Khởi nghĩa ở Nam bộ có chậm hơn Hà Nội vài ngày nhưng kịp hòa vào làn sóng Tổng khởi nghĩa Tháng Tám vĩ đại, trong hoàn cảnh thông tin, liên lạc với Trung ương gặp nhiều khó khăn. Bấy giờ Ủy ban Khởi nghĩa Sài Gòn có trong tay trên 12.000 hội viên công đoàn, hơn 100.000 Thanh niên tiền phong bao gồm học sinh, viên chức, trí thức và hàng chục vạn nông dân ngoại thành với gậy gộc, dao mác, tầm vông và một số cơ sở cảm tình trong lực lượng “bảo an binh” của ngụy quyền…
Đêm ngày 24 rạng ngày 25-8, hàng chục vạn đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các tỉnh lân cận kéo về Sài Gòn. Thời điểm 0 giờ ngày 25-8-1945 toàn bộ chính quyền Sài Gòn về tay nhân dân.
Ngày 25-8-1945, Sài Gòn như rung chuyển dưới bước đi và tiếng hát, tiếng hô khẩu hiệu của khoảng 1,2 triệu người đủ các tầng lớp trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, trong đó có vài ngàn lực lượng võ trang chính quy, hàng trăm ngàn lực lượng du kích với vũ khí thô sơ, được tổ chức với cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm và tiếng hô vang dậy “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm” cùng với các bài hát cách mạng sục sôi khí thế.
Cách mạng Tháng Tám thành công nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, khéo léo, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, là sự chủ động nắm lấy thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng thành công cho thấy sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc, cùng khả năng đón nhận yếu tố thuận lợi của phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức của cộng đồng tiến bộ quốc tế.
Để có cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân ta đã trải qua 15 năm đấu tranh quyết liệt đầy hy sinh, gian khó, trong đó có bài học xương máu của Khởi nghĩa Nam kỳ. Đã có biết bao người con ưu tú của Đảng, của nhân dân đã anh dũng hy sinh tại Sài Gòn, tiêu biểu là các đồng chí Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Ngô Gia Tự, Nguyễn Thị Minh Khai…
Để có sự thành công của Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và cả Nam bộ, chúng ta vô cùng khâm phục sự chủ động, sáng tạo của các nhà lãnh đạo Xứ ủy, Thành ủy bấy giờ. Khi quyết định khởi nghĩa, đã nắm chắc lực lượng, tình hình và còn chỉ đạo thí điểm ở Tân An vào đêm hôm trước. Sự dũng cảm, can trường, trí tuệ và lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân của những nhà lãnh đạo của Đảng được truyền dẫn đến người dân. Chính truyền thống anh hùng, quả cảm của nhân dân đã hun đúc nên những nhà lãnh đạo có tầm vóc lớn.
Hào khí của Cách mạng Tháng Tám, cuộc đổi đời do cuộc Cách mạng Tháng Tám mang lại luôn vang dội và thôi thúc nhân dân ta trong hành trình giữ nước, đưa đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Trong hành trình ấy, Đảng bộ và nhân dân TPHCM đã vượt qua nhiều thử thách và đóng góp xứng đáng trong kháng chiến chống ngoại xâm, trong công cuộc đổi mới đất nước và trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Giờ đây, kinh tế TPHCM đang phục hồi và lấy đà tăng tốc, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. TPHCM sẽ phấn đấu giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, thực hiện thành công xây dựng mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù, đóng góp hiệu quả cho cải cách, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Với tinh thần Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM không có khó khăn nào không vượt qua, luôn xứng đáng với truyền thống kiên cường, năng động sáng tạo và sứ mệnh vinh quang “Vì cả nước, cùng cả nước”.