Ngày 18-2, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM tổ chức chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ đảng viên công nhân - cán bộ công đoàn tiêu biểu.
Dự chương trình gặp gỡ có các đồng chí: Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Khắc Thái, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM và 300 đảng viên công nhân, cán bộ công đoàn tiêu biểu.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh đánh giá, LĐLĐ TPHCM là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc trong nhiều năm. Hoạt động công đoàn của TPHCM có nhiều sáng kiến, điểm mới để Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu, nhân rộng ra toàn quốc.
Năm 2024, hoạt động công đoàn của thành phố có nhiều nét tiêu biểu; có nhiều hoạt động mới, tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước; hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Đồng chí đề nghị thời gian tới, các tổ chức công đoàn thành phố thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện của người lao động; lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư của đoàn viên, người lao động để tổng hợp và đối thoại với người sử dụng lao động.

Đồng chí cũng mong muốn các đảng viên công nhân sẽ luôn tiên phong đi đầu trong nâng cao tay nghề, có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp và bản thân.
Những hạt nhân nòng cốt
Tại chương trình, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh, năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng bộ, sự điều hành quyết liệt của chính quyền thành phố, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của tổ chức công đoàn, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia rất tích cực, nâng các chỉ số của từng lĩnh vực kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn so với năm trước.

Điểm lại một số điểm sáng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố, đồng chí khẳng định thành quả chung của thành phố có sự đóng góp quan trọng của hệ thống công đoàn thành phố và phong trào thi đua yêu nước của giai cấp công nhân, viên chức, người lao động thành phố; của đội ngũ cán bộ công đoàn, công nhân lao động của cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng chí cũng biểu dương 300 đảng viên công nhân, cán bộ công đoàn tiêu biểu, xuất sắc có mặt tại chương trình. Đây là những người gương mẫu đi đầu trong sản xuất kinh doanh, những hạt nhân nòng cốt trong xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức công đoàn vững mạnh, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng môi trường làm việc ổn định, hài hòa, tiến bộ, giữ cầu nối quan trọng, mật thiết giữa Đảng và chính quyền các cấp với đội ngũ công nhân lao động và đoàn viên công đoàn.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đề cập đến mục tiêu phát triển của TPHCM thông qua Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TPHCM cùng các sự kiện chính trị quan trọng của cả nước và TPHCM trong năm 2025.
Theo đồng chí, năm 2025, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng trên hai con số; kinh tế số dự kiến đóng góp trên 25%; GRDP và GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD; tốc độ năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 87 %; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%...
Để đạt được mục tiêu đó, đồng chí lưu ý các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để công đoàn triển khai nhiệm vụ chính trị, đảm bảo phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác tham mưu; đồng bộ việc chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn đọng của công đoàn với khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Giúp đỡ kịp thời người lao động
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc cũng lưu ý, các hoạt động thi đua công đoàn phải thực sự hữu ích đối với người lao động; chia sẻ, truyền được động lực trong khởi nghiệp sáng tạo, trong thi đua, nâng cao tay nghề, trong làm chủ khoa học công nghệ, trong tăng năng suất lao động và nâng cao ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp của người lao động.
Cán bộ công đoàn cũng cần phải tham gia giám sát, phản biện những vấn đề có liên quan đến pháp luật về lao động, đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, đến việc vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật…
Sắp tới, với định hướng cơ cấu kinh tế với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, theo đồng chí Nguyễn Phước Lộc, dự báo nguồn nhân lực, nhân sự sẽ có nhiều thay đổi. Các ngành nghề sản xuất đòi hỏi lực lượng lao động phải có trình độ kỹ năng, tay nghề cao hơn. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động của công đoàn và phong trào công nhân lao động của thành phố.
Do đó, LĐLĐ TPHCM nghiên cứu, có những phương thức, giải pháp phù hợp với đặc điểm thực tiễn phát triển sản xuất của từng địa phương, đơn vị, từng loại hình doanh nghiệp trong giai đoạn mới. Công đoàn thành phố cũng cần thường xuyên phối hợp đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho đoàn viên công đoàn, cho người lao động để trụ vững trong thị trường lao động. Ở đó, công đoàn thành phố phải giúp đỡ kịp thời người lao động bị rủi ro bởi mặt trái của kinh tế thị trường.

Song song với quan tâm nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; nghiên cứu chương trình phúc lợi cho đoàn viên gắn với chương trình an sinh xã hội của thành phố, phúc lợi xã hội của công đoàn để cụ thể hóa việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, nhất là lao động nữ.
Mặt khác, quan tâm, đề xuất với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn phối hợp để kết nạp những đảng viên thật sự tiêu biểu về lao động, vững về nghiệp vụ, giỏi về lao động sản xuất kinh doanh gắn liền với phát triển tổ chức công đoàn. Phát triển đoàn viên công đoàn, phát triển đảng viên từ nguồn công đoàn phải tương xứng với sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM, liên thông thực hiện dân chủ ở trong doanh nghiệp và tại cơ sở.
“Các đồng chí quan tâm nhiều hơn nữa, chu đáo hơn nữa, toàn diện hơn nữa ở vai trò LĐLĐ Thành phố trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, sáng tạo, linh hoạt, gắn bó mật thiết với công nhân, người lao động; có tri thức và kỹ năng để hội nhập sâu, vận động được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, tri thức và kỹ năng để quyết định thành công của tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới”, đồng chí NGUYỄN PHƯỚC LỘC nhấn mạnh.