Chưa tạo được bứt phá
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, chất lượng GDĐH trong giai đoạn 2013-2023 (10 năm thực hiện Nghị quyết 29) mặc dù đã được nâng lên rõ rệt cả về lượng và chất nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển kinh tế tri thức. Quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như khối ngành kinh tế, tài chính hoặc khối ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn, trong khi các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội không có sức hút đối với người học. Đa số cơ sở GDĐH chỉ tập trung chủ yếu vào hoạt động đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học, chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học…
Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ tuy tăng về số lượng nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành có khả năng dẫn dắt hướng nghiên cứu mới và thực hiện triển khai các nhiệm vụ quốc gia ngang tầm khu vực và quốc tế; động lực cống hiến và nhiệt huyết của một bộ phận đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ chưa cao.
Phân tích từ tổng quy mô đào tạo tất cả trình độ của GDĐH cho thấy, quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 5%, trình độ tiến sĩ khoảng 0,6% (thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới); trong đó, tỷ trọng quy mô đào tạo sau đại học khối ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) còn thấp hơn nhiều, trình độ thạc sĩ chỉ đạt hơn 2%, trình độ tiến sĩ chỉ đạt xấp xỉ 0,3% và có xu hướng tiếp tục giảm. Tỷ trọng đào tạo sau đại học thấp đồng nghĩa với việc khả năng nghiên cứu, đột phá và làm chủ công nghệ tất nhiên sẽ rất thấp.
Theo Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), giai đoạn 2013 - 2023, hệ thống GDĐH Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc nhưng chưa đủ tầm bứt phá để thu hẹp khoảng cách so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới có 2 chỉ số chính liên quan tới GDĐH bao gồm chỉ số TE (Tertiary Education) và chỉ số nghiên cứu và phát triển (R&D): năm 2013, hai chỉ số này của Việt Nam có vị trí 111 và 123 trên 142 quốc gia, xếp sau 5 nước khu vực Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia); năm 2023 chỉ số TE tăng 22 bậc lên vị trí 89/132 và xếp sau 4 nước trong khu vực (Singapore, Thái Lan, Malaysia và Philippines), chỉ số R&D tăng 79 bậc lên vị trí 44/132 và xếp sau 3 nước trong khu vực (Singapore, Malaysia và Indonesia).
Theo Bộ GD-ĐT, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định 3 đột phá chiến lược: (1) Hoàn thiện đồng bộ thể chế; (2) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Hai đột phá chiến lược về thể chế và xây dựng kết cấu hạ tầng đã được Trung ương Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư mạnh về nguồn lực; trong khi đó, đột phá chiến lược về nguồn nhân lực chưa được rõ nét. Do đó, ngành giáo dục kiến nghị Bộ Chính trị đồng ý chủ trương có 1 Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giáo dục và đào tạo, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
Tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong những giải pháp đột phá chiến lược hàng đầu nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn mới, góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững.
Dưới góc độ đơn vị đào tạo, PGS-TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, tự chủ đại học để GDĐH bứt phá là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, ngân sách đầu tư cho giáo dục chưa cao nên rất khó để tạo sự bứt phá về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ cao. Nói đến nguồn nhân lực chất lượng cao là nói đến vai trò của GDĐH. Do đó, về chính sách vĩ mô cần tăng đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu ở những ngành, lĩnh vực trọng điểm thì mới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học đỉnh cao và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, các khối ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Toán và Thống kê (gọi tắt là khối ngành SM), là những ngành nền tảng, thiết yếu đối với phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, theo số liệu tuyển sinh đại học chính quy năm 2022, số sinh viên nhập học khối ngành SM chiếm xấp xỉ 1,5% trong tổng số nhập học mới, thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình của các nước châu Á - Thái Bình Dương (OECD) là 7%...
Do đó, trong Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao, khối ngành SM cùng với một số ngành kỹ thuật và công nghệ then chốt được chú trọng và sẽ đề xuất nhiều giải pháp dành cho người học cũng như các cơ sở GDĐH. Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ KH-CN để thúc đẩy việc gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa đào tạo và nghiên cứu trong các trường đại học, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đề xuất những giải pháp về dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, đặt hàng đào tạo theo nhu cầu...
Ông NGUYỄN KIM SƠN, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT:
Năm 2025, hai đại học quốc gia sẽ xếp hạng trong nhóm 500 thế giới
Bộ GD-ĐT đã đề ra các mục tiêu: đến năm 2025, đạt tối thiểu 270 sinh viên/10.000 dân (hiện nay là 210 sinh viên/10.000 dân); đến năm 2030 tỷ lệ sinh viên đại học trong nhóm độ tuổi 18 - 24 đạt 35%; tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình GDĐH của Việt Nam đạt 2%; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ít nhất đạt 40%; tỷ lệ công bố bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế đạt 0,75%; tỷ lệ cơ sở GDĐH (đủ điều kiện) đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đạt 100%, trong đó 10% đạt chuẩn kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín; 45% chương trình đào tạo (đủ điều kiện) đạt chuẩn kiểm định trong nước hoặc nước ngoài, trong đó 100% chương trình đào tạo giáo viên đủ điều kiện ở tất cả các trình độ đạt chuẩn kiểm định; phát triển một số cơ sở GDĐH đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á, trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới.
Bộ GD-ĐT sẽ tập trung phát triển một số cơ sở GDĐH ngang tầm khu vực vào năm 2030 và ngang tầm thế giới vào năm 2045; ưu tiên đầu tư phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học xuất sắc (hợp tác với các nước phát triển), các cơ sở GDĐH lớn và các cơ sở GDĐH sư phạm.
PGS-TS NGÔ VĂN HÀ, Khoa Lý luận chính trị, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng):Đánh giá thực trạng chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao
Hiện chỉ tiêu tuyển sinh đại học chủ yếu dựa vào năng lực của nhà trường (đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất), chưa dựa trên nhu cầu trước mắt và dài hạn của thị trường. Vì vậy, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực rất quan trọng làm cơ sở cho các trường đại học xây dựng chiến lược đào tạo. Để có dự báo đúng nhu cầu thị trường lao động, đòi hỏi phải có cơ chế phối hợp của nhà quản lý, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan dự báo cung - cầu, các cơ sở GDĐH và doanh nghiệp. Cần thiết phải hình thành cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ khảo sát, đánh giá thực trạng chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao ở Việt Nam, xác định được ngành thừa, ngành thiếu, điểm yếu của nguồn nhân lực chất lượng cao, đề xuất các giải pháp khắc phục; đồng thời xác định nhu cầu trước mắt và lâu dài về nguồn nhân lực. Đào tạo nguồn nhân lực cần gắn với thực tế đơn vị sử dụng lao động. Các đơn vị sử dụng lao động thông tin các yêu cầu về nguồn nhân lực, đưa ra các đặt hàng cụ thể để có cơ cấu đào tạo hợp lý, đào tạo ra lao động có trình độ, chuyên môn phù hợp, tránh dư thừa lãng phí.