LTS: TPHCM có truyền thống năng động, sáng tạo. Sự năng động, sáng tạo không ngừng của TP trong suốt hành trình đổi mới sau này đã khai sinh ra hàng loạt mô hình mới để phát triển, thúc đẩy sự đi lên về mọi mặt kinh tế - xã hội. Trong điều kiện hiện nay, việc khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo đang được Thành ủy TPHCM đặt ra để phát triển TP. Vấn đề là sáng tạo như thế nào để có hiệu quả, sáng tạo trên nền tảng nào và phát huy sáng tạo ra sao? Từ hôm nay, Báo SGGP mở diễn đàn “Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM”. Báo SGGP trân trọng mời gọi và mong nhận được các ý kiến, hiến kế, trao đổi, gợi mở của bạn đọc về chủ đề này. Các bài viết, ý kiến sẽ được chọn lọc, đăng tải vào thứ năm hàng tuần trên Báo SGGP.
Mở đầu diễn đàn, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
TS Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ: Khi phát động một phong trào, một xu hướng, điều quan trọng hơn những thông điệp chính là biện pháp thực hiện. TP từng phát động rất nhiều phong trào đình đám, những cuộc “ra quân” đông đảo rầm rộ, nhiều băng rôn, khẩu hiệu... Tuy nhiên, hiệu quả nhìn chung không tương xứng với mục tiêu và khẩu hiệu, thậm chí còn lãng phí nhiều cho hình thức. Từ đó cho thấy: muốn phát huy sự sáng tạo của 10 triệu dân TP mà nếu chỉ dừng ở “kêu gọi”, hay “thông điệp”, thì ý nghĩa thực tiễn và tính khả thi đều hạn chế.
Sáng kiến, sáng tạo của từng cá nhân có hay không tùy thuộc vào năng lực riêng của từng người. Còn muốn tạo thành “phong trào phát huy sáng kiến” thì phải có những yếu tố cơ bản như: có mục đích tốt đẹp; có sự lãnh đạo, tổ chức khoa học và định hướng cụ thể cho những đối tượng khác nhau; mang lại lợi ích (trước mắt hoặc lâu dài) cho cộng đồng và cho từng người; tạo ra động lực tham gia cho nhiều người. Động lực ấy bao gồm lợi ích vật chất và khơi dậy nhiệt tình từ tinh thần trách nhiệm với cộng đồng... Sáng tạo của từng cá nhân như những hạt bụi vàng trong cát. Nếu không có một “công nghệ đãi cát tìm vàng” thì cục vàng đó - dưới dạng bụi vàng - vẫn theo cát trôi đi.
* PHÓNG VIÊN: Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về “công nghệ đãi cát tìm vàng”, công nghệ khai thác tài năng, sức sáng tạo?
- Ông NGUYỄN HỮU NGUYÊN: Đó chính là giáo dục đào tạo và quan điểm sử dụng con người. Trong đó, giáo dục đào tạo là công đoạn “làm giàu hàm lượng vàng”, còn quan điểm sử dụng con người là “công nghệ sàng lọc”. Có lấy được nhiều vàng để đúc thành khối lớn hay nhỏ tùy thuộc vào trình độ của “công nghệ” này.
Sự sáng tạo, hay những sáng kiến của từng cá nhân - nếu chưa đến mức là phát minh - thì có thể đem lại lợi ích cho cá nhân hoặc cho một nhóm nhỏ. Trên thực tế đời sống hàng ngày của người dân, có thể người dân chưa cần biết có “thông điệp” khơi dậy truyền thống năng động sáng tạo thì mỗi người đã luôn nghĩ ra cách nào làm tốt hơn cho công việc mưu sinh của mình. Tức là đa số người dân TP luôn sáng tạo. Nhưng sự sáng tạo có tầm ảnh hưởng và tác động phát triển của TP lại là vấn đề khác. Nó không phải là phép tính cộng số lượng các sáng kiến của từng người, mà quan trọng hơn là khả năng “tích hợp” từng loại sáng tạo để thúc đẩy từng mặt phát triển của TP. Nếu hình dung mỗi sáng kiến tạo ra một lực đẩy thì phải “tổng hợp” được các lực ấy mới tạo ra lực lớn.
Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói một câu rất hài hước: Nước ta có rất nhiều thế mạnh, nhưng mạnh nhất là “mạnh ai nấy làm”. Đó chính là sự phân tán lực. Nhiều người làm nhưng hiệu quả thấp. Nói đến sáng tạo là nói về tài năng, song tài năng không nhiều như cát đá, mà hiếm hoi như những hạt vàng ẩn mình trong cát đá. Do đó muốn tích hợp được tài năng - cũng khó như khai thác vàng. Nếu hàm lượng vàng cao nhưng công nghệ đãi vàng lại thấp thì sẽ lãng phí vì rất nhiều hạt vàng bị trôi theo dòng nước. Đối với tài năng và chất xám cũng tương tự.
* Theo ông, đâu là thước đo của sự sáng tạo?
- Đối với cá nhân, thước đo của sự sáng tạo là đem lại lợi ích chân chính và lớn hơn về vật chất và tinh thần cho cá nhân và cộng đồng... Nhưng cũng có loại “sáng kiến” đem lại lợi ích bất chính và tất nhiên chúng ta không cổ vũ điều đó. Đối với TP lớn, thước đo của sự sáng tạo là tốc độ phát triển bền vững hơn, nhanh hơn, bao gồm cả tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, đảm bảo an toàn xã hội... Nghĩa là chất lượng sống được nâng lên. Trong tất cả mọi lĩnh vực, hiệu quả là tiêu chuẩn, là thước đo của sự sáng tạo.
* Trong việc khuyến khích các tầng lớp nhân dân sáng tạo, vai trò của người đứng đầu và môi trường cho sự sáng tạo có ý nghĩa như thế nào?
- Sáng tạo không đồng nghĩa lúc nào hay ngay lập tức cũng có kết quả ngay. Nếu công chức, viên chức, nhân viên, người lao động có sáng tạo và có thể chưa có kết quả, thì người đứng đầu nên tranh luận, trao đổi, góp nghiệp vụ với đồng nghiệp, với cấp dưới. Còn thấy người ta chưa có kết quả lại nói “dẹp, dẹp”, chê bai rằng sáng tạo cái gì; hay ác ý vùi dập từ trong trứng nước các sáng kiến, bởi sự ghen ghét, đố kỵ, triệt hạ người sáng hơn mình thì sẽ làm thui chột ngay tính sáng tạo mới hé mở của mọi người. Cái mới sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn trong môi trường được ủng hộ, không bị phán xét vội vàng.
* Đâu là những trở lực cho sự sáng tạo, thậm chí triệt tiêu sự sáng tạo, mà chúng ta cần nhận diện, thưa ông?
- Sự sáng tạo, sáng kiến luôn xuất phát mang dấu ấn cá nhân. Hầu như rất hiếm có sự sáng tạo tập thể. Những sáng kiến được nảy sinh trong tư duy của não bộ con người, do đó, điều kiện tiên quyết của sáng tạo là khả năng tư duy độc lập và phải được biểu hiện ra bên ngoài mới có thể biến thành hiện thực. Nhìn chung, so với thế giới, con người Việt Nam có hệ số thông minh (IQ) khá cao - tức là không thiếu ý tưởng, nhưng điều kiện và động lực để thể hiện lại rất hạn chế.
Lối giáo dục áp đặt làm cho con người ngay từ tuổi học trò đã không dám nói gì ngoài sách giáo khoa và lời thầy cô. Đến khi trưởng thành, thói quen ấy bám theo nên rất nhiều người không dám nói điều gì khác cấp trên... Tư duy phản biện kém. Chính điều đó đã hạn chế rất nhiều khả năng bộc lộ những hạt vàng trong cát. Điều đó không chỉ đối với tâm lý cá nhân mà còn hình thành như một “cơ chế” đã vận hành từ lâu, đến mức dường như không nhận ra hệ quả của nó là kìm hãm sự sáng tạo của số đông.
Đơn cử, là việc “đăng ký chiến sĩ thi đua” ở trường học. Tôi đã từng nghe thấy một số thầy cô giáo nói với nhau: “Hiệu trưởng đã đăng ký chiến sĩ thi đua năm nay thì mình có phấn đấu đến mấy cũng chẳng được”. Chỉ đơn giản như thế là đã triệt tiêu động lực sáng tạo của số đông. Và khi “dồn” cho một người, thì chính người đó cũng có thể không sáng tạo được vì phải chịu áp lực quá lớn. Ở các cơ quan nhà nước cũng tương tự, gần như đã trở thành luật bất thành văn là “khen thưởng lãnh đạo là chính”.
Nói cách khác, cơ chế đăng ký thi đua và khen thưởng là một bộ phận của “công nghệ khai khoáng” đã bỏ phí rất nhiều hạt vàng và từ đó sinh ra nghịch lý: đáng lẽ người đứng đầu phải là người động viên mọi người hăng hái sáng tạo, nhưng vì đã phải “chiếm chỗ” thi đua và khen thưởng nên triệt tiêu động lực sáng tạo của số đông. Vì thế, để khuyến khích sáng tạo, trước hết cần tránh… triệt tiêu động lực sáng tạo.
TS NGUYỄN VĂN NHỨT, Học viện Cán bộ TPHCM: Đẩy mạnh phân cấp Trong điều kiện hiện nay, việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo là yêu cầu không thể trì hoãn. Thông qua phân cấp cũng đồng thời thúc đẩy tính độc lập, chịu trách nhiệm trong quá trình ra quyết định và tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương các cấp. Trong cơ chế này cũng cần lưu ý đến việc tăng cường phân cấp cho chính quyền cơ sở để phát huy hơn nữa vai trò tự quản của các tổ chức, cộng đồng dân cư ở cơ sở. Bởi lẽ, chính quyền xã - phường - thị trấn là cấp cơ sở, gần dân nhất, nơi dân trực tiếp, trước tiên đến để giải quyết thủ tục hành chính như chứng thực, đăng ký hộ tịch. Cấp phường - xã cũng là nơi có nhiều vấn đề được giải quyết thông qua cộng đồng… Vì vậy, cần phải phân cấp nhiều hơn theo hướng bảo đảm quyền tự quản địa phương cho chính quyền cơ sở liên quan đến các vấn đề của cộng đồng dân cư thuộc thẩm quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm của HĐND xã - phường - thị trấn. TS HUỲNH THANH ĐIỀN, Thành viên Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2018:Tôn trọng sự khác biệt Lãnh đạo có vai trò rất quan trọng trong việc tạo luồng sinh khí cho sự sáng tạo. Lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp cần biết lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt để mọi người mạnh dạn bày tỏ sáng kiến của mình. Đối với các lĩnh vực quản lý xã hội, cần xác định gốc rễ của các vấn đề cần giải quyết để xin ý kiến, giải pháp của người dân. Tránh việc tối ngày chạy theo giải quyết sự vụ mà thiếu tầm nhìn tổng thể về căn cơ của các vấn đề phát sinh, nhất là các vấn đề cấp bách như ngập nước, kẹt xe, tệ nạn xã hội, thủ tục hành chính… Cần đặt vấn đề cho đúng trọng tâm, gốc rễ sâu xa chung của các tồn tại, để huy động sáng kiến giải quyết từ người dân. KIỀU PHONG - MẠNH HÒA (ghi) |
Bạn đọc có thể gửi các ý kiến tâm huyết của mình về việc phát huy sáng tạo phát triển TPHCM tới địa chỉ:Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM; email: duongloan@sggp.org.vn hoặc điện thoại 0903.782529. |