Là cơ hội trao đổi quan điểm - thực tiễn phát triển bền vững kinh tế biển và thúc đẩy hợp tác biển giữa Việt Nam - EU, Đối thoại này quy tụ sự tham gia của 150 đại biểu. Trong đó có hơn 20 chuyên gia, học giả từ EU và các quốc gia thành viên EU; 20 đại diện đến từ 14 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; gần 100 chuyên gia, đại biểu Việt Nam cùng nhiều phóng viên đến từ hơn 30 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước. Hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến cho phép các chuyên gia quốc tế tham dự - phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo có 4 phiên chính: Chính sách về phát triển biển bền vững của Việt Nam và EU; Quản lý Môi trường biển; Kinh tế biển xanh bền vững; Các xu thế mới trong các vấn đề liên quan đến biển và tương lai hợp tác biển Việt Nam - EU.
Các phiên làm việc ghi nhận hàng loạt chia sẻ, đánh giá... sâu sắc và thiết thực. Ông Đinh Toàn Thắng, Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao, nhận định: "Thế kỷ 21 được coi là kỷ nguyên của đại dương. Việc vươn ra biển đã trở thành trào lưu chung của thế giới, là định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và không có biển cũng như quan hệ hợp tác giữa các nước - các thể chế đa phương khu vực và thế giới. Chúng ta đang chứng kiến thời điểm mà quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU phát triển mạnh mẽ sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao".
Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, cũng khẳng định: "EU có nhiều kinh nghiệm trong thúc đẩy nền kinh tế biển bền vững thông qua tăng cường hợp tác biển. Cách tiếp cận này phù hợp với những ưu tiên cao của Việt Nam, như được phản ánh trong các văn kiện về phát triển bền vững kinh tế biển".
Các đại biểu đã đề xuất nhiều kiến nghị thúc đẩy hợp tác biển Việt Nam - EU thời gian tới. Trong đó có việc tăng cường hợp tác ở cấp thể chế giữa các cơ quan chức năng, hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường công tác quản lý và nâng cao nhận thức của người dân. Các nội dung: phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn, du lịch biển bền vững, xây dựng khu bảo tồn biển (MPA), xử lý rác thải nhựa đại dương, năng lượng tái tạo, nhận thức biển (MDA), khai thác nuôi trồng và bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản, đa dạng hệ sinh thái biển là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai bên.
Việt Nam luôn là đối tác tích cực và năng động hàng đầu của EU. Việc hợp tác giữa Phái đoàn EU và Học viện Ngoại giao tại hội thảo lần này là minh chứng cho thấy nhu cầu hợp tác giữa Việt Nam - EU và giúp thúc đẩy hợp tác biển thực chất - cụ thể giữa Việt Nam - EU trong thời gian tới.
>> Dưới đây là clip tường thuật một cách tổng quan về sự kiện mang chủ đề “Phát triển biển bền vững: Chia sẻ quan điểm của Việt Nam và EU"
* Clip được sản xuất với sự hỗ trợ của Quỹ Thúc đẩy quan hệ đối tác EU - Việt Nam, được thành lập nhằm thúc đẩy các mối quan hệ EU - Việt Nam trong các lĩnh vực quan trọng được ưu tiên. Quỹ là một biện pháp thuộc công cụ Đối tác - công cụ chính sách đối ngoại thúc đẩy lợi ích của EU ở các nước thứ ba thông qua đối thoại chính sách, cải thiện tiếp cận thị trường và độ nhận diện của EU ở các nước đối tác.