Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và một số tổ chức quốc tế cùng ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Đây là động thái mới nhằm khai thác nguồn lực từ CDĐL, gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản trên thị trường.
Khai thác chưa tốt lợi thế CDĐL
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến tháng 3-2018, Việt Nam đã bảo hộ 66 CDĐL với khoảng 1.000 sản vật, trong đó có 60 CDĐL của Việt Nam và 6 CDĐL của nước ngoài.
Về cơ cấu sản phẩm được bảo hộ CDĐL của Việt Nam, có khoảng 50% sản phẩm là trái cây, 20% sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp như quế, hoa hồi, chè (trà)... Còn lại là sản phẩm thủy sản, gạo và một số thực phẩm khác. Bên cạnh việc bảo hộ CDĐL, Việt Nam còn sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể để đăng ký cho đặc sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm chưa đủ điều kiện để xây dựng CDĐL.
Đáng ghi nhận, hầu hết mặt hàng được bảo hộ đều có giá trị gia tăng cao hơn, thể hiện qua giá bán tốt hơn so với trước đó. Mỗi một CDĐL sau khi được nhà nước bảo hộ, về cơ bản, các địa phương sẽ tổ chức quản lý trên cơ sở các chính sách và quy định theo từng sản phẩm, đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng và các quy định liên quan đến bao bì, nhãn mác, sử dụng…
Sản xuất nước mắm tại Phú Quốc. Ảnh: CAO THĂNG
Bà Delphine Maria Vivian, Trung tâm Hợp tác quốc tế nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển - CIRAD (Pháp) nhìn nhận, việc thực hiện CDĐL chắc chắn sẽ mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất, giúp doanh nghiệp và địa phương chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; từ đó, tạo quảng bá sản phẩm địa phương, thu hút khách du lịch. Với cách làm này sẽ giúp bảo vệ, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống ở địa phương.
Tuy nhiên, có một thực tế tại Việt Nam, CDĐL chưa được sử dụng nhiều nên khai thác không hiệu quả trong thương mại. Hiện vẫn chưa có sự hợp tác, kết nối giữa cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Theo bà Delphine Maria Vivian, có đến 50% CDĐL của nông sản Việt Nam không có người quản lý, khai thác. Chẳng hạn, CDĐL quế Hưng Yên hay trà Mộc Châu được giao cho các hiệp hội quản lý nhưng không hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều nhà sản xuất tại địa phương được bảo hộ nhưng không sử dụng logo CDĐL vì không biết mình có quyền.
Cùng quan điểm này, PGS-TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, sản phẩm có CDĐL giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhưng các chỉ dẫn của Việt Nam chưa được đánh giá đầy đủ về hiệu quả. Nếu các tỉnh đăng ký CDĐL xong, giao cho từng địa phương trong tỉnh nhưng lại để đó, không đầu tư, khai thác thì CDĐL gần như không có giá trị.
Tăng cường cơ chế phối hợp
Trước tình trạng trên, ngày 8-8 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và một số tổ chức quốc tế cùng ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý CDĐL. Quy chế được đưa ra để bảo đảm sự phối hợp thống nhất, hiệu quả giữa các bộ trong công tác xây dựng và quản lý CDĐL của Việt Nam; góp phần tích cực quản lý nhà nước CDĐL hiệu quả về kinh tế - xã hội của bảo hộ CDĐL, nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang CDĐL. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của hoạt động liên kết để phát triển sản phẩm chủ lực của các tỉnh, vùng; góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các tuyên bố chung của Việt Nam với các nước liên quan đến CDĐL.
Nội dung phối hợp giữa các bộ gồm: Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến CDĐL; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ khác có liên quan đến CDĐL; phối hợp phát hiện, ngăn chặn, kiểm soát và xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với CDĐL trên thị trường; phối hợp hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ và quản lý CDĐL; thành lập hội đồng tư vấn CDĐL nhằm tư vấn cho bộ trưởng 3 bộ và các cơ quan liên quan về xây dựng và quản lý CDĐL ở Việt Nam.
Quy chế phối hợp giữa 3 bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để các bộ phối hợp, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ các CDĐL phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của sản phẩm được bảo hộ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế. Đặc biệt, sự phối hợp giữa 3 bộ sẽ phát huy được ưu thế về năng lực chuyên môn, nguồn lực con người và tài chính của từng bộ; đồng thời, tạo ra sự thống nhất, bổ trợ lẫn nhau trong các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL và cũng là cơ sở để các địa phương xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành của địa phương mình trong xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL.
Để khai thác hiệu quả tốt nhất từ CDĐL, trước hết cần nâng cao nhận thức cho người dân, người trồng trọt, đơn vị sản xuất, kinh doanh về lợi ích, tầm quan trọng của CDĐL, bên cạnh việc quản lý vùng trồng, sản xuất sản phẩm hợp lý. Theo đó, các địa phương nên chú trọng việc đăng ký CDĐL cho các sản phẩm đã qua chế biến cũng như việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đưa ra thị trường.
Theo ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì vấn đề sở hữu trí tuệ, CDĐL là vấn đề gai góc, khó khăn nhất trong quá trình đàm phán. Để thị trường trong và ngoài nước biết đến nông sản Việt Nam, tăng giá trị cho sản phẩm, việc xây dựng thương hiệu, CDĐL đã ngày càng trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, CDĐL đã trở thành dấu hiệu quen thuộc cho người tiêu dùng, thị trường trong và ngoài nước. Hiện Cục Sở hữu trí tuệ đang phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm cách đăng ký CDĐL ở một số thị trường quan trọng cho nông sản của Việt Nam.