Tại hội thảo, nhiều tham luận và các ý kiến đã làm rõ vai trò của sông Mekong đối với đời sống của hàng trăm triệu người sinh sống dọc sông, cũng như vai trò đối với an ninh lương thực, đa dạng sinh học… trên toàn cầu.
TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM cho biết, trong những thập kỷ vừa qua, sự phát triển nhanh trong khu vực đã gây ảnh hưởng đến thiên nhiên, sinh kế người dân. Các quốc gia tiểu vùng sông Mekong cũng có sự khác biệt đáng kể về chính sách khai thác nguồn tài nguyên nước. Điều này đặt ra nhiều thách thức không chỉ về mặt pháp lý mà còn trên mặt trận chính trị và ngoại giao khu vực.
Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Hữu Huyên nhấn mạnh đến cơ chế hợp tác “hợp lý, công bằng, bền vững”, nhưng cũng nhận xét, hiện nay đang có sự khai thác không hợp lý các nguồn tài nguyên, kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu đang gây ra những thách thức rất lớn cho khu vực.
Theo GS-TS Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban pháp luật quốc tế Liên hợp quốc, các nước lưu vực sông Mekong chưa thực sự tuân thủ luật quốc tế về môi trường cũng như quản lý các nguồn nước quốc tế, làm giảm hiệu lực của luật quốc tế trong giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực.
Hiện nay, khung pháp lý quốc tế và khu vực về phát triển bền vững và đối phó với biến đổi khí hậu tại tiểu vùng sông Mekong, bao gồm Tuyên bố Stockholm và Tuyên bố Rio de Janeiro; Công ước của Liên Hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia vì mục đích phi giao thông thủy (công ước New York 1997); Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong (1995); các phán quyết của Tòa án và Trọng tài quốc tế.
Tuy nhiên, ngoài Việt Nam, không một nước nào trong lưu vực sông Mekong cũng như ASEAN là thành viên của Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy. Hiệp định Mekong cũng không quy định một cách đầy đủ các nguyên tắc sử dụng công bằng, tham gia công bằng và không gây hại đáng kể. Việc thực hiện các nguyên tắc hay không là do quốc gia tự quyết định.
PGS-TS Soltnsev Alexandr Mikhanovich – Phó trưởng khoa Luật, Viện Luật, trường Đại học tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga cho rằng, các nước tiểu vùng Mekong cần cơ chế quản trị và hợp tác nước hiệu quả. Vì theo thống kê thì các nguồn nước ngọt có thể sử dụng được trên thế giới hầu hết là nguồn nước liên quốc gia.
Ý kiến này được nhiều chuyên gia đồng tình. PGS-TS Trần Thăng Long, trưởng khoa Ngoại ngữ pháp lý, trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, khai thác Mekong không phải là vấn đề quốc gia đơn lẻ. Trong công pháp quốc tế đặt vấn đề chia sẻ trách nhiệm. Trong bối cảnh ngày nay thì càng phải đặt ra việc này một cách nghiêm túc hơn.
Trao đổi thêm về kinh nghiệm của các quốc gia sử dụng chung nguồn nước trên thế giới, GS-TS Nguyễn Hồng Thao cho biết, hiện nay một số tiểu vùng có sự hợp tác rất tốt, như Ủy ban Danube được thành lập từ năm 1948. Các nước có sông này chảy qua đều tham gia công ước quốc tế về sử dụng nguồn nước 1997, trong khi ở tiểu vùng Mekong thì chỉ mình Việt Nam tham gia.
“Các quốc gia đều phải tham gia vào các công ước quốc tế để có sự ràng buộc”, GS-TS Thao nói. Ủy ban Danube đã đưa ra quy tắc chung, khi bên nào định xây dựng một công trình trên sông thuộc lãnh thổ của mình, thì các bên khác đều được tham gia, kiến nghị. Với sông Mekong, khi chúng ta xây hai cầu trên sông Tiền và sông Hậu, phía Campuchia có ý kiến là xây dựng cầu có thể ảnh hưởng đường ra biển của Campuchia. Khi đó, Việt Nam đã mời chuyên gia nước bạn đến chia sẻ, đồng thời nâng tĩnh không cầu lên cao hơn, chấp nhận chi phí cao hơn, thể hiện tinh thần hợp tác rất cao của Việt Nam. Ông nhấn mạnh, đó là ví dụ điển hình trong hợp tác quản lý khai thác dòng sông Mekong.
TS Phạm Hồng Hạnh nhấn mạnh, nghĩa vụ hợp tác là nguyên tắc cơ bản nhất của luật nước quốc tế, bởi vì nếu không có sự hợp tác giữa các quốc gia lưu vực sông, các quốc gia sẽ không thể thực hiện nghĩa vụ chia sẻ tài nguyên nước xuyên biên giới, để đạt được sự phát triển bền vững, bảo vệ sự toàn vẹn hệ sinh thái và thực hiện nhiều nghĩa vụ pháp lý khác. Theo TS Hạnh, các bên cần cung cấp thông tin thường xuyên, thay vì cung cấp ở “thời điểm thích hợp”.
PGS-TS Văn Phạm Đăng Trí - Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho rằng, những hiện tượng cực đoan xảy ra ngày càng nhiều trong những năm gần đây, khiến chúng không còn là bất thường nữa mà đã trở thành “bình thường mới”, đòi hỏi con người phải thích nghi theo hướng “thuận thiên”.
Trong khi đó, từ thực tế ở tỉnh Hậu Giang, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bất Động sản TPHCM, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang cho rằng, cần vận dụng chính sách pháp luật để chuyển đổi sinh kế cho nông dân tại ĐBSCL, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.