Ngày 9-6, Sở KH-CN TPHCM tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thành phố”. Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, tham dự hội thảo, cùng nhiều đại biểu là nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp KH-CN…
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu: “Hội thảo hôm nay hết sức thiết thực, góp phần làm rõ thêm về khái niệm, quan điểm, các mục tiêu, nhiệm vụ để khẳng định KH-CN là lĩnh vực không thể thiếu trong quá trình phát triển của TPHCM trong giai đoạn tới”.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG |
Chia sẻ tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồ Hải cho biết: Hoạt động KH-CN của TPHCM giai đoạn 2012-2021 đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn tăng và ở mức cao trong giai đoạn 2011-2020, đạt trung bình 35,62%, trong đó đóng góp của KH-CN vào tăng trưởng TFP là 74%.
Trong thời gian tới, TPHCM tiếp tục phấn đấu giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, TPHCM tập trung phát huy vai trò của KH-CN trong việc phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố giai đoạn 2021-2025…
Các đại biểu dự hội thảo |
Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng cho rằng, để KH-CN thực sự trở thành động lực, nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải khắc phục những khó khăn, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về KH-CN với pháp luật liên quan; cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ KH-CN đầu ngành; cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của thành phố… và do đó rất mong các nhà khoa học, doanh nghiệp đóng góp cho hội thảo.
Các ý kiến đóng góp tại hội thảo hết sức sôi nổi. PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài, ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng: TPHCM cần kiến tạo hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi và phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện hữu theo tiếp cận hiệu quả; Đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số và kinh tế số; Từng bước tái cấu trúc các khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp có vị trí gần trung tâm theo hướng khu công nghiệp sinh thái và các khu công nghiệp hiện hữu phải được bổ sung các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo… và có lộ trình chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh, từng bước hình thành mạng lưới cộng sinh công nghiệp theo cơ chế tuần hoàn.
TS. Bùi Thanh Luân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG |
Qua các dẫn chứng và thực tế hoạt động của doanh nghiệp, TS. Bùi Thanh Luân, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát, Giảng viên Trường ĐH Bách Khoa cho rằng, KH-CN của chúng ta phát triển theo đà của thế giới nhưng tốc độ rất chậm, các công ty còn làm việc riêng lẻ manh mún; các chính sách của nhà nước cũng chưa thật sự rõ nét.
“Thực tế từ hoạt động của chúng tôi, thấy những hỗ trợ về thuế hiện nay với doanh nghiệp KH-CN như “mỡ bôi trụ điện”. Vốn vay rất khó, ngân hàng luôn đòi hỏi tài sản thế chấp. Đã bán nhà đầu tư vào KH-CN thì lấy đâu ra mà thuế chấp…”, TS. Bùi Thanh Luân phát biểu.
“Chính sách thuế nhập khẩu chưa hợp lý cho các doanh nghiệp KH-CN, dẫn chứng là nhập linh kiện thiết bị nghiên cứu thì thuế cao trong khi nhập nguyên máy thì thuế 0%. Các doanh nghiệp KH-CN ở TPHCM làm vì đam mê, chứ làm vì tiền thì bỏ lâu rồi”, TS. Bùi Thanh Luân bức xúc.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận các giải pháp xây dựng, hình thành và phát triển các trung tâm xuất sắc, nhằm tập trung nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao để cùng triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu; Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án KH-CN có tầm vóc, thu hút sự tham gia của cả khu vực công và tư để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố…
Có đại biểu cho rằng, phát huy vai trò của KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố cần có chương trình thể hiện rõ vai trò của cá nhân vì nhìn qua các hoạt động chỉ thấy sự hợp tác của nhà nước, các tổ chức, đơn vị nhà nước… còn cá nhân thì không hề thấy bóng dáng.
Tiến sĩ Võ Văn Khang phát biểu. Ảnh: T.BA |
Muốn có doanh nghiệp KH-CN thì phải hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có KH-CN, tức là phải nuôi dưỡng doanh nghiệp ngay từ đầu để hướng doanh nghiệp ấy thành doanh nghiệp KH-CN hiệu quả trong quá trình phát triển hay xã hội hóa hoạt động KH-CN… là những ý kiến đáng chú ý tại hội thảo.
TS Võ Văn Khang, Chi hội An toàn thông tin phía Nam đóng góp cho hội thảo: Nhà nước nên đặt hàng doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao vì ở lĩnh vực này, doanh nghiệp tư nhân luôn có những sản phẩm tốt, cơ chế linh động.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG |
“TPHCM có nguồn tài nguyên lớn, là số lượng nhà khoa học, số lượng doanh nghiệp… nên trách nhiệm của chúng ta là làm cho nguồn tài nguyên này phát triển để đáp ứng mong muốn, kỳ vọng đưa KH-CN thành mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội thành phố”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.
“Thành phố luôn trân trọng, ghi nhận sự cống hiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức; các công trình, kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đưa các thành quả nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống; Các đề xuất, hiến kế cho lãnh đạo thành phố trong xây dựng, hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển của thành phố”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải khẳng định.