Phát triển bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh, thành: Những tín hiệu lạc quan

Hiện có 8 bệnh viện (BV) trực thuộc Sở Y tế TPHCM tham gia làm BV hạt nhân cho 38 BV vệ tinh của 19 tỉnh, thành ở phía Nam. 
Đơn vị Tim mạch can thiệp (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng) hoạt động theo Đề án bệnh viện vệ tinh. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Đơn vị Tim mạch can thiệp (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng) hoạt động theo Đề án bệnh viện vệ tinh. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Đây là hoạt động nằm trong Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2016-2020 của Bộ Y tế, với mục tiêu nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, tạo sức bật mạnh mẽ cho các BV tuyến dưới, góp phần giúp người dân thuận lợi hơn trong việc khám chữa bệnh.

Thực hiện nhiều kỹ thuật khó

Ở tuổi ngoài 70, ông Trần Đình Nhơn (ngụ tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) từng bị nhồi máu cơ tim cấp, sau khi được can thiệp tim mạch tại BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, sức khỏe của ông đã ổn định và có thể làm được những công việc nhẹ như chăm sóc cây, dọn dẹp nhà cửa. “Tôi biết các bác sĩ của BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng đã được chuyển giao kỹ thuật đặt stent can thiệp chỗ tắc nghẽn động mạch vành, lại thêm gia đình không có người chăm sóc nếu như phải về TPHCM nằm viện, nên tôi đã đặt niềm tin và theo điều trị tại đây. Hiện tôi thấy sức khỏe mình ổn định hơn nhiều”, ông Nhơn chia sẻ.

Không phải đi xa, tiết kiệm nhiều chi phí mà vẫn được chữa khỏi bệnh là những lợi ích mà người dân tại Lâm Đồng và các tỉnh phụ cận đang hưởng lợi, từ khi Đơn vị Tim mạch can thiệp BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng đi vào hoạt động theo Đề án BV vệ tinh chuyên ngành can thiệp tim mạch từ BV Nhân dân Gia Định. Đề án bắt đầu triển khai từ tháng 10-2015, với 10 y bác sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản. Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Ngọc Hiệp, Trưởng khoa Khám bệnh cấp cứu - Đơn vị Tim mạch can thiệp, cho biết: “Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đơn vị đã triển khai can thiệp cho 387 trường hợp. Tỷ lệ thành công về mặt giải phẫu là 97,49%; tỷ lệ thành công về mặt lâm sàng 96,65%; tỷ lệ tử vong sau can thiệp chương trình 1,1%. Trong số bệnh nhân, có một số là khách du lịch đến Đà Lạt bị nhồi máu cơ tim cấp, đã được cấp cứu, can thiệp kịp thời”. 

Ngoài triển khai can thiệp tim mạch, hiện nay đơn vị đã triển khai thêm can thiệp mạch máu não, tắc mạch trong u xơ tử cung, tắc mạch tiền liệt tuyến. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hiệp, BV tự xử lý đối với ca thông thường, còn những ca khó thì phối hợp các bác sĩ tại BV Nhân dân Gia Định cùng tiến hành can thiệp. Nhiều trường hợp nhồi máu cấp được can thiệp kịp thời trong khoảng “thời gian vàng”, không phải trải qua giai đoạn rủi ro trên đường chuyển viện như trước đây.

Còn theo Phó Giám đốc BV Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) Nguyễn Văn Thanh, cuối năm 2016, đơn vị được BV Nhi đồng 2 TPHCM khảo sát đặt BV vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật về chăm sóc điều trị bệnh nhi. Sau gần 1 năm chuẩn bị, đến nay BV Bà Rịa đã sẵn sàng từ cơ sở vật chất, nguồn lực, nhân lực để tiếp nhận những kỹ thuật cao do BV Nhi đồng 2 chuyển giao. “Điều này sẽ giúp bệnh nhi được chẩn đoán và điều trị ngay tại tỉnh nhà, giảm thời gian và chi phí; đồng thời giảm tải cho bệnh viện tuyến trên”, bác sĩ Thanh thông tin.

Tăng cường hỗ trợ chuyên môn

Thực hiện Đề án giảm tải BV, từ năm 2013 Bộ Y tế đã triển khai Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013-2020. Đến nay, BV vệ tinh đã phủ sóng hầu hết các tỉnh, thành. Đề án này chính là chiếc áo mới khoác lên cho BV tuyến dưới và đem lại hiệu quả giảm tải rõ rệt, tăng sự hài lòng của người bệnh.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện sở đã cử 8 BV trực thuộc sở là Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ, Hùng Vương, Nhân dân 115, Ung bướu và Chấn thương chỉnh hình tham gia làm BV hạt nhân cho 38 BV vệ tinh của 19 tỉnh, thành ở phía Nam. Đây là những BV đại diện các vùng miền, đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, chuyên môn, có tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến lên BV hạt nhân cao. Các lĩnh vực được chuyển giao chủ yếu là nhi, chấn thương chỉnh hình, ung bướu, tim mạch, sản khoa... 

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết Bộ Y tế đã yêu cầu các BV phải thực hiện tốt công tác xây dựng dự án và lập kế hoạch triển khai, để đem lại lợi ích thiết thực cho các BV vệ tinh, đặc biệt là cho nhân dân các địa phương được thụ hưởng dự án. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các BV tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các BV.

Hiện cả nước có 22 BV hạt nhân với 98 BV vệ tinh nằm trong Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2016-2020, gồm 10 chuyên ngành là nội, ngoại - chấn thương, sản nhi, ung bướu, tim mạch, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.

Tin cùng chuyên mục