Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 696.000ha cà phê (trong đó Tây Nguyên có 639.000ha), năng suất đạt 27,7 tấn/ha, sản lượng khoảng 1.764.000 tấn. Việc sản xuất và tiêu thụ cà phê của nông dân Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng hiện đang gặp nhiều khó khăn và thiếu bền vững như quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, diện tích già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao. Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác chưa hợp lý; việc chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ; thiếu liên kết với thị trường tiêu thụ.
Để ngành cà phê phát triển bền vững, các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh tái canh, xây dựng vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến; xây dựng các tiêu chuẩn về cà phê bền vững, cà phê chứng nhận, đáp ứng nhu cầu, điều kiện kỹ thuật của người mua cũng như hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật để họ yên tâm trồng; đẩy mạnh tổ chức sản xuất cà phê, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn.
Đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị Bộ NN-PTNT giới thiệu, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước có tiềm lực đến đầu tư vùng nguyên liệu cũng như chế biến tại tỉnh; xây dựng, phát triển hệ thống logistics kết nối khu vực Bắc Tây Nguyên với các cảng Quy Nhơn, Đà Nẵng, Dung Quất, Ba Ngoài, Cát Lái nhằm khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê; hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng để nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu.