Trong chặng đường 10 năm qua, TPHCM luôn xác định PCTNTC là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, thành phố chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực.
Đạt được nhiều kết quả nổi bật, tích cực
Trong công tác PCTNTC, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các kết luận chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được thành phố triển khai thực hiện khá toàn diện.
Kết quả, 10 năm qua, TPHCM đã thành lập, triển khai 18 cuộc kiểm tra, giám sát, gồm: 7 cuộc kiểm tra công tác PCTNTC, lãng phí; 7 cuộc rà soát thanh tra kinh tế - xã hội; 4 cuộc kiểm tra tiến độ thanh tra, tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế. TPHCM cũng kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch với hơn 7.400 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua đó, thành phố phát hiện 23 trường hợp vi phạm và đã kiến nghị thu hồi tài sản; xử lý kỷ luật cảnh cáo, khiển trách và rút kinh nghiệm các cá nhân có liên quan.
Đặc biệt, thành phố quan tâm đến công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. Cụ thể, qua hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã phát hiện, xử lý 35 vụ việc với 42 người, trong đó chuyển cơ quan điều tra xử lý 8 vụ việc. Công tác thanh tra của các cơ quan thành phố phát hiện và chuyển 66 vụ việc sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định. Đối với giải quyết các vụ việc, đơn thư, tin báo tố giác tội phạm có dấu hiệu tham nhũng và kiến nghị khởi tố, các cơ quan tố tụng thành phố đã khởi tố, xử lý 115 vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng bị thất thoát, chiếm đoạt phải thu hồi trong giai đoạn điều tra hơn 4.575 tỷ đồng và đã thu hồi hơn 3.714 tỷ đồng (đạt 81,2%). Trong giai đoạn truy tố, xét xử thu hồi được 125 tỷ đồng.
Dù vậy, công tác PCTNTC của thành phố vẫn còn một số tồn tại, trong đó các vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ thường bị phát hiện thời gian khá lâu sau sai phạm. Có những vụ việc phức tạp, với nhiều nhóm hành vi vi phạm cần thời gian xác minh, thu thập tài liệu liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong khi việc giám định tư pháp gặp khó khăn do kinh phí cũng như mất thời gian. Mặt khác tiến độ, kết luận giám định, định giá tài sản trong các vụ việc, vụ án còn chậm so với yêu cầu thực tiễn. Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế này là do cơ chế trưng cầu giám định, định giá tài sản để xác định hậu quả thiệt hại còn chưa đồng bộ, kịp thời…
Tập trung nơi có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực cao
Tại hội nghị tổng kết công tác PCTNTC năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của TPHCM vào ngày 29-4, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh phải xem công tác PCTNTC là nhiệm vụ đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị. Toàn hệ thống chính trị TPHCM phải nhận thức sâu sắc đây là việc thường xuyên và lâu dài. Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh công tác cải cách hành chính ở một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực cao như dự án đầu tư lớn, trọng điểm; ở lĩnh vực đất đai, thu hồi, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu, cổ phần hóa doanh nghiệp, các dự án có nguồn vốn nhà nước; quản lý tài chính, tài sản trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước.
trong phiên xử “tham ô tài sản” hàng tỷ đồng nguồn tiền thù lao, quỹ khen thưởng của SADECO. Ảnh: CHÍ THẠCH
Hàng năm, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác PCTNTC đối với các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trên địa bàn TPHCM. Trong đó chú trọng công tác kiểm tra về PCTNTC tại các cấp ủy có chức năng phòng chống tham nhũng. TPHCM xem đây là một nội dung quan trọng trong chương trình công tác PCTNTC hàng năm. Từ đó giúp công tác PCTNTC tại các cơ quan đơn vị có chuyển biến tích cực, phát huy tốt vai trò người đứng đầu trong việc triển khai giải pháp phòng ngừa, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm.
Cùng với đó, thành phố xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan đơn vị, địa phương trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực là vô cùng quan trọng, cấp thiết. Đồng thời yêu cầu, phải cam kết, gương mẫu thực hiện cũng như xác định trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại cơ quan đơn vị, địa phương do mình phụ trách. Bên cạnh đó, xác định kết quả công tác PCTNTC là tiêu chí, thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Ông NGUYỄN TÚCỦy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Làm tốt công tác “tự soi tự sửa”Có thể thấy rõ, công tác PCTNTC của chúng ta đã đạt kết quả lớn. Chính điều đó đã củng cố niềm tin của nhân dân, rằng công tác PCTNTC của Đảng, Nhà nước ta là thực sự, không phải hình thức. Mặt khác, qua các số liệu mà Ban Nội chính Trung ương và báo chí đã thông tin, thì thấy số đảng viên, cán bộ vi phạm kỷ luật về PCTNTC bị xử lý ngày càng nhiều, không chỉ có cấp ủy tỉnh mà cả ở cấp cao, Ủy viên Trung ương, thậm chí cả Ủy viên bộ Chính trị, Ban Bí thư đều bị xử lý. Hiện nay, cứ đến kỳ Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp, cán bộ và nhân dân lại chăm chú theo dõi, xem có những ai bị xử lý không. Nó thành một cái nếp, chứng tỏ công tác PCTNTC của Đảng ta đang được đẩy mạnh, đã được nhiều cấp ủy, nhiều chính quyền quan tâm hơn. Giám sát của các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội đã có nhưng chưa cao. Còn giám sát của các tầng lớp nhân dân, từ nhân dân mà phát hiện ra các vụ tham nhũng, tiêu cực cần được hoan nghênh và phát huy hơn nữa. Đó là một vấn đề cần hết sức chú ý, mà kỳ này Bộ Chính trị tổng kết 10 năm công tác PCTNTC phải bàn thảo, nhấn mạnh hơn nữa nhằm phát huy vai trò nhân dân làm chủ trong công tác PCTNTC. Điều đó cũng để thực hiện điều Bác Hồ đã căn dặn, rằng có nhân dân thì có tất cả, mất nhân dân là mất hết, khi nào khó thì hỏi dân, dân sẽ hiến kế cho. Chúng ta đều mong Bộ Chính trị quan tâm hơn nữa đến việc phát huy, động viên vai trò của nhân dân, xây dựng thành một cuộc vận động, một phong trào nhân dân tham gia PCTNTC và nhân dân tham gia giám sát các cơ quan quyền lực nhà nước cũng như giám sát cán bộ, công nhân viên chức, như dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được xây dựng. TS NGUYỄN SĨ DŨNG Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Trưởng Ban Chỉ đạo phải liêm chính, trong sạch Hiện nay, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã thành lập các Ban Chỉ đạo PCTNTC và tới đây, TPHCM sẽ chính thức thành lập Ban Chỉ đạo. Đây là sự bổ sung lực lượng hùng hậu cho công tác PCTNTC thời gian tới. Việc này sẽ giúp công cuộc PCTNTC ở địa phương có được những chuyển biến, đột phá mới. Đồng thời, vai trò, trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo là các Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy là rất lớn. Điều này đòi hỏi Trưởng Ban Chỉ đạo cần có nhãn quan chính trị, sự hiểu biết về lĩnh vực tư pháp và sự cảm nhận sâu sắc về công lý. Cụ thể, định hướng, sự chính xác, khách quan và hiệu quả của công tác PCTNTC ở địa phương rõ ràng sẽ phụ thuộc vào cái tâm và tầm của trưởng ban. Ngoài ra, để làm trưởng ban cấp tỉnh, phẩm chất quan trọng nhất phải là liêm chính, trong sạch. Cùng với đó, sự kiểm soát của Trung ương là vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải có cơ chế kiểm soát quyền lực để phát huy hiệu quả tốt nhất trong PCTNTC ở địa phương. |