Với hơn 94 năm trưởng thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam luôn giữ vững vai trò trung tâm đoàn kết của công nhân, NLĐ cả nước, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Có thể khẳng định, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã thể hiện rõ vị trí, vai trò của mình đối với giai cấp công nhân, sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước; là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và NLĐ; đại diện cho NLĐ, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Vị thế của Công đoàn Việt Nam ngày càng được nâng cao, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận.
Sau gần 40 năm đổi mới, Công đoàn Việt Nam liên tục trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Công đoàn Việt Nam đã củng cố được lòng tin của công nhân và NLĐ, tạo được vị thế, khẳng định được sức mạnh, thực sự là trung tâm tập hợp, đoàn kết công nhân, viên chức và NLĐ cả nước.
Công đoàn Việt Nam còn là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta, với quyết tâm chính trị cao, đã đạt nhiều kết quả và hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra. Các phong trào thi đua yêu nước đã được phát động rộng rãi, đặc biệt là phong trào “Thi đua lao động giỏi”, “Học tập nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xóa đói, giảm nghèo trong công nhân”… thu hút sự tham gia và khơi dậy động lực, nâng cao nhận thức và lòng tin của đoàn viên, NLĐ, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy phát triển đất nước.
Công đoàn Việt Nam từ trung ương đến cơ sở đã tập trung làm tốt vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ thông qua các hoạt động tiêu biểu như: tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và hoạt động công đoàn; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phổ biến, tư vấn pháp luật tại nơi ở và nơi làm việc của NLĐ; xây dựng thiết chế cơ sở, các mô hình chăm lo cho đoàn viên, NLĐ được phát triển, hoàn thiện, lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu ở cơ sở, từ đó tạo động lực, truyền cảm hứng để NLĐ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; đổi mới mô hình tăng trưởng, dịch chuyển cơ cấu phát triển kinh tế sẽ làm đổi mới cơ cấu lao động và mô hình công đoàn, đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức công đoàn trong vận động, tập hợp đông đảo công nhân viên chức và NLĐ, phát huy trí tuệ, sức lực cho sự nghiệp đổi mới của Đảng; phổ biến các chính sách và pháp luật của Nhà nước, thực sự đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Do đó, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của Công đoàn Việt Nam, Nhà nước cần tăng cường thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, trước mắt là tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tổ chức công đoàn và bảo vệ có hiệu quả quyền lợi kinh tế và chính trị của đội ngũ cán bộ công đoàn; đồng thời bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam.
Trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, chúng ta tin tưởng đại hội sẽ thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân với dân tộc là xây dựng đất nước Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.