
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN-MT Đỗ Đức Duy; lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đại diện các hiệp hội ngành hàng lúa gạo, hàng trăm hộ nông dân tham gia Đề án.
Theo Bộ NN-MT, hiện có 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (trừ Bến Tre) tham gia và đăng ký tham gia sản xuất lúa theo Đề án, với tổng diện tích trên 1 triệu ha. Sau hơn 1 năm triển khai, bước đầu ghi nhận Đề án đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể: Các mô hình sản xuất theo Đề án đã giảm lượng lúa giống; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới... giúp nông dân nâng cao thu nhập thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.
Ngoài ra, qua sản xuất lúa theo Đề án, thói quen trong sản xuất lúa gạo của nông dân đã dần thay đổi theo hướng tăng giá trị, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đã chú trọng hơn đến liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi sang quy trình canh tác bền vững như: quản lý nước tưới tiên tiến, sử dụng phân bón hợp lý, xử lý rơm rạ... Quan trọng hơn, Đề án đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm trung bình 2-12 tấn CO₂ tương đương/ha/vụ.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, để Đề án mang lại hiệu quả hơn trong thời gian tới, các chủ thể liên quan trong chuỗi sản xuất (chính quyền địa phương, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp) cần có sự đồng thuận hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn, chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ nhiều hơn để nông dân, hợp tác xã được tiếp cận các gói tín dụng, phục vụ sản xuất, đầu tư trang thiết bị...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-MT Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, lúa gạo là một ngành hàng quan trọng trong nông nghiệp, là trụ cột bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định sinh kế cho hàng triệu nông dân. Đồng thời đóng vai trò chủ chốt trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gay gắt, sản xuất sạch, xanh và bền vững trở thành xu thế tất yếu, do đó việc triển khai thực hiện Đề án là một bước đi quan trọng, hướng đến chuyển đổi, đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.


Để việc triển khai Đề án được xuyên suốt, thuận lợi, mang lại hiệu quả hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN-MT Đỗ Đức Duy yêu cầu, các tỉnh thành khẩn trương phê duyệt đề án, dự án của địa phương mình kèm chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền để nông dân, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận, thực hiện dễ dàng. Đồng thời mở rộng diện tích tham gia Đề án; hình thành các chuỗi liên kết bền vững, từ khâu sản xuất đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ NN-MT cũng đề nghị các các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp và nông dân trong triển khai thực hiện Đề án. Bộ NN-MT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách; sớm phê duyệt các đề án, các dự án, các chương trình về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung từng vùng, liên vùng để hỗ trợ thực hiện Đề án.