Bước đi mới của Berlin được đánh giá là một trong những biện pháp mạnh tay nhất thế giới trong cuộc chiến chống thông điệp thù địch trên Internet. Theo luật pháp Đức, các phát ngôn bài Do Thái, cổ súy thù ghét và phân biệt đều bị coi là phạm pháp. Điều luật mới yêu cầu các công ty như Twitter và Facebook sẽ phải đối mặt với án phạt nếu không xóa bỏ các phát ngôn vi phạm luật pháp Đức trong vòng 24 giờ tính từ khi nhận được tố cáo từ phía người dùng. Đối với những thông điệp mang tính xúc phạm nhưng khó để phân loại rõ ràng, điều luật quy định các công ty có 7 ngày để gỡ bỏ sau khi nhận được tố cáo và tiến hành đánh giá những thông tin này. Điều luật mới cũng bao gồm các nội dung phi pháp khác như sản phẩm khiêu dâm trẻ em và liên quan đến khủng bố. Theo mức phạt này, các công ty cung cấp mạng xã hội có thể đối mặt với án phạt 50 triệu EUR, còn người đại diện công ty sẽ bị phạt 5 triệu EUR.
Dù nhận được sự hưởng ứng từ dư luận, song điều luật cũng vấp phải không ít phản đối. Giới chuyên gia mạng cảnh báo, quyết định của Chính phủ Đức sẽ ảnh hưởng tới quyền tự do ngôn luận trên Internet, cũng như trao cho các mạng xã hội quyền lực quá lớn khi được phép quyết định nội dung nào có thể được công bố trước công chúng. Đáp trả những chỉ trích, Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas nhấn mạnh, tự do ngôn luận cần phải ngừng lại khi chạm đến ngưỡng vi phạm pháp luật. Ông Heiko Maas cho rằng, các nhà cung cấp mạng xã hội phải chịu trách nhiệm khi các nền tảng của họ bị lạm dụng để truyền bá những tin tức giả mạo và tội ác đáng bị lên án. Nếu không có sức ép chính trị, các công ty cung cấp mạng xã hội sẽ không hoàn thành trọn vẹn các nghĩa vụ của mình, vì lẽ đó đạo luật này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Các công ty cung cấp mạng xã hội từng cam kết sẽ sàng lọc và xóa bỏ trong vòng 24 giờ các bình luận thù ghét trên mạng. Tuy nhiên, một báo cáo của Chính phủ Đức hồi tháng 4 cho thấy, họ chưa mạnh tay trên mặt trận này. Cụ thể, Twitter chỉ gỡ bỏ được 1% trong tổng số nội dung được người dùng báo cáo là vi phạm luật pháp Đức, trong khi Facebook xóa bỏ 39%. Điều luật mới được thông qua trong bối cảnh nước Đức đang phải đối mặt với sự xuất hiện ồ ạt của các thông điệp thù địch và phân biệt trên Internet, đặc biệt sau khi nước Đức đón 1 triệu người nhập cư tìm kiếm quy chế cư trú hồi năm 2015. Điều luật mới cũng được cho là sẽ hỗ trợ Chính phủ Đức trong việc đối phó với các tin tức giả nhằm mục đích tác động lên cuộc bầu cử Đức diễn ra trong tháng 9 tới.
Không chỉ riêng tại Đức, các công ty cung cấp mạng xã hội cũng đang phải đối mặt với sức ép loại bỏ bài đăng kém phù hợp, tin tức giả mạo và tuyên truyền khủng bố từ lãnh đạo các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU). EU thậm chí đã cân nhắc ban hành luật khuyến khích các nước thành viên có phản ứng đồng thuận hơn trước những thông điệp đăng tải như vậy.