Phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực từ kiều hối

Năm 2023, lượng kiều hối chuyển về TPHCM đạt gần 9,5 tỷ USD - mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kiều hối chuyển về TPHCM tiếp tục tăng mạnh, đạt gần 2,5 tỷ USD - tăng gần 55% so với cả năm 2023, tiếp tục duy trì tỷ trọng cao so với tổng lượng kiều hối của cả nước ở mức trên 50%.

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cũng đã thông qua Đề án về chính sách kiều hối trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030 nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực từ kiều hối.

Đề án được thông qua với tinh thần không can thiệp bằng biện pháp hành chính vào việc chuyển và nhận kiều hối, mà chủ yếu định hướng nguồn lực này vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Theo đó, TPHCM định hướng phát triển hình thức đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các quỹ sản xuất như quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa, quỹ đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài…

Qua đó, tạo cơ hội cho cá nhân, tổ chức nhận kiều hối có thêm lựa chọn tham gia đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng như trường học, bệnh viện, công trình thể dục thể thao, trung tâm hội chợ, triển lãm… thông qua việc đề xuất phát hành trái phiếu TP.

Theo văn bản kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương ban hành Đề án chính sách kiều hối trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030 do đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy ký, Ban Thường vụ Thành ủy cơ bản thống nhất chủ trương theo nội dung đề xuất tại Tờ trình số 502-TTr/BCSĐ ngày 21-5-2024 của Ban cán sự đảng UBND TPHCM và Tờ trình thẩm định số 2456-TTr/VPTU ngày 19-6-2024 của Văn phòng Thành ủy.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ đạo thực hiện một số nội dung. Cụ thể, nghiên cứu, xem xét điều chỉnh tên gọi của Đề án. Có thể nghiên cứu, xem xét, lựa chọn là Đề án "Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM từ nay đến năm 2030" để phù hợp với mục tiêu chung, chủ yếu của chính sách kiều hối quốc gia, chú trọng phát huy hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế, tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

Bổ sung, cụ thể thêm các nhiệm vụ trong giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong Đề án; qua đó, tạo ra cơ chế rõ ràng, minh bạch, không để lãng phí trong quá trình điều phối, quản lý, sử dụng nguồn lực kiều hối về thành phố.

Bảo đảm các nhiệm vụ phải nhất quán với yêu cầu của Đề án là không can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào việc chuyển và nhận tiền kiều hối. Không nhất thiết đề ra chỉ tiêu mức tăng trưởng kiều hối như Đề án nêu là từ 7%-10%/năm, nhằm tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hơn để làm phong phú, đa dạng nguồn kiều hối về thành phố được thông suốt và phát huy tối đa hiệu quả nguồn kiều hối, góp phần củng cố, đồng bộ với các chính sách huy động nguồn lực phát triển thành phố nói chung, nhất là chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023- 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng lưu ý, với lượng kiều hối về TPHCM như hiện nay, Ban cán sự đảng UBND TPHCM cần đặc biệt tập trung nghiên cứu có chính sách thu hút để điều chuyển dòng kiều hối về thành phố theo hướng không chỉ để phục vụ nhu cầu về tiêu dùng, mà còn đáp ứng nhu cầu tham gia đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố.

Vận dụng các quy định pháp luật liên quan và quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội để xem xét, ban hành các chính sách thu hút mạnh mẽ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và gia đình cùng tham gia các hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển thành phố trên các lĩnh vực.

Đặc biệt, quá trình triển khai thực hiện Đề án cần quan tâm, chú trọng công tác truyền thông một cách toàn diện, chặt chẽ, sâu rộng; các nội dung tuyên truyền phải có chiều sâu, đầy đủ thông tin, để khuyến khích người dân (gồm bà con kiều bào và người thân) yên tâm và hiểu rõ, TPHCM luôn trân trọng sự đồng hành, góp sức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào quá trình xây dựng, phát triển TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TPHCM cho biết, kiều hối là nguồn vốn không phải tuân thủ các điều kiện vay, nguyên tắc hoàn trả như các nguồn vốn ngoại tệ khác (vốn vay trả nợ nước ngoài, vốn ODA; đầu tư trực tiếp nước ngoài…). Do đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối là giải pháp bền vững, hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp thu nhập, đời sống người dân nâng lên... Từ đó, sẽ tác động trở lại để thu hút thêm nguồn vốn Việt kiều gửi về nước.

Trước đó, trong tháng 4-2024, Báo SGGP đã tổ chức loạt 4 bài và tọa đàm về "Nắn dòng vốn kiều hối vào hạ tầng" nhằm tìm kiếm giải pháp huy động tối đa các nguồn lực kiều hối vào đầu tư phát triển hạ tầng cho TPHCM. Loạt bài này cũng đã đoạt giải 3 Giải Báo chí TPHCM năm 2024.

Tin cùng chuyên mục