Ngày 21-12-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Tân Sửu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, trong đó yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, bảo đảm nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định pháp luật.
Đổi bao nhiêu cũng có!
Nhiều năm qua, NHNN đã có chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá thấp vào lưu thông dịp tết và tiếp tục siết chặt việc đổi tiền lẻ. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân về đổi tiền lẻ vẫn rất lớn, nên trên các trang mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức vẫn thực hiện việc giao dịch đổi tiền lẻ có thu phí. Dạo một vòng trên các trang mạng xã hội thấy nhan nhản thông tin rao đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết Tân Sửu. Hàng ngàn kết quả đổi tiền lẻ, đổi tiền mới, tiền tết… hiện lên khi gõ những từ khóa này trên Google hoặc trên các mạng xã hội khác.
Các trang này quảng cáo có đầy đủ mệnh giá với nguyên xấp, niêm yết từ ngân hàng. Phí đổi tiền lẻ, tiền mới phụ thuộc vào từng mệnh giá. Các loại tiền mới mệnh giá nhỏ như 1.000 đồng, 2.000 đồng thường có mức phí cao nhất, phổ biến mức 13-15%, thậm chí có nơi đổi mức phí lên đến 20%; loại 10.000 đồng, 20.000 đồng là 6-8%; loại 50.000 đồng, 100.000 đồng có mức phí 3-5%. Khi chúng tôi thử gửi tin nhắn ngỏ ý muốn đổi tiền lẻ thì trang “đổi tiền lẻ…” phản hồi ngay với khẳng định: “Đổi bao nhiêu cũng có, chỉ cần báo số lượng và mệnh giá muốn đổi. Tụi em sẽ nhận giao hàng tận nơi tại TPHCM và các tỉnh lân cận. Giao tận nơi, kiểm hàng rồi mới trả tiền, trả phí nên không lo tiền giả. Bên em phục vụ “tận răng” và đảm bảo uy tín”.
Không chỉ công khai chào mời đổi tiền, một số trang còn thông báo sẽ giảm ngay 1% phí đổi cho những tài khoản nhấn yêu thích (like) và chia sẻ trang để nhiều người biết. Không chỉ giao dịch qua mạng, những trang web và trang mạng xã hội này cũng công khai một số địa chỉ trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), đường Phú Thọ (quận 11), đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận)… tại TPHCM, để khách hàng đến đổi trực tiếp nếu có nhu cầu.
Thực tế cho thấy, nhu cầu đổi tiền lẻ luôn nhộn nhịp mỗi dịp tết, nhưng không ít trường hợp bị lừa khi đổi tiền lẻ, đặc biệt là thực hiện giao dịch đổi tiền qua mạng. Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thận trọng khi thực hiện các giao dịch đổi tiền qua mạng xã hội hoặc trang web vì rủi ro. Người đổi không có thông tin bên cung cấp dịch vụ đổi tiền, nên dễ bị lừa bằng những chiêu trò phổ biến như: bị đổi tiền lẻ giả, cọc tiền bị thiếu hoặc các cọc tiền thật được xếp xen vào các tờ tiền giả…
Tiền lẻ vẫn đủ cho hoạt động kinh tế
Liên quan đến thực tế trên, đại diện NHNN cho biết, việc đổi tiền lẻ, tiền mới kiếm lời thu phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Hành vi này bị xử phạt theo Nghị định 88/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm trong quản lý tiền tệ và kho quỹ. Cụ thể, khoản 5 Điều 30 Nghị định 88 quy định phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng với một trong các hành vi vi phạm về đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm hành chính bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Đây là năm thứ 8 liên tiếp NHNN chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp tết. Tuy nhiên, NHNN khẳng định tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn đủ cung ứng cho hoạt động kinh tế. Việc không phát hành tiền mới in vào dịp tết giúp tiết kiệm cho ngân sách nhờ giảm chi phí in ấn, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, phân loại, kiểm đếm... Việc hạn chế in tiền lẻ mới dịp tết giúp ngân sách tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng trong các năm gần đây.
Liên quan đến việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong các hoạt động lễ, hội tín ngưỡng, UBND TPHCM vừa yêu cầu Sở TT-TT phối hợp NHNN chi nhánh TPHCM, Sở VH-TT, Sở Du lịch, Sở Công thương, UBND các quận, huyện thông tin tuyên truyền, vận động để người dân ủng hộ chủ trương của NHNN trong việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm, đúng chức năng làm phương tiện thanh toán, góp phần bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và hạn chế tiêu cực trong việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ. Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu Công an TPHCM, Cục Quản lý thị trường phối hợp NHNN chi nhánh TPHCM tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép, đặc biệt tại các khu vực có hoạt động lễ hội, tín ngưỡng đầu năm, ảnh hưởng đến việc lưu thông tiền tệ và an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
UBND TPHCM vừa có văn bản giao NHNN chi nhánh TPHCM phối hợp Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM và các ngân hàng thương mại (NHTM) có hoạt động giao dịch ATM nắm lại nhu cầu tiền mặt của các doanh nghiệp dự kiến sẽ trả lương, thưởng cho người lao động qua tài khoản ATM. Từ đó, có kế hoạch đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt của người dân tại hệ thống ATM trên địa bàn. TP cũng yêu cầu các NHTM có kế hoạch triển khai cụ thể và dự phòng tiền mặt để tiếp quỹ ATM, xử lý sự cố kỹ thuật máy để đảm bảo hệ thống ATM hoạt động thông suốt, liên tục, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu rút tiền của người dân; các NHTM chủ động làm việc với doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp thực hiện chi trả tiền lương, thưởng thông qua hình thức trả trực tiếp bằng tiền mặt hoặc tài khoản ATM nhằm giảm bớt áp lực rút tiền trên máy ATM những ngày cao điểm cuối năm. Mặt khác, phối hợp với Công an TPHCM bảo vệ an ninh trật tự tại các điểm ATM, đảm bảo an toàn cho người rút tiền. |