Hội thảo “Giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao giá trị ngành điều tỉnh Bình Phước” mới đây đã chỉ ra một số vấn đề, thực trạng của ngành điều hiện nay.
Trở ngại lớn nhất liên quan đến giống điều. Dù đã nghiên cứu và bình tuyển được một số giống điều có năng suất nhưng vẫn chưa có giống cho năng suất cao và ổn định, thích ứng với nhiều vùng sinh thái. Hiện nay, dù Bộ NN-PTNT đã ban hành các quy trình kỹ thuật, thâm canh vườn điều nhưng thực tế chưa được áp dụng đồng bộ; diện tích trồng điều còn phân tán, không tập trung, chưa tạo được vùng nguyên liệu đủ lớn để hình thành chuỗi giá trị cung ứng điều. Điệp khúc “năm được năm mất” diễn ra thường xuyên đang ảnh hưởng lớn đến khâu chế biến, xuất khẩu mặt hàng này.
Bên cạnh đó, việc quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” còn gặp nhiều khó khăn; vẫn còn tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý hạt điều, chưa xây dựng được thương hiệu “Hạt điều Bình Phước”. Việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hạt điều hiệu quả chưa cao, chưa hình thành được chuỗi giá trị ngành điều. Đặc biệt hiện nay ngành điều trong nước đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt của sản phẩm điều nhập từ nước ngoài như: Campuchia, Ấn Độ, các nước châu Phi, cũng là những thách thức.
Mặc dù là nước xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu điều thô, còn hạn chế trong chế biến sâu. Trong chuỗi giá trị điều toàn cầu, Việt Nam mới chỉ chiếm 30% giá trị còn lại thuộc về nhà phân phối, chế biến quốc tế. Các cơ sở chế biến điều chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; chưa hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với cơ sở trồng điều nên nguồn nguyên liệu chưa ổn định.
Để ngành điều phát triển bền vững trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào cải tạo giống như tiếp tục nghiên cứu, tuyển chọn để có được giống điều cho năng suất cao, ổn định, phù hợp với nhiều vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và quản lý vườn điều giống đầu dòng chất lượng cao tại các đơn vị nghiên cứu và các địa phương; tổ chức nhân giống điều ghép đạt chất lượng, cung cấp đủ cho nông hộ và trang trại trồng điều; hỗ trợ công tác khuyến nông để đẩy mạnh việc cải tạo, tái canh vườn điều, hướng sản xuất theo các tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng.