Đồng bằng sông Cửu Long có 4 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Long An có chung đường biên giới trên bộ với nước bạn Campuchia, với tổng chiều dài hơn 340km. Dọc theo tuyến biên giới có nhiều cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia và đường tiểu ngạch, hệ thống chợ và một số khu kinh tế biên mậu được đầu tư. Kinh tế biên giới có vai trò rất quan trọng đối với ĐBSCL. Nhìn từ địa kinh tế và không gian phát triển, biên giới Tây Nam là một trong 3 “cánh cửa phát triển” của ĐBSCL, cùng với các “cổng trời” - sân bay, “cửa bể” - hệ thống cảng biển.
Cánh cửa biên giới Tây Nam được kỳ vọng góp phần tạo thế chân kiềng, kết nối phần còn lại trên đất liền của ASEAN, nhất là thị trường Campuchia, Thái Lan, Lào thuộc tiểu vùng Mê Công. Những năm gần đây, hệ thống chợ biên giới và khu kinh tế cửa khẩu ở khu vực này được hình thành, có bước phát triển, hoạt động biên mậu được đẩy mạnh, góp phần tăng cường hợp tác đầu tư và giao thương giữa Việt Nam và Campuchia. Ở một số địa phương như An Giang, kinh tế biên mậu đã có đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chỉ riêng cửa khẩu Tịnh Biên, nhiều năm liền kim ngạch thương mại biên mậu luôn chiếm hơn 60% toàn tuyến biên giới Tây Nam, góp phần nâng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của tỉnh An Giang đứng hàng thứ 2/13 tỉnh thành Tây Nam bộ.
Song, các khu kinh tế cửa khẩu cũng nếm trải tình trạng “suy dinh dưỡng”. Nguyên nhân được nhận diện là hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu kết nối, nhất là kết nối giao thông, hạ tầng thương mại và kinh tế đối ngoại. Một số khu kinh tế được đầu tư “so le”, thiếu các cặp cửa khẩu song hành.
Sắp tới sẽ có những thay đổi lớn trong quản lý hoạt động thương mại biên giới khi Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23-1-2018 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung để hoạt động thương mại biên giới chuyển dần từ “tiểu ngạch” sang chính ngạch, khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu vào thời điểm thu hoạch chính vụ hoặc vào các dịp lễ, tết.
Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang cùng với Mộc Bài của Tây Ninh là 2/8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Thủ tướng lựa chọn tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước đến năm 2025. Trong tương lai, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang sẽ là nơi giao thoa giữa 2 hành lang kinh tế quan trọng là TPHCM - Đồng Tháp - An Giang - Hà Tiên, Phú Quốc (Kiên Giang) - Cần Thơ và cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng) khi hoàn thành đường cao tốc phía Tây đồng bằng Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững kinh tế biên mậu vùng Tây Nam bộ cần nhiều giải pháp tích hợp, từ quy hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ tại cửa khẩu biên giới đến hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy mạnh mẽ giao thương giữa 2 nước.
Quy hoạch và thực hiện đầu tư phát triển khu vực biên giới cần có “hệ đệm” vững chắc của tuyến dân cư với điều kiện kinh tế - xã hội được ưu tiên đầu tư tốt hơn và “biên giới mềm” được xây dựng trong môi trường hòa bình, hợp tác.
Cần xây dựng một cơ chế phối hợp năng động và hiệu quả giữa các tỉnh, thành trong vùng và tăng cường hơn nữa sự hợp tác quốc tế với nước bạn, nâng mối quan hệ hữu nghị, tin cậy, hợp tác, bền vững lâu dài lên tầm cao mới, trên cơ sở lợi ích của các bên.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị những điều kiện tiền đề để hoạt động “lâu dài và bài bản” với các bạn hàng nước bạn; chuyển sang hoạt động buôn bán chính ngạch; liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh tổng lực.