Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang càn quét nền kinh tế thế giới, DL là ngành bị ảnh hưởng trực tiếp thì việc các tỉnh, thành trong khu vực quyết tâm “xốc lại đội ngũ”, xây dựng một chương trình liên kết, kích cầu DL được xem là một bước đột phá, hướng tới phát triển bền vững ngành DL của cả khu vực.
Nhận diện các điểm yếu
So với một số địa danh DL nổi tiếng của Việt Nam như Hạ Long, Nha Trang, Sa Pa thì tiềm năng DL của các tỉnh, thành Đông Nam bộ không nổi trội hơn nhưng lại có sự đa dạng về nguồn tài nguyên như có biển đảo, lại có cả rừng với nhiều vườn quốc gia (VQG) như: Cát Tiên, Bù Gia Mập, Lò Gò - Xa Mát. Bên cạnh đó, có nhiều sông lớn và dài như Sài Gòn, Đồng Nai; có những làng nghề truyền thống đặc trưng với tuổi đời hàng trăm năm vẫn đang phát triển như nghề gốm ở Bình Dương, Đồng Nai… Đồng thời còn có nhiều địa danh lịch sử gắn liền với quá trình khẩn hoang từ thời chúa Nguyễn, cùng các di tích đã đi vào lịch sử, gắn với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc như Bà Điểm - Hóc Môn, Củ Chi, Lộc Ninh, Phước Long, hệ thống nhà tù Côn Đảo. Các tỉnh gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, kết nối với TPHCM - một địa phương mà ngành DL cũng phát triển hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên là ngành DL nhiều tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước vẫn còn rất khiêm tốn, đang chờ được “đánh thức”. Ngay cả 2 tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu với số lượng đến hàng triệu lượt du khách mỗi năm nhưng khách quốc tế đến cũng rất ít, nếu so với những tỉnh khác như Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Ninh.
Những điểm yếu này đã được các tỉnh, thành trong khu vực chỉ ra trong hội thảo “Phát triển sản phẩm liên kết, kích cầu du lịch vùng Đông Nam bộ” được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh cuối tháng 6 vừa qua. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, các điểm yếu đó là: Lượt khách DL tương đối lớn nhưng phân bổ không đồng đều, doanh thu từ DL còn thấp, chưa thu hút được thị trường khách DL cao cấp; hệ thống hạ tầng DL chưa đồng bộ, cơ sở vật chất còn thiếu (hệ thống khách sạn tiêu chuẩn từ 3-5 sao chỉ tập trung ở 2 địa phương TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu); tính liên kết trong phát triển DL, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm DL đặc thù và hoạt động xúc tiến, quảng bá còn hạn chế.
Điều dễ nhận thấy là, đến nay mỗi tỉnh đều có sản phẩm na ná nhau mà vẫn chưa có sản phẩm DL đặc thù của vùng. Ngoài yếu tố chủ quan thì hạ tầng giao thông kết nối - huyết mạch từ TPHCM đi các tỉnh và giữa các tỉnh trong khu vực với nhau (như quốc lộ 13, quốc lộ 51, quốc lộ 22 và ngay cả đường cao tốc đoạn TPHCM - Long Thành) thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc, là một trở ngại lớn cho phát triển DL ở các địa phương và cả vùng.
Liên kết hướng đến phát triển bền vững
Khu vực Đông Nam bộ từng được biết đến là khu vực năng động, sáng tạo, có tinh thần vượt khó. Lãnh đạo UBND 6 tỉnh, thành phố trong khu vực đã cùng nhau ký vào bản thỏa thuận liên kết, kích cầu phát triển du lịch. Các doanh nghiệp cũng ký kết 29 bản ghi nhớ với những chương trình, việc làm rất cụ thể.
Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty DL Sài Gòn TNHH MTV (Saigon Tourist), cho biết: “Từ hội nghị này, công ty cam kết đồng hành, hợp tác sâu rộng với các tỉnh Đông Nam bộ và luôn xác định đây là khu vực hấp dẫn”. Saigon Tourist đã vạch ra 4 nội dung hợp tác với các tỉnh về xây dựng - phát triển sản phẩm, quảng bá - tiếp thị, đào tạo nhân lực và xây dựng cơ sở vật chất khách sạn - khu thương mại, phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Trong đó, lần đầu tiên công ty sẽ đồng hành cùng các tỉnh tham gia vào hội nghị xúc tiến DL trong nước, quốc tế một cách có trọng điểm với chi phí ít nhất, như chào bán sản phẩm DL của TPHCM, các tỉnh Đông Nam bộ; phát hành ấn phẩm về DL của TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ dựa trên nền tảng chung - hỗ trợ các tỉnh Đông Nam bộ phát sóng giới thiệu sản phẩm DL trên hệ thống truyền hình cáp SCTV và hệ thống cơ sở dịch vụ của công ty. Trước mắt, Saigon Tourist xây dựng các tuyến DL mẫu, liên kết với các tỉnh, thành: TPHCM - Bình Dương - Bình Phước, TPHCM - Tây Ninh - Bình Dương và TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, có tour 2 ngày 1 đêm, đưa du khách thăm rừng cao su thời thuộc Pháp ở Dầu Tiếng, căn cứ Trung ương Cục miền Nam, VQG Lò Gò - Xa Mát; nhờ có chương trình liên kết nên dù ở khách sạn 5 sao nhưng giá tour giảm 20%-30%.
Từ ngày 10-7, TPHCM đã khai trương tuyến buýt DL đường sông từ bến Bạch Đằng đi Bình Dương - Củ Chi. Với tuyến buýt DL mới này, du khách có dịp trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên sông nước, cảnh quan cây trái của Lái Thiêu (TP Thuận An) và thị xã Bến Cát, kết hợp tìm hiểu Bảo tàng tre Phú An, được xem là lớn nhất Việt Nam hiện nay; hay tìm hiểu nghề làm gốm ở Công ty Minh Long, làng gốm Lái Thiêu, làng sơn mài Tương Bình Hiệp… Và không chỉ tham quan trên sông, du khách còn có thể trải nghiệm qua đêm ở những resort bên sông Sài Gòn, như An Lâm Retreats Saigon River, hoạt động từ năm 2012, gồm 19 căn villa gỗ, trong đó có 13 căn view sông, được chủ nhân giữ nguyên cây cối cổ thụ bao quanh, tạo nên khung cảnh thiên thiên hữu tình cho du khách.
Anh Trần Quang Hưng, Giám đốc kinh doanh của An Lâm Retreats, cho biết: “Chúng tôi muốn mang tới cho du khách trải nghiệm ở resort có kiến trúc gỗ thân thiện với môi trường, có cảnh quan thiên nhiên sông nước, dù cách không xa trung tâm TPHCM (chỉ khoảng 12km). An Lâm có hẳn tàu du lịch riêng từ bến Bạch Đằng đưa khách đến nghỉ tại resort”.