, sau khi trả hết vốn và lãi suất vay vốn đầu tư, phương tiện vận tải sẽ thuộc quyền sở hữu của xã viên. Còn Công ty Xe khách Sài Gòn, sau khi trả hết vốn và lãi suất vay vốn đầu tư, xe vẫn thuộc quyền sở hữu của công ty, tức của nhà nước. Do vậy, hai đơn vị đã có những đề xuất rất khác nhau về việc hỗ trợ đầu tư loại xe buýt sạch, sử dụng khí gas CNG.
Theo ông Phùng Đăng Hải, vấn đề là hiện nay chi phí đầu tư xe buýt sử dụng khí CNG quá đắt, ước gần 2 tỷ đồng/xe, gần gấp đôi loại xe buýt thường. Hầu hết xã viên các HTX vận tải không thể tự đầu tư. Vì thế, các xã viên rất mong được TP hỗ trợ. Ngoài ra, do vốn đầu tư lớn, nên dù được TP hỗ trợ thì phần đông xã viên vẫn phải vay thêm để đầu tư. Do đó, họ mong được TP trợ giá mua khí CNG như trợ giá mua xăng, dầu. Hiện nay khí CNG rẻ hơn xăng, dầu. Các xã viên hy vọng sự chênh lệch này sẽ giúp họ bù đắp phần nào chi phí mua xe quá lớn.
Tất nhiên, TPHCM phải cân nhắc đề xuất này của các HTX xe buýt. Thế nhưng, dù xem xét ở góc độ nào cũng cần tính đến yếu tố môi trường và việc bảo vệ sức khỏe người dân. Thêm một xe buýt sạch là thêm một cơ hội bảo vệ môi trường. Theo ông Lê Trung Tính, hiện nay ở một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Australia… có nhiều chính sách hỗ trợ xe buýt sạch phát triển. Riêng Chính phủ Australia sẵn sàng hỗ trợ cho đơn vị vận tải khoản tiền chênh lệch, tiết kiệm được khi sử dụng khí CNG thay vì xăng, dầu.
NGUYỄN KHOA