Một thành viên ban giám khảo cho rằng, dường như việc giá dầu trên thế giới ngày càng tăng cao, các nguồn tài nguyên năng lượng đang cạn kiệt và việc Việt Nam cũng phải nhiều lần tăng giá xăng dầu, giá điện… đã khiến cho các sinh viên ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc nghiên cứu tìm ra các nguồn năng lượng mới góp phần phát triển nền kinh tế của nước nhà.
Tối 6-1-2007, ban tổ chức Giải thưởng “Phát minh xanh Sony” đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi lần 7 tại Nhà văn hóa TP Huế (41A Hùng Vương, TP Huế).
Theo báo cáo tổng kết của ban tổ chức, với 2 chủ đề: ứng dụng công nghệ thông tin (tạo ra các sản phẩm nghe nhìn nhằm phục vụ tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường, các giải pháp CNTT trong việc kiểm soát ô nhiễm, xử lý sự cố môi trường) và các giải pháp năng lượng, nước, giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của 51 sinh viên đến từ nhiều trường đại học ở khu vực TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hà Nội.
Qua đó có 10 đề tài lọt vào vòng chung kết. Điểm đặc biệt của năm nay là các đề tài nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng rất thiết thực và có số lượng cao nhất từ trước đến nay, như: “Máy phát điện từ năng lượng sóng biển”, “Năng lượng dòng chảy trên sông”, “Trấu và giải pháp” (xử lý trấu để cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn)…
Hội đồng Giám khảo đã nghiêm túc làm việc trong ngày 5-1-2007 để chấm thi vấn đáp 10 sinh viên có đề tài vào vòng chung kết. Qua đó, hội đồng đã nhất trí với kết quả như sau: 1 giải nhất cho đề tài “Máy phát điện từ năng lượng sóng biển” của thí sinh Bùi Nguyên Vọng, sinh viên khoa điện tử Trường Đại học Cần Thơ.
Mặc dù là sinh viên ngành điện tử nhưng Bùi Nguyên Vọng đã thể hiện một kiến thức vững vàng trong ngành cơ khí chế tạo máy khi chế tạo ra chiếc máy phát điện có phần thu năng lượng sóng hoạt động trên biển nhưng lại có phần phát điện được đặt ở trên bờ, nhờ đó có thể dễ dàng bảo trì bảo dưỡng máy và giữ an toàn cho phần phát điện mà không sợ ảnh hưởng của nước biển.
Chiếc máy phát điện này lại có thể hoạt động trong nhiều điều kiện sóng biển khác nhau, dù khi thủy triều lên hay thủy triều xuống, dù hướng gió trên biển có thay đổi thì máy vẫn có khả năng tự điều chỉnh để tiếp tục hoạt động và đó cũng là điểm rất mới của đề tài này.
Tính năng hoạt động của máy đã được chứng minh qua mô hình hoạt động trên máy tính và Hội đồng giám khảo đã hoàn toàn bị thuyết phục khi Vọng đưa ra mô hình cơ khí và những bóng đèn đã bừng sáng lên khi chạy thử mô hình máy phát điện. Khả năng hoạt động hiệu quả và khả năng ứng dụng thực tiễn của đề tài này đã được chứng minh một cách cụ thể và đầy thuyết phục.
Bên cạnh giải nhất là 3 giải nhì được trao. Đầu tiên là đề tài: “Nhà quản lý xanh” của sinh viên Lê Thị Hồng Điệp đến từ Đại học Bán công Tôn Đức Thắng, TPHCM.
“Nhà quản lý xanh” là một phần mềm tra cứu về các thuật ngữ môi trường bao gồm phần giải thích về các thuật ngữ môi trường, các vấn đề về môi trường mà con người đang phải đối mặt, các quy định của pháp luật về môi trường và các công nghệ tham khảo về xử lý nước thải, chất thải rắn và khí thải. Phần mềm được biên soạn công phu, có cả phần hình vẽ minh họa và phim video về các cảnh báo môi trường.
Giải nhì thứ hai được trao cho đề tài “Vườn hoa lọc nước trên hồ B52” của sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Anh đến từ Đại học Khoa học tự nhiên (Hà Nội). Hồ B52 là một hồ nằm giữa làng hoa Ngọc Hà của Hà Nội và là hồ di tích ghi dấu ấn lịch sử của trận Điện Biên Phủ trên không với phần đuôi của chiếc B52 vẫn còn nhô lên từ dưới lòng hồ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây hồ đã bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải sinh hoạt khiến cảnh quan di tích bị xuống cấp trầm trọng. Nhóm nghiên cứu của đề tài này đã chắt lọc từ hàng chục giống hoa của làng hoa Ngọc Hà, chọn được những giống hoa có khả năng xử lý nước tốt nhất rồi trồng những cây hoa này trên một chiếc bè nổi kết từ những chai nhựa phế liệu.
Đề tài đã thành công bước đầu khi các giống hoa được lựa chọn đã cho kết quả loại bỏ chất ô nhiễm rất tốt. Đề tài “Giải pháp cấp nước sinh hoạt cho làng nước đen – Làng Trà Đình 2, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam” của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã đoạt giải nhì thứ ba.
Làng Trà Đình lâu nay nổi tiếng với nguồn nước đen do vị trí của làng nằm ở vùng trũng thấp, ô nhiễm hữu cơ từ các phía dồn về, đến mức những chiếc máy bơm ở làng này cũng không chịu nổi mà chỉ một thời gian ngắn là gỉ sét và không sử dụng được.
Với các biện pháp xử lý nước đơn giản và phù hợp với vùng nông thôn, nhóm nghiên cứu đã xử lý nước tại khu vực này đạt tiêu chuẩn của nước sinh hoạt.
Ban tổ chức còn trao 3 giải ba cho các đề tài “Thông tin an toàn hóa chất miễn phí” của sinh viên Phạm Quốc Khánh đến từ Đại học bán công Tôn Đức Thắng, đề tài “Năng lượng dòng chảy trên sông” của sinh viên Võ Quốc Tiếng đến từ Đại học Cần Thơ, đề tài “Móc bọc thời đại xanh” của sinh viên Trần Thanh Tuấn đến từ Đại học Cần Thơ và 3 giải khuyến khích cho các đề tài khác.
Phát minh xanh Sony do Công ty Sony Việt Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp tổ chức để khuyến khích sinh viên nghiên cứu các giải pháp mới bảo vệ môi trường từ quá trình học tập và áp dụng kiến thức. |
THU ANH-THANH HÙNG