Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Hán, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây cho biết, Di tích Văn Miếu Sơn Tây được Triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng để thờ Đức Thánh Khổng Tử cùng các vị hiền triết và hàng trăm danh nhân khoa bảng vùng xứ Đoài xưa từng đỗ đạt danh hiệu cao quý. Văn Miếu Sơn Tây được khánh thành đời vua Thành Thái 1892, thuộc địa phận thôn Văn Miếu, xã Đường Lâm ngày nay.
Sơn Tây còn là là địa điểm trong trấn xứ Đoài, là trấn phía Tây thành Thăng Long, được xác định là “phên dậu”, có vị trí phòng thủ trọng yếu, bảo đảm cho sự bền chắc của thành Thăng Long (1831). Cùng với các di tích tiêu biểu của thị xã, Văn Miếu Sơn Tây nhằm góp phần gia tăng các giá trị văn hóa xứ Đoài và tôn vinh tinh thần hiếu học của dân tộc.
Làm rõ hơn về truyền thống hiếu học của Sơn Tây xưa, PGS.TS Bùi Xuân Đính (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội) cho biết, trong hơn 850 năm của nền giáo dục và khoa cử nho học, tỉnh Sơn Tây xưa có 68 người đỗ đại khoa, trong đó có một “Tam khôi” là Thám hoa Giang Văn Minh là người ở làng Mông Phụ, xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), còn lại chủ yếu là các đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và hoàng giáp.
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhấn mạnh, với 32 đại khoa được khắc tên họ trên bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Sơn Tây xứng đáng là vùng địa linh nhân kiệt, góp phần làm giàu truyền thống giáo dục, khoa bảng Việt Nam. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử nêu các ý kiến về bảo tồn, phát huy giá trị Văn Miếu Sơn Tây trong xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa và là điểm đến của du lịch học đường; cần phục dựng văn bia tại Văn Miếu Sơn Tây.