Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, đối với người dân Tiền Giang, tấm gương bất khuất, tinh thần chiến đấu kiên cường trong đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược những năm 60 thế kỷ XIX của Anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định là nguồn động lực to lớn để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục chiến đấu dũng cảm vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cống hiến công sức, trí tuệ xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.
Phát huy truyền thống anh hùng, sau ngày thống nhất đất nước đến nay, Đảng bộ Tiền Giang đã lãnh đạo nhân dân khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, đạt được những kết quả rất quan trọng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Trong 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của tỉnh tăng 5,56%, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,9 tỷ USD, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 84,4% dự toán năm...
Tại hội thảo khoa học, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ VH-TT-DL, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Quân khu 7, Quân khu 9; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu; các đại biểu tỉnh Quảng Ngãi - quê hương của AHDT Trương Định đã trao đổi nhằm tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và những đóng góp to lớn của cuộc Khởi nghĩa Trương Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX.
Bình Tây Đại nguyên soái - Trương Định sinh năm 1820 tại xã Tư Cung, Phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).
Năm 24 tuổi (năm 1844), ông theo cha vào Nam, lấy vợ và lập nghiệp ở Gò Công (thuộc tỉnh Tiền Giang). Năm 1854, Trương Định chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận. Ông được triều đình nhà Nguyễn phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản Cơ và tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công.
Đến năm 1862, nhà Nguyễn ký hòa ước Nhâm Tuất, giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang.
Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây Đại nguyên soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp. Ngày 20-8-1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân, Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng.