Nhân dịp này, Chúng tôi xin giới thiệu tham luận của Ông Lê Hữu Hoàng-Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Yến Sào Khánh Hòa-Người đã nhiều năm gắn bó với ngành nghề Yến sào và đã có những trình khoa học cấp nhà nước về ngành nghề Yến Sào.
Chim yến Hàng (Aerodramus fuciphagus) là loài chim phân bố ở vùng Đông Nam Á, trong đó phân loài Aerodramus fuciphagus Germani là phân loài đặc hữu phân bố chủ yếu tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là phân loài chim yến đảo cho tổ có chất lượng cao hàng đầu thế giới.
Quần thể phân loài chim yến này phân bố từ Quảng Bình đến Côn Đảo, Phú Quốc. Trong đó, Khánh Hòa là tỉnh tập trung số lượng quần thể chim yến đảo phát triển ổn định và lớn nhất Châu Á (Năm 2015, Công ty Yến sào Khánh Hòa được Tổ chức kỷ lục Châu Á trao chứng nhận Kỷ lục số lượng hang đảo yến nhiều nhất, sản lượng khai thác yến sào đảo thiên nhiên lớn nhất Châu Á).
Qua kết quả điều tra khảo sát hang đảo yến năm 2018 của Công ty Yến sào Khánh Hòa. Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có 223 hang yến lớn nhỏ. Trong đó: Khánh Hòa có 173 hang yến, Bình Định có 16 hang yến, Quảng Nam có 9 hang yến, Quảng Ngãi 3 hang, Phú Yên có 13 hang, Ninh Thuận 9 hang.
Từ năm 2004 trở lại đây, ở nước ta chim yến đã vào sinh sống làm tổ trong nhà ở hầu hết các tỉnh từ Hải Phòng đến Cà Mau, Phú Quốc - Kiên Giang và các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên như Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai. Chim yến nhà ngày càng phân bố rộng khắp các địa phương trong cả nước, nghề nuôi chim yến đã và đang phát triển ở nước ta. Việc nuôi chim yến trong nhà cũng như hiệu quả của việc dùng yến sào ngày càng được nhiều người biết đến. Lượng nhà nuôi chim yến được xây dựng bùng phát tại các địa phương đã tạo nên một làn sóng mới trong sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong cộng đồng xã hội.
Thực tế tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta là rất lớn. Lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt nhất để phát triển nghề nuôi chim yến, mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương. Thức ăn chủ yếu của chim yến là côn trùng bay như rầy nâu, rầy xanh, mối, côn trùng bay trong thiên nhiên. Vì vậy, chim yến có thể được xem là loài dùng để đấu tranh sinh học và bảo vệ mùa màng cho nhà nông.
Qua kết quả điều tra khảo sát nhà yến năm 2018 của Công ty Yến sào Khánh Hòa. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có khoảng 3.424 ngôi nhà yến, tập trung nhiều ở các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận. Các nhà yến cho sản lượng lớn nhất có vị trí tại các tỉnh: Khánh Hòa, Đăk Lak, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận với sản lượng từ 200-300 kg/năm.
Áp dụng các thành tựu trong nghiên cứu khoa học phát triển quần thể chim yến:
- Kỹ thuật ấp nở và nuôi nhân tạo chủ động nguồn chim yến giống:
Thực hiện sứ mệnh bảo tồn và phát triển quần thể đàn chim yến, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã nghiên cứu chuyên sâu về ấp nở và nuôi nhân tạo chim yến, chủ động nguồn chim yến giống. Kết quả tỷ lệ nở trên 90%, nuôi chim con trưởng thành đạt tỷ lệ trên 95%. Có thể khẳng định Công trình ấp nở nhân tạo và nuôi chim yến thành công góp phần tăng nhanh quần thể chim yến tại Việt Nam.
Các giai đoạn phát triển của chim yến con - Kỹ thuật phát triển quần thể chim yến đảo:
+ Cải tạo tái cấu trúc bên trong hang:
Thực hiện vệ sinh lòng hang bằng cách dùng máy áp lực dội nước rửa sạch các tạp chất bấm trên bờ mặt lòng hang. Việc làm này thực hiện định kỳ hằng năm, sau khi kết thúc mùa vụ sinh sản của chim yến cần phải thực hiện vệ sinh lòng hang để loại bỏ các tạp chất trên bờ mặt lòng hang, nâng diện tích cư trú của chim yến, nâng cao sản lượng và chất lượng tổ yến. Đối với hang có cầu trúc chưa phù hợp cho chim yến sinh sống, làm tổ thì chúng ta phải tiến hành một số cải tạo, tái cấu trúc lại lòng hang để chim yến dễ dàng đậu vào vách đá, ra vào hang và có chỗ trú ẩn khi bão đến.
+ Kỹ thuật nuôi chim yến đảo Germani từ nguồn giống ấp nở
Đây là bí quyết kỹ thuật đã thực hiện nuôi chim con Germani từ nguồn giống ấp nở nhân tạo, nuôi chim con tại hang đảo, chim yến con được các kỹ thuật viên chăm sóc theo quy trình khoa học, chim yến con phát triển trưởng thành tự đớp mồi, bay đi kiếm ăn và tối về lại hang yến. Kỹ thuật này đã được thực hiện thành công tại các hang mới của đảo yến Đông Tằm và tiếp tục nhân rộng đến các đảo yến trong vùng biển Khánh Hòa theo chương trình đề án 164 của UBND tỉnh Khánh Hòa, quy hoạch phát triển hang yến mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2014-2020; hình thành hang yến mới Đảo yến Đông Tằm.
+ Kỹ thuật dẫn dụ chim yến từ tự nhiên:
Sau khi vệ sinh, tái cấu trúc lòng hang tiếp theo chúng ta xử lý lòng hang bằng các dung dịch và hợp chất dẫn dụ chim yến để tạo mùi bầy đàn chim yến, lắp đặt tổ mô phổng, lắp đặt hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến trong hang và ngoài cửa hang, tạo môi trương bên trong hang giống môi trường hang yến đã có chim yến sinh sống ổn định và cho tổ. Tạo nguồn thức ăn nhân tạo cho chim yến, định kỳ hàng tháng kiểm tra và xử lý dung dịch, hợp chất dẫn dụ tạo mùi bầy đàn chim yến để tạo môi trường ổn định dụ chim yến về sinh sống và làm tổ. Bên cạnh đó thực hiện các giải pháp phòng chống thiên địch cho chim yến, bảo vệ an toàn chim yến.
+ Kỹ thuật di đàn chim yến:
Kỹ thuật được áp dụng đối với những chim con đã biết bay thành thạo, khi đó chúng có khả năng tự bắt mồi ngoài tự nhiên. Khi vận chuyển, chim con được đưa vào các thùng chuyên dụng, khoảng 25 - 30 con trong một thùng rồi vận chuyển đến các hang đảo mới.
+ Làm mái che cho hang yến:
Làm mái che để hạn chế sự tác động của mưa đối với hang, giảm cường độ sáng trong hang, tăng diện tích sinh sống và làm tổ của chim yến. Mái che được làm bằng sườn chịu lực inox, lợp tôn nhựa xanh. Tùy theo kích thước của miệng hang mà tính toán kết cấu khác nhau để đảm bảo độ bền chịu đựng gió bão.
+ Làm đập chắn sóng
Hầu hết các hang đảo nuôi chim yến hiện nay đều bị ảnh hưởng trực tiếp của sóng biển, sóng biển đánh vào hang làm chảy tổ, tăng độ ẩm trong hang ảnh hưởng tới nơi cư trú của chim yến. Chính vì vậy, giải pháp làm đập chắn sóng sẽ giảm thiểu tác động của sóng biển đến hang yến, tạo điều kiện môi trường sống ổn định, an toàn cho chim yến.
+ Làm lưới giảm áp lực sóng:
Hệ thống lưới giảm áp lực sóng có tác dụng chia nhỏ lực tác động của sóng lên hang, do đó làm giảm áp lực sóng tác động vào hang yến, bảo vệ được nơi cư trú của chim yến.
+ Xây hang trú đông cho chim yến:
Hầu hết các hang yến đều bị ảnh hưởng khi có bão xảy ra, vì vậy cần thực hiện các giải pháp để bảo vệ an toàn cho đàn chim yến khi có thiên tai xảy ra. Hang trú đông trên đảo yến là giải pháp tối ưu để bảo vệ an toàn cho quần đàn chim yến, khi có bão xảy ra chim yến sẽ vào nhà trú đông ẩn nấp khi đó chúng sẽ được bảo vệ an toàn. Qua đó cho thấy hang trú đông có vai trò vô cùng quan trọng, nó góp phần tích cực trong việc phát triển ổn định quần thể chim yến đảo.
- Kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà:
+ Chọn vị trí xây dựng nhà yến
Trước khi xây dựng nhà yến việc làm đầu tiên là chọn vị trí và khu vực tốt cho việc dựng ngôi nhà nuôi chim yến, việc lựa chọn này cần làm một cách thận trọng trước khi bắt đầu xây dựng ngôi nhà yến. Vị trí và khu vực cho nhà yến rất quan trọng, quyết định chi phí xây dựng, quản lý, tốc độ phát triển bầy đàn trong ngôi nhà yến và năng suất, chất lượng tổ yến.
+ Thiết kế nhà yến đảm bảo thông số kỹ thuật nhiệt độ và độ ẩm:
Nhiệt độ trong nhà yến là yếu tố vô cùng quan trọng cho một nhà yến, nó là một trong những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển đàn yến trong nhà, nhiệt độ trong nhà yến chịu tác động trực tiếp của nhiệt độ thời tiết môi trường bên ngoài. Khi thiết kế và xây dựng nhà yến, nhà tư vấn thiết kế thi công phải tính đến sự tác động của việc thay đổi nhiệt độ của môi trường, làm sao cho nhiệt độ trong nhà yến luôn duy trì ổn định ở mức 27 - 290C, đây là mức chuẩn cho chim yến sinh sống, làm tổ, sinh sản và phát triển.
+ Ánh sáng trong nhà yến (lux)
Ánh sáng trong nhà yến là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chim yến trong nhà khi về tổ, chúng tôi đã nghiên cứu và nhận thấy chim yến có xu hướng thích những góc tối, khi nhà mới xây dựng đưa vào hoạt động qua theo dõi cho thấy chim lần đầu tiên vào nhà thường vào chỗ góc tối, kín đáo, ấm, yếu tố này có thể điều chỉnh dễ dàng khi tiến hành thiết kế và thi công nhà yến.
+ Hướng nhà và hướng lỗ chim ra vào
Kinh nghiệm thiết kế xây dựng nhà yến, chúng tôi nhận thấy kết quả hầu hết các nhà yến có xu thế đặt hướng nhà theo hướng Đông - Tây, hoặc Nam - Bắc, điều này có thể giải thích như sau:
Việc chọn hướng nhà, hướng lỗ chim ra vào nhà yến không chỉ tránh tác động về các vật, kiến trúc, không gian xung quanh nhà yến như cây lớn, nhà liền kề mà còn giảm bức xạ nhiệt vào nhà. Do đó, nhà thiết kế phải tính đến đường bay của chim yến khi bay vào trong các phòng ở trong nhà. Điều này giải thích vì sao có những nhà cùng một vùng miền, nhưng khác hướng lỗ chim ra vào nhà yến.
+ Kích thước vòng đảo lượn trong nhà
Nhà yến thường được thiết kế thành các phòng, có phòng bay lượn cho chim chung với khu vực thông tầng, kích thước tối thiểu cho phòng lượn là 5x4 m, kích thước ô thông giữa các tầng tối thiểu là 4x4 m
Khi thiết kế vòng đảo lượn cho chim chúng ta cần chú ý sự liên hệ có tính hệ thống giữa khu vực đảo lượn bên ngoài nhà yến (nhất là ngay vị trí lỗ chim yến ra vào nhà) và vòng đảo lượn bên trong nhà ngay khi chim vào nhà (chuồng cu), đến đường di chuyển đảo lượn thông tầng, vào các phòng. Để tạo điều kiện tốt nhất thì vòng đảo lượn tại các điểm bên ngoài, bên trong lỗ ra vào, trong phòng ở của chim phải bằng nhau tối thiểu là 4x4 m
+ Hệ thống giá tổ
Đây là nơi để chim yến sinh sống và làm tổ, thông thường các giá tổ được làm bằng gỗ hoặc lam bê tông. Giá tổ được gắn trực tiếp vào trần nhà tạo thành các ô ngang để chim thấy an tâm đeo bám sinh sống và làm tổ. Các tấm giá tổ này thường có kích thước rộng từ 15 cm đến 30 cm dày từ 2 – 3 cm. Tùy vào điều kiện khí hậu từng vùng và kiểu thiết kế, xây dựng nhà yến mà người tư vấn, lắp đặt sử dụng kích thước giá tổ cho phù hợp. Cách lắp đặt giá tổ trong nhà yến là một yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của căn nhà yến, lắp theo chiều ngang tạo thành ô dài vuông góc với đường chim bay để tạo khoảng ấm tối trên giá tổ cho chim dễ đậu bám.
+ Hệ thống âm thanh
Hệ thống âm thanh chim yến để tạo tiếng kêu bầy đàn, là tín hiệu dẫn đường cho chim yến biết nơi ở của chúng và dẫn dụ chim về nhà yến. Cần lựa chọn tiếng chim yến phù hợp với từng vùng miền.
Hệ thống âm thanh là một tổ hợp bao gồm máy phát âm thanh (máy phát đầu CD, đầu phát gắn thẻ nhớ USB, thẻ nhớ MP3…), dây dẫn âm thanh, hệ thống loa (Loa nóc, loa lỗ, loa dẫn đường, loa trong phòng), bộ điều khiển âm thanh theo thời gian trong ngày, theo mùa sinh sản của chim trong năm. Âm thanh phân thành âm thanh bên ngoài nhà yến có tác dụng dẫn dụ, loa chuyên dụng nhưng phải đảm bảo đúng quy định dưới 70dB, còn bên trong nhà yến là hệ thống âm thanh hỗn hợp như là âm thanh thực của gia đình nhà yến.
Hệ thống loa bên ngoài và bên trong nhà yến + Hệ thống tạo ẩm, thông gió
Đối với các thông số kỹ thuật về nhiệt độ, độ ẩm, sự thông thoáng trong nhà yến là yêu cầu rất cần thiết nên hệ thống tạo ẩm, thông gió là công cụ hỗ trợ đắc lực, đây là cách thức điều tiết có chủ ý của chuyên gia kỹ thuật trong quá trình vận hành chăm sóc nhà yến. Để tác động điều tiết theo mong muốn của mình về nhiệt độ, độ ẩm trong nhà yến.
+ Kỹ thuật vận hành nhà yến
Vận hành nhà yến là công việc kiểm tra, theo dõi, điều chỉnh các thông số kỹ thuật quan trọng của nhà yến đảm bảo trong biên độ lý tưởng, giảm tối thiểu biến động theo thời gian, hay do môi trường tác động. Các thông số kỹ thuật cần kiểm soát là nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, âm thanh nhà yến, kỹ thuật sử dụng hóa chất tạo mùi cho nhà yến. Ngoài ra còn phải biết cách vận hành, sử dụng các thiết bị phụ trợ như: máy phát âm thanh, máy tạo ẩm, máy hút gió, máy bơm, phát điện…
Nhiều nhà yến khi nghiên cứu cho thấy, những nhà nào được chăm sóc đầy đủ, thường xuyên thì hiệu quả nhanh hơn và cao hơn. Công tác chăm sóc nhà yến nhằm đảm bảo cho các thông số kỹ thuật về môi trường sinh sống của chim luôn ổn định và đạt tiêu chuẩn như yêu cầu đặt ra thì chim ở ổn định và sinh sản làm tổ nhanh hơn. Việc chăm sóc còn phát hiện các loại thiên địch đe dọa sự sinh tồn của chim yến để có phương án xử lý kịp thời.
Giải pháp bảo vệ an toàn đàn chim yến
Những năm trở lai đây tình hình biến đổi khí hậu diễn biến rất phức tạp và có ảnh hưởng rất lớn đến nền nông nghiệp của Viêt Nam nói chung và nghề nuôi chim yến nói riêng. Nguyên nhân của vấn đề này đó là sự thay đổi về khí hậu nóng lên của toàn cầu ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của chim yến, tính đa dạng sinh học về loài của hệ côn trùng là nguồn thức ăn của chim yến. Sự suy giảm về diện tích rừng tự nhiên, sự gia tăng về quần đàn chim yến, cạnh tranh về thức ăn đã tác động đến sự di cư của quần thể chim yến.
Bên cạnh đó nạn săn bắt chim yến đang diễn ra tại một số tỉnh thành như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên và gần đây xuất hiện ở Khánh Hòa. Đây là hành động sai trái gây ảnh hưởng nguy cấp đến sự an toàn của quần thể chim yến làm suy giảm nguồn tài nguyên yến sào của các địa phương.
Tại Việt Nam Chim yến thuộc nhóm IIB Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ.
Thông tư 35-2013-TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành ngày 22/07/2013 Quy định tạm thời quản lý nuôi chim yến, bao gồm 4 chương và 9 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 6/9/2013.
Lần đầu tiên trong luật chăn nuôi 2018 của Quốc Hội tại Điều 64 quy định chính thức về hoạt động quản lý nuôi chim yến được quy định rõ ràng trong luật.
Tại Tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành quy định bảo vệ chim yến: Theo Quy định về Quản lý, bảo vệ và khai thác yến sào tại các hang, đảo yến trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ban hành kèm theo QĐ 170/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2015 của UBND Tỉnh Khánh Hòa có đề cập: “Nghiêm cấm các hành vi sau đây làm hủy hoại nguồn lợi yến sào, môi trường sinh thái nơi cư trú chim yến: Xâm phạm trái phép các đảo yến, hang yến, săn bắt chim yến…”
Tại tỉnh Phú Yên Có công văn số 3877/UBND-KT của UBND tỉnh Phú Yên ngày 13/7/2018 về việc Săn giết hại chim yến để ăn thịt và làm vật phóng sinh trong đó UBND tỉnh Phú Yên đã: “Giao Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện, thị xã, Thành Phố tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không nên săn bắt giết hại chim yến để ăn thịt và làm vật phóng sinh, vì chim yến cho chúng ta nguồn lợi quý là tổ yến có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao”.
Ngoài ra tại nhiều tỉnh thành khác như Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ cũng ban hành nhiều văn bản quy định trong hoạt động quản lý chăn nuôi chim yến.
Hiện nay, nạn săn bắt chim yến xuất hiện trong thời gian gần đây ở Khánh Hòa mở âm thanh, dăng lưới bắt chim yến bán cho các quán nhậu bình dân, các cở sở mua bán chim cảnh, chim phóng sinh. Đây là hành động sai trái, ảnh hưởng nguy cấp đến sự an toàn của chim yến. Trước tình trạng trên Công ty Yến sào Khánh Hòa đã thành lập “Đội tuần tra bảo vệ an toàn cho đàn chim yến”.
Trong quá trình tuần tra giám sát các vùng chim yến thường xuyên tập trung kiếm ăn từ TP. Cam Ranh, Huyện Cam Lâm, Huyện Khánh Vĩnh, Thị xã Ninh Hòa, Huyện Diên Khánh và nhiều địa điểm khác trong toàn tỉnh kể cả các hộ buôn bán chim cảnh. Đội tuần tra bảo vệ an toàn cho đàn chim yến đã phối hợp với Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Khánh Hòa và lực lượng Kiểm Lâm thành phố Nha Trang đã đến giải cứu hơn 200 con chim yến, thả tại Đảo Rạng Đông, tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời phối hợp với cơ quan điều tra an ninh tỉnh Khánh Hòa giải cứu 20 con chim mắt lưới và thu giữ dụng cụ bắt chim yến tại Phường Vĩnh Hải, tỉnh Khánh Hòa.
Hình ảnh nạn săn bắt mua bán chim yến tại Khánh Hòa, Nhân viên Công ty Yến sào Khánh Hòa đã mua lại ở quán chim cảnh đường Thống Nhất Nha Trang và quán chim cảnh ở cầu Dứa Nha Trang ngày 07 và 08/11/2018 Để chấm dứt tình trạng săn bắt mua bán chim yến theo kiểu tận diệt như trên Công ty Yến sào Khánh Hòa kiến nghị một số giải pháp cần thực hiện để bảo vệ an toàn đàn chim yến sau: Kiến nghị Thường trực UBND tỉnh ban hành văn bản về xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến an toàn đàn chim yến trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Thực hiện tuyên truyền trên báo chí, đài truyền hình của tỉnh, đài truyền thanh xã, phường; thị trấn kêu gọi sự góp sức của cộng đồng đấu tranh ngăn chặn các đối tượng săn bắt chim yến trái phép, bảo vệ an toàn chim yến.
Thành lập đội kiểm tra liên ngành tăng cường công tác thường xuyên kiểm tra hiện trường, các cơ sở mua bán chim cảnh, quán nhậu nhằm phát hiện, xử lý, ngăn chặn tình trạng săn bắt chim yến trái phép; Tập hợp các hộ nuôi chim yến đề ra các giải pháp bảo vệ chim yến; Phối hợp Ban Phật giáo tuyên truyền bảo vệ an toàn đàn chim yến đến với cộng đồng phật tử; UBND các xã phường thị trấn tổ chức tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ an toàn đàn chim yến cho người dân các địa phương; Thành lập hiệp hội bảo vệ an toàn đàn chim yến Việt Nam.
Chim yến là loài động vật quý, Chim yến cho tổ có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng bổi bổ sức khỏe cho con người, giúp bảo vệ mùa màng cho nhà nông, tạo công ăn việc làm cho xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho các tỉnh thành địa phương. Để chấm dứt nạn săn bắt chim yến như hiện nay cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân cùng chung tay để chấm dứt tình trạng này.
Hệ thống giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến:
(1) Giải pháp định hướng quy hoạch phát triển:
Xác định rõ định hướng phát triển ngành nghề nuôi chim yến của quốc gia, các địa phương trong toàn quốc cùng phối hợp thực hiện trên cơ sở quy hoạch chặt chẽ, tránh các hiện tượng xây dựng nhà yến theo lối tự phát, không tuân thủ quy hoạch có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành nghề chung và lợi ích của mỗi thành viên.
Ưu tiên quy hoạch phát triển nuôi chim yến đảo tại các tỉnh Nam Trung Bộ sau: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Đồng thời thực hiện quy hoạch phát triển thêm hang đảo yến mới tại các tỉnh, thành có tiềm năng phát triển nuôi chim yến đảo như sau: Đà Nẵng, Bình Thuận. Cần quy hoạch các hang đảo vùng ven biển của các tỉnh này để phát triển nghề nuôi chim yến đảo trong tương lai.
Định hướng quy hoạch nuôi chim yến tại các tỉnh, thành Nam Trung Bộ và Tây Nguyên như sau: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai, Lâm Đồng. Tiến hành quy hoạch chi tiết các tiểu vùng địa phương có điều kiện phát triển ngành nghề nuôi chim yến. Công tác khảo sát quy hoạch ngành nghề nuôi chim yến tại các địa phương phải được tiến hành do UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện đồng bộ, khẩn trương vì sự phát triển bền vững của ngành nghề yến sào và vì lợi ích chung của địa phương và cộng đồng xã hội.
(2) Giải pháp về chính sách
- Chính sách quy hoạch phát triển nuôi chim yến;
- Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nuôi chim yến;
- Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nuôi chim yến đảo, gắn với phát triển kinh tế biển và bảo vệ quốc phòng an ninh biển đảo;
- Chính sách chuyển đổi đất nông nghiệp sử dụng nuôi chim yến;
- Chính sách đào tạo nguồn nhân lực phát triển nghề nuôi chim yến;
- Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng mô hình làng nghề nuôi chim yến;
- Chính sách bảo vệ môi trường sinh thái tạo nguồn thức ăn cho chim yến;
- Chính sách vay vốn ưu đãi phát triển nghề nuôi chim yến;
- Chính sách định vị thương hiệu quốc gia đảm bảo vị thế cạnh tranh của sản phẩm yến sào Việt Nam trên thương trường thế giới;
- Chính sách tuyên truyền giáo dục nhân dân bảo vệ quần thể chim yến;
- Chính sách miễn giảm thuế trong 3 năm đầu để khuyến khích nuôi chim yến;
- Chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học phát triển quần thể chim yến và các sản phẩm gia tăng từ yến.
(3) Giải pháp về khoa học công nghệ
Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học chuyên ngành về chim yến, tập trung nghiên cứu cấu trúc quần thể chim yến của các địa phương, nghiên cứu thiết bị công nghệ sử dụng trong nhà yến, phòng trừ dịch bệnh, phòng trách địch hại chim yến, công nghệ tạo nguồn thức ăn, công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ tổ yến. Có dự báo thường xuyên và cập nhật số lượng quần thể, số lượng nhà yến, sản lượng tổ yến, nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm yến sào, để hướng dẫn người dân phát triển nuôi chim yến mang lại hiệu quả.
Thực hiện phương pháp nuôi chim yến 3 trong 1: Phương pháp ấp nở và nuôi nhân tạo chim yến chủ động nguồn giống; Phương pháp nhân đàn di đàn chim yến; Phương pháp dẫn dụ chim yến từ tự nhiên.
Khai thác và bảo vệ nguồn gen chim yến đảo quý hiếm có giá trị kinh tế cao đặc biệt làm cơ sở phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam. Áp dụng các bí quyết kỹ thuật công nghệ nhân đàn, di đàn chim yến đến các hang đảo yến mới vùng ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyển sở hữu trí tuệ về các thành quả nghiên cứu khoa học, bí quyết kỹ thuật trong ngành nghề nuôi chim yến do các đơn vị, cá nhân phát minh, sáng chế.
(4) Giải pháp về nguồn thức ăn, môi trường sinh thái nhà yến
Do nguồn thức ăn của chim yến chủ yếu là các loại côn trùng tự nhiên, do đó cần quy hoạch, phát triển vùng kiếm ăn cho chim yến. Phục hồi và phát triển diện tích trồng rừng, kết hợp trồng mới hàng năm. Tăng cường và phát triển diện tích trồng lúa, trồng trồng hoa màu kết hợp luân canh tăng vụ. Tăng cường trồng các loại cây dẫn dụ côn trùng như: cây keo dậu, cây hông, cây sung, cây ăn quả,… xung quanh nhà yến và khu vực lân cận cở sở nuôi chim yến.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà nuôi yến hiện tại các vùng phân bố chim yến, vùng kiếm ăn của chim yến, đặc biệt bản đồ phân bố chim yến. Trên cơ sở này giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách, định hướng phát triển cơ sở nuôi chim yến.
Cấm xâm nhập trái phép vào hang yến, bảo vệ môi trường, vệ sinh khử trùng xung quanh hang đảo yến.
Thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát và tổ chức quản lý quy trình kỹ thuật vệ sinh khử trùng, phòng dịch tại các cơ sở nuôi chim yến.
Thức ăn của chim yến là các loại côn trùng bay như: Rầy nâu, rầy xanh, ruồi,… do đó phát triển nuôi chim yến góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mùa màng cho người nông dân.
(5) Giải pháp bảo vệ quần đàn chim yến
Bảo vệ quần thể chim yến nhằm bảo tồn và phát triển quần thể chim yến theo công ước Cites, luật đa dạng sinh học, các nghị định của Chính phủ.
Thực hiện phòng chống địch hại cho chim yến, tránh các loài thú nhỏ ăn môi chim yến như: Chim Bồ Cắt, chim Cú Méo, Chuột, Rắn, Tắt Kè, …; chế tạo các thiết bị chuyên dụng thực hiện hữu hiệu.
Tuyên truyền nâng cao nhận thực của người dân trong việc bảo vệ quần thể chim yến có giá trị kinh tế cao.
Tổ chức nâng cao khả năng bảo vệ các nhà yến có số lượng bầy đàn lớn khỏi các nguy cơ về bệnh dịch trên đàn chim yến. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm nguồn chim yến bằng biện pháp ấp nuôi nhân tạo để tăng cường và phát triển bầy đàn.
(6) Giải pháp về tuyên truyền, giáo dục vận động trong dân
Tuyên truyền, giáo dục nhân dân ý thức bảo vệ đàn chim yến, cấm săn bắt chim yến, bảo vệ môi trường sinh thái, mọi người, mọi nhà cùng nhau bảo vệ và chăm lo cho sự phát triển đàn chim yến là nguồn lợi xuất khẩu to lớn của đất nước.
Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân bảo vệ nguồn tài nguyên chim yến đảo, bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt sự quan tâm của cộng đồng đến hệ sinh thái rừng, vùng đất ngập nước để phát triển nguồn thức ăn cho chim yến.
Đưa nội dung tài nguyên chim yến đảo vào chương trình quốc gia giáo dục bảo vệ môi trường biển đảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai trong các trường phổ thông ở các tỉnh ven biển trong cả nước. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về tài nguyên biển đảo, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của cả dân tộc.
(7) Giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Đào tạo chuyên gia kỹ thuật, lao động chuyên môn hóa trong lĩnh vực ngành nghề nuôi chim yến. Nâng cao trình độ các chuyên gia kỹ thuật, thu hút nhân tài phục vụ ngành nghề.
Tiến đến thành lập Học viện Yến sào Việt Nam là trường học kỹ thuật chính thống và chuyên sâu về ngành nghề yến sào. Xuất phát từ thế mạnh của yến sào trong nền kinh tế quốc dân, sự bổ dưỡng và có ích cho cộng đồng xã hội, những nguyên lý cho sự phát triển ngành yến sào. Học viện là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học chuyên môn hóa trong lĩnh vực yến sào.
(8) Giải pháp xây dựng nhà yến tối ưu
Nghiên cứu thiết kế xây dựng nhà nuôi chim yến phù hợp cho từng vùng miền khác nhau, nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến, đảm bảo hiệu quả đầu tư nuôi chim yến. Xây dựng mô hình thiết kế nhà yến tiêu chuẩn cho các vùng địa phương, đặc điểm thổ nhưỡng khác nhau.
Áp dụng các giải pháp kỹ thuật nuôi chim yến phù hợp cho từng vùng miền, sử dụng trang thiết bị nuôi chim yến phù hợp, tối ưu, tiết kiệm chi phí. Thực hiện 5 bước vận hành ngôi nhà yến: Dẫn dụ chim vào nhà yến, chiêu thức dụ chim ở lại nhà yến, kích thích chim làm tổ trong nhà yến, phát triển bầy đàn chim yến trong nhà yến, nâng cao năng suất sản lượng nhà yến. Chín yếu tố quyết định thành công nhà yến: Vị trí xây dựng nhà yến, thông số kỹ thuật nhiệt độ và độ ẩm trong nhà yến, ánh sáng trong nhà yến (lux), hướng nhà và hướng lỗ chim ra vào, kích thước vòng đảo lượn trong nhà, hệ thống giá tổ, hệ thống âm thanh, hệ thống tạo ẩm và thông gió, kỹ thuật vận hành nhà yến.
(9) Giải pháp quản trị nhà yến tối ưu
Sử dụng camera quan sát lắp đặt trong nhà yến, theo dõi sự phát triển và biến động trong nhà yến để thực hiện các giải pháp kỹ thuật phù hợp, đảm bảo cho sự phát triển ổn định và gia tăng nhanh bày đàn chim yến. Phát hiện kịp thời các thiên địch gây hại cho chim yến. Quản lý nhà yến từ xa, theo dõi qua internet.
Áp dụng thiết bị tự động hóa, tự động điều khiển các trang thiết bị trong nhà yến như: Máy phát âm thanh tiếng chim, máy tạo độ ẩm,…Thực hiện quy trình vận hành nhà yến đảm bảo hiệu quả tiết kiệm năng lượng.
Thực hiện đăng ký nuôi chim yến tại cơ quan chức năng theo thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 07 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn về việc quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến.
(10) Giải pháp hợp tác liên kết phát triển
Sự liên kết phát triển giữa các nhà: nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học vì sự nghiệp phát triển của nghề nuôi chim yến. Nhà nước ban hành chính sách phát huy sự liên kết 4 nhà nhằm phát huy thế mạnh liên kết quan trọng làm tiền đề thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả ngành nghề nuôi chim yến.
(11) Giải pháp vốn tín dụng ưu đãi
Vốn đầu tư cho nghề nuôi chim yến lấy tổ có thể được huy động từ các nguồn. Vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng trung hạn và dài hạn; vốn tín dụng ngắn hạn; vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư; vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Tiếp cận các nguồn vốn tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ phát triển quần thể chim yến, phát triển trồng rừng, phát triển đàn yến, vốn vay ưu đãi không lãi xuất hoặc ưu đãi lãi xuất thấp.
Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đầu tư vốn với cơ chế ưu đãi, ân hạn cho các đơn vị, cá nhân nuôi chim yến. Thực hiện chế độ hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vốn cho ngành nghề đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và đất nước.
(12) Giải pháp phối hợp quản lý ngành nghề các địa phương
Xây dựng hệ thống tổ chức quản lý nhà nước ngành nghề yến sào từ trung ương đến địa phương.
Các tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển ngành nghề nuôi chim yến xây dựng, ban hành quy hoạch các vùng nuôi chim yến đến năm 2020, tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thực hiện đăng ký nuôi chim yến tại cơ quan chức năng theo thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 07 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn về việc quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến.
Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng yến sào, quản lý chất lượng truy xuất nguồn gốc. Thực hiện và kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng nuôi chim yến.
Thực hiện phân cấp và phối hợp giữa chính quyền các cấp trong quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương thống nhất theo hệ thống. Kiểm tra, giám sát theo đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và xử phạt nghiêm theo thẩm quyền được pháp luật quy định.
Kết luận và kiến nghị:
Dọc bờ biển các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ còn có nhiều hang đảo có tiềm năng nuôi chim yến. Do đó phải triển khai áp dụng các giải pháp khoa học, thành tựu khoa học để cải tạo và phát triển các hang đảo này thành nơi nuôi chim yến. Giải quyết được các vấn đề này sẽ có ý nghĩa rất lớn cho việc phát triển kinh tế ở địa phương gắn liền với việc bảo vệ an ninh quốc phòng biển đảo.
Qua khảo sát chuyên ngành về điều kiện tự nhiên, môi trường ở các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi chim yến. Theo báo cáo đánh giá của Công ty Yến sào Khánh Hòa tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến ở các tỉnh Nam Trung Bộ là rất lớn bởi vì điều kiện tự nhiên ở đây rất thuận lợi. Hội đủ các yếu tố cho chim yến phát triển và năng suất nhà yến đạt hiệu quả cao.
Phát triển quần thể chim yến tại các tỉnh, thành phố có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và tạo nguồn thu đáng kể cho tỉnh, thành phố, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển đàn chim yến là động vật hoang dã quý hiếm có lợi cho đời sống con người. Ngoài ra, nguồn thức ăn của chim yến là côn trùng trong thiên nhiên sẽ bảo vệ mùa màng của nông dân.
Phát triển ngành nghề nuôi chim yến tại Việt Nam theo định hướng phát triển bền vững, ngành nghề đồng hành cùng sự phát triển xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Công ty Yến sào Khánh Hòa dẫn đầu cả nước về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật chuyên ngành yến sào, là đơn vị truyền thống có bề dày kinh nghiệm, đã ứng dụng thành công khoa học trong công tác quản lý, khai thác và phát triển quần thể chim yến. Công ty mong muốn là đơn vị thực hiện công tác chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật nuôi chim yến, phát triển thành một nghề mới đem lại công ăn việc làm cho người dân và tăng thu nhập, nộp ngân sách cho địa phương.
Công ty Yến sào Khánh Hòa kính đề nghị Thường trực UBND các tỉnh, thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ, các sở ban ngành của các tỉnh, thành phố, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Yến sào Khánh Hòa thực hiện công tác phát triển nghề nuôi chim yến tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhằm góp phần phát triển nghề nuôi chim yến tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững.
Bạn đang đọc bài viết PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGHỀ NUÔI CHIM YẾN TẠI NAM TRUNG BỘ VÀ TÂY NGUYÊN tại chuyên mục CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ& ĐỜI SỐNG 24H của Báo Sài Gòn Giải Phóng. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email baosggp@gmail.com, Điện thoại: (028) 3.8334185- Fax: (028) 38341062-Hotline: 0909.000.713,
Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Chủ tịch HĐTV Công ty Yến sào Khánh Hòa
Email: huuhoang@yensaokhanhoa.com.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phach Ng Quang, Voisin J.F.,Yen Vo Quang, 2002: The white nest swiftlet and the black nest swiftlet: A monograph (Chuyên khảo về chim Yến tổ trắng và chim Yến tổ đen). BoBée.Paris.France;
2. Lê Hữu Hoàng và Cộng sự, 2014. Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam, báo cáo tổng kết kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước;
3. Lê Hữu Hoàng và Cộng sự, 2013. Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và nuôi chim yến trong nhà, báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh;
4. Lê Hữu Hoàng, Đặng Thúy Bình và Cộng sự, 2012. Nghiên cứu đặc điểm di truyền phân loài chim yến tại Việt Nam (Aerodramus fuciphagus);
5. Lê Hữu Hoàng và Cộng sự, 2010. Bước đầu nghiên cứu ấp nuôi nhân tạo chim yến hàng Aerodramus fuciphagus amechanus làm cở sở khoa học cho việc phát triển đàn chim yến trong nhà ở Khánh Hòa, báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học tỉnh;
6. Lê Hữu Hoàng và cộng sự, 2007. Chiến lược liên kết phát triển ngành nghề nuôi chim yến trong nhà tại Việt Nam, Kỷ yếu Trung tâm phát triển hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội.
P.V